Chủ nghĩa duy vật lịch sử là gì?

Tác phẩm này của Alan Woods, cung cấp cho chúng ta một giải thích toàn diện về phương pháp Marxist áp dụng vào phân tích lịch sử. Phần đầu này thiết lập cơ sở khoa học cho chủ nghĩa duy vật lịch sử. Nguyên nhân tận cùng của mọi sự thay đổi xã hội có thể được tìm thấy, không phải từ bên trong bộ óc của nhân loại, mà từ những thay đổi trong phương thức sản xuất.


[Source]

Những người Marxist không xem lịch sử chỉ là một chuỗi những sự kiện tách biệt nhau, họ tìm cách phát hiện ra những quá trình và quy luật phổ quát chi phối tự nhiên và xã hội. Điều kiện đầu tiên cho khoa học nói chung là khả năng chúng ta nhìn xa hơn những cái cá biệt và đi kết cái tổng quát. Tư tưởng cho rằng lịch sử nhân loại không bị chi phối bởi một quy luật nào hết là trái ngược với mọi khoa học.

Lịch sử là gì?

Tại sao chúng ta phải chấp nhận rằng toàn bộ vũ trụ, từ những hạt nhỏ nhất cho tới những thiên hà xa xôi nhất là có thể xác định được, và rồi quá trình quyết định sự tiến hóa của các loài là bị chi phối bởi những quy luật, thế nhưng vì một lý do lạ kỳ nào đó, lịch sử của chúng ta lại không như vậy.

Phương pháp Marxist phân tích những động lực làm nền tảng cho sự phát triển của xã hội loài người từ những xã hội bộ lạc sớm nhất cho đến xã hội hiện đại ngày nay. Phương thức mà chủ nghĩa Marx tìm ra con đường lịch sử quanh co này được gọi là quan niệm duy vật về lịch sử.

Ai từ chối sự tồn tại của những quy luật chi phối sự phát triển của xã hội loài người người đó không tránh khỏi tiếp cận lịch sử từ quan điểm chủ quan và đạo đức. Thế nhưng bên trên và vượt xa những sự kiện bị tách rời, cần thiết phải nhận thức những xu thế, sự chuyển tiếp từ hệ thống xã hội này sang hệ thống xã hội khác, và tìm ra động lực cơ bản quyết định chuyển tiếp ấy.

Trước Marx và Engels hầu hết mọi người đều xem lịch sử là chuỗi những sự kiện không có liên kết với nhau, hay dùng thuật ngữ triết học là “ngẫu nhiên”. Đã từng không có giải thích tổng quát nào cho nó, lịch sử không có tính quy luật nội tại. Bằng cách thiết lập thực tế rằng, phân tích cho đến cùng, mọi sự phát triển của nhân loại phụ thuộc vào sự phát triển của lực lượng sản xuất, Marx và Engels lần đầu tiên đã đặt nghiên cứu lịch sử lên nền tảng khoa học.

Phương pháp khoa học này giúp chúng ta hiểu lịch sử, không phải như chuỗi những sự kiện ngẫu nhiên không liên kết với nhau và không dự đoán được, mà là một phần của quá trình có liên kết và có thể hiểu rõ. Đó là một chuỗi các hành động và phản ứng bao trùm các mặt chính trị, kinh tế, và toàn bộ lăng kính của phát triển xã hội. Bóc trần mối quan hệ biện chứng phức tạp giữa các hiện tượng này là nhiệm vụ của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Con người không ngừng cải biến tự nhiên thông qua lao động và trong quá trình đó cải biến chính bản thân mình.

Xuyên tạc Chủ nghĩa Marx

Khoa học dưới chế độ tư bản có xu thế là nó ngày một thiếu tính khoa học hơn, nó càng tiến tới thiếu khoa học hơn nữa khi nó phân tích về xã hội. Cái gọi là khoa học xã hội (xã hội học, kinh tế, chính trị), và cả triết học tư sản, nhìn chung chẳng áp dụng một phương pháp khoa học thực sự nào, và do vậy dẫn đến kết cục là những cố gắng chết yểu nhằm biện hộ cho chủ nghĩa tư bản, hoặc ít nhất là không thừa nhận Marx (mà cả hai thực ra là một).

Mặc cho sự khoe khoang “tính khoa học” của các nhà sử học tư sản, viết sử không thể tránh khỏi việc nó phản chiếu quan điểm giai cấp. Thực tế là lịch sử về các cuộc chiến tranh — bao gồm cả đấu tranh giai cấp — là lịch sử viết bởi kẻ chiến thắng. Nói cách khác, quá trình chọn lọc và diễn giải những sự kiện ấy được định hình bởi kết quả thực tế của những xung đột đó khi chúng tác động tới nhà sử học và tiếp đến là tới nhận thức của ông ta về những gì mà người đọc sử muốn biết. Hơn nữa, phân tích cho đến cùng, nhận thức ấy bao giờ cũng bị ảnh hưởng bởi lợi ích giai cấp hoặc lợi ích nhóm trong xã hội.

Khi những nhà Marxist xem xét xã hội họ không giả bộ họ là những người trung lập, trái lại họ công khai ủng hộ sự nghiệp của những giai cấp bị áp bức và bóc lột. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là làm như thế sẽ loại bỏ tính khách quan khoa học. Khi bác sĩ phẫu thuật tham gia vào một ca mổ phức tạp thì anh ta cũng đã cam kết phải cứu bệnh nhân của mình. Anh ta không thể nào trung lập với kết quả phẫu thuật. Nhưng cũng chính vì lý do đó, anh ta sẽ phải phân biệt cực kỳ cẩn trọng những lớp nội tạng khác nhau. Cũng giống như vậy, những người Marxist cố gắng đạt được những phân tích chính xác khoa học nhất về tiến trình xã hội, để có thể mang lại ảnh hưởng tích cực đến kết cục.

Người ta thường xuyên thực hiện những toan tính hòng làm mất uy tín của chủ nghĩa Marx bằng cách xuyên tạc phương pháp phân tích lịch sử của nó. Không có gì đơn giản hơn việc dựng lên một bù nhìn rơm để sau đó tìm cách đánh gục ngã nó. Một sự bóp méo thường thấy là xem Marx và Engels “giản lược tất cả thành vấn đề kinh tế”. Sự xuyên tạc máy móc này chẳng có gì liên quan tới chủ nghĩa Marx. Nếu đó là sự thật, thì chúng ta có thể đã được giải thoát khỏi cuộc đấu tranh đau đớn hòng thay đổi thế giới. Chủ nghĩa tư bản có thể đã sụp đổ và một xã hội mới thay thế đúng vào đó, như quả táo chín rụng vào lòng của kẻ đang ngủ dưới gốc cây. Nhưng chủ nghĩa duy vật lịch sử chẳng có gì chung với chủ nghĩa định mệnh.

Sự phí lý này được trả lời bằng đoạn văn sau trong bức thư Engels gửi cho Bloch:

“Theo quan điểm duy vật lịch sử, nhân tố quyết định trong lịch sử , xét đến cùng là sự sản xuất và tái sản xuất đời sống hiện thực. Cả Marx lẫn tôi chưa bao giờ có khẳng định gì hơn thế. Do đó, nếu có ai xuyên tạc câu đó khiến cho nó có nghĩa là nhân tố kinh tế là nhân tố quyết định duy nhất thì như vậy là họ đã biến câu đó thành một câu trống rỗng, trừu tượng, vô nghĩa.”(Marx-Engels 1984, tr726)

Trong tác phẩm Gia đình Thần thánh, viết trước tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Marx và Engels dè bỉu ý tưởng cho rằng “Lịch sử” được thai nghén mà không có những cá nhân và giải thích rằng đó chỉ là sự trừu tượng trống rỗng:

“Lịch sử không làm gì hết, nó ‘không có tính phong phú vô cùng tận nào cả’, nó ‘không chiến đấu ở trận nào cả’! Không phải ‘lịch sử’, mà chính con người, con người thực sự, con người sống mới là kẻ làm ra tất cả những cái đó, có tất cả những cái đó và chiến đấu cho tất cả những cái đó. ‘Lịch sử’ không phải là một nhân cách đặc thù nào đó sử dụng con người làm phương tiện đạt tới các mục đích của mình. Lịch sử chẳng qua chỉ là hoạt động của con người theo đuổi mục đích của bản thân mình”1

Tất cả những gì mà chủ nghĩa Marx làm là giải thích vai trò của cá nhân là một phần của xã hội, chịu chi phối bởi những quy luật khách quan và, xét đến cùng, là đại diện cho lợi ích của một giai cấp cụ thể. Tư duy không phải là một tồn tại độc lập, sự phát triển lịch sử của nó cũng vậy. Marx viết trong Hệ Tư tưởng Đức, “không phải tư duy quyết định tồn tại mà là tồn tại quyết định tư duy.”

Ý chí tự do?

Tư duy và hành động của con người được quyết định bởi những quan hệ xã hội, sự phát triển của nó không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người, nhưng nó diễn ra tuân theo những quy luật xác định. Những mối quan hệ xã hội ấy, xét cho đến cùng, phản ánh nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất. Mối liên hệ qua lại giữa các yếu tố này hình thành nên một mạng lưới phức tạp mà thường khó nhìn thấy được. Nghiên cứu những mối quan hệ này là cơ sở của học thuyết Marx về lịch sử.

Nhưng nếu như con người không phải là những con rối của những “động lực lịch sử mù quáng”, thì họ cũng không phải là những tác nhân hoàn toàn tự do, có khả năng nhào nặn số phận của mình mà không phụ thuộc vào những điều kiện tồn tại bị áp đặt bởi trình độ phát triển về kinh tế, khoa học và kỹ thuật, cái mà khi phân tích đến cùng, quyết định một hệ thống kinh-tế–xã-hội có khả thi hay không. Trong tác phẩm Ngày 18 Tháng Sương Mù của Louis Bonaparte, Marx viết:

“Con người làm ra lịch sử của chính mình, nhưng không phải làm theo ý muốn tùy tiện của mình, trong những điều kiện tự mình chọn lấy, mà là trong những điều kiện trực tiếp có trước mắt, đã cho sẵn và do quá khứ để lại. Truyền thống của tất cả các thế hệ đã chết đè nặng như quả núi lên đầu óc những người đang sống […]”(Marx-Engels 1981, tr386)

Sau đó Engels diễn đạt ý tương tự theo một cách khác:

“Con người làm ra lịch sử của mình – vô luận là lịch sử này diễn ra như thế nào – bằng cách là mỗi người theo đuổi những mục đích riêng, mong muốn một cách có ý thức, và chính kết quả chung của vô số những ý muốn tác động theo nhiều hướng khác nhau đó và của những ảnh hưởng muôn vẻ của những ý muốn đó vào thế giới bên ngoài đã tạo nên lịch sử”(Ludwig Feuerbach và sự cáo chung của Triết học cổ điển Đức, Marx-Engels 1984, tr406-7)

Điều mà chủ nghĩa Marx khẳng định, và là tiền đề mà không ai có thể chối bỏ, là khi phân tích cho đến cùng thì tính khả thi của một hệ thống kinh tế–xã hội được quyết định bởi năng lực mà nó phát triển phương thức sản xuất, nói cách khác, đó là nền tảng vật chất xây dựng nên xã hội, văn hóa và văn minh.

Quan điểm cho rằng sự phát triển của lực lượng sản xuất là nền tảng cho sự phát triển xã hội là một sự thật hiển nhiên đến nỗi thật ngạc nhiên khi người ta vẫn còn phân vân về điều đó. Không cần phải có trí tuệ cao siêu gì để hiểu ra rằng trước khi con người có thể phát triển về nghệ thuật, khoa học, tôn giáo hay triết học, con người trước hết phải có lương thực để ăn, quần áo để mặc, nhà cửa để ở. Tất cả những thứ đó phải được sản xuất bởi ai đó, bằng cách nào đó.

Trong tác phẩm Góp phần Phê phán Khoa kinh tế chính trị, Marx giải thích quan hệ giữa lực lượng sản xuất và “kiến trúc thượng tầng” như sau:

“Trong sự sản xuất xã hội ra đời sống của mình, con người ta có những quan hệ nhất định, tất yếu, không tùy thuộc vào ý muốn của họ; – tức những quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất vật chất của họ . Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy họp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực, trên đó xây dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị, và tương ứng với cơ sở thực tại đó thì có những hình thái ý thức xã hội nhất định. Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt vã hội, chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ; trái lại, chính sự tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ.”(Góp phần Phê phán Khoa kinh tế chính trị, Marx-Engels 1981)

Marx và Engels kiên trì chỉ ra rằng, những người tham dự vào quá trình lịch sử không phải bao giờ cũng nhận ra được động lực nào đang thúc đẩy họ, thay vào đó họ tìm cách lý trí hóa những động lực ấy bằng cách này hay cách khác, thế nhưng những động lực ấy tồn tại và có cơ sở trong một thế giới hiện thực.

Từ đây chúng ta thấy rằng dòng chảy và hướng đi của lịch sử đã và đang được định hình bởi cuộc đấu tranh giữa các giai cấp xã hội để tạo dựng lên xã hội theo lợi ích của riêng họ và những kết quả đối kháng giai cấp sinh ra từ đó. Như những lời đầu tiên trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nhắc nhở chúng ta: “Lịch sử của các xã hội đã tồn tại cho đến nay là lịch sử đấu tranh giai cấp.” Duy vật lịch sử giải thích động lực phát triển xã hội thông qua đấu tranh giai cấp.

Marx và Darwin

Giống loài chúng ta là một sản phẩm của quá trình tiến hóa rất lâu dài. Tất nhiên, tiến hóa không phải là một bản thiết kế vĩ đại nhằm tạo ra sinh vật giống như chúng ta. Đó không phải là vấn đề chấp nhận một kế hoạch định trước nào đó, hoặc liên quan tới sự can thiệp của Thượng Đế hoặc liên quan tới một loại mục đích luận nào đó, nhưng rõ ràng là những quy luật tiến hóa gắn liền với tự nhiên trong thực tế quyết định sự phát triển của những dạng thức sống từ đơn giản tới phức tạp.

Những dạng thức sống sơ khai nhất đã chứa đựng bên trong nó những phôi thai của mọi sự phát triển trong tương lai. Có thể giải thích sự phát sinh của mắt, chi và các cơ quan khác mà không cần dựa vào một kế hoạch định trước nào. Tại một giai đoạn nhất định chúng ta có được sự phát triển hệ thần kinh trung ương và một bộ não. Cuối cùng, ở giai đoạn Người Tinh khôn, chúng ta đạt tới con người có nhận thức. Vật chất trở nên có nhận thức về chính bản thân nó. Không có cuộc cách mạng nào quan trọng hơn cuộc cách mạng ấy kể từ khi vật chất hữu cơ (sự sống) phát triển từ vật chất vô cơ.

Charles Darwin giải thích rằng các loài là không bất biến, và rằng các loài có quá khứ, hiện tại và tương lai, chúng thay đổi và tiến hóa. Tương tự như vậy Marx và Engels giải thích rằng hệ thống xã hội không phải là một cái gì đó cố định mãi mãi. Tiến hóa cho thấy làm thế nào mà những dạng thức sống khác nhau đã từng thống trị trái đất trong thời gian dài nhưng đã bị tuyệt chủng ngay khi những điều kiện vật chất quyết định sự thành công về mặt tiến hóa của chúng thay đổi. Những loài từng thống trị trước đây đã bị thay thế bằng những loài tầm thường và thậm chí bằng những loài còn không có cả viễn cảnh liệu có thể sống sót được.

Ngày nay tư tưởng về “tiến hóa” được công nhận rộng rãi, ít nhất là bởi những người có giáo dục. Tư tưởng của Darwin, thực sự cách mạng trong thời đại của ông, được công nhận gần như là một sự thật hiển nhiên. Thế nhưng, tiến hóa nói chung được hiểu là một quá trình chậm chạm, từ từ, không có sự gián đoạn hay những biến động mạnh mẽ. Trong chính trị, cách lập luận này hay được dùng để biện hộ cho chủ nghĩa cải cách. Thật không may, nó dựa trên sự hiểu lầm. Thậm chí cho đến hôm nay cơ chế thực sự của tiến hóa vẫn còn là cuốn sách bị giữ kín bởi bảy lần niêm phong.

Không có gì ngạc nhiên khi bản thân Darwin cũng không hiểu nó. Chỉ cho đến thời gian gần đây vào những năm 1970, với những khám phá về cổ sinh vật học của Stephen J. Gould, người khám phá học thuyết về sự cân bằng bị ngắt quãng, đã chứng minh rằng tiến hóa không phải là quá trình diễn ra một cách dần dần. Có những giai đoạn dài mà không quan sát được biến đổi lớn nào, nhưng tại một thời điểm nhất định, đường tiến hóa bị đứt gãy bởi sự bùng nổ, một cuộc cách mạng sinh học thực sự đặc trưng bởi sự tuyệt chủng hàng loạt của một số loài và sự vươn lên nhanh chóng của những loài khác.

Chúng ta thấy quá trình tương tự trong sự trỗi dậy và sụp đổ của các hệ thống kinh tế–xã hội. Sự tương tự giữa xã hội và tự nhiên, tất nhiên, chỉ là sự xấp xỉ. Nhưng ngay cả cách lý giải lịch sử một cách hời hợt nhất cũng cho thấy cách diễn giải tiệm tiến (dần dần, từ từ, từng bước một) là không có cơ sở. Xã hội, cũng như tự nhiên, có những thời kỳ kéo dài với những thay đổi dần dần và chậm chạp, nhưng cũng chính ở đó mà ranh giới bị đứt gẫy bởi sự phát triển bùng nổ – đó là chiến tranh và cách mạng, ở đó quá trình biến đổi được gia tốc một cách mạnh mẽ. Thực tế, chính những sự kiện đó đóng vai trò là động lực chủ đạo của diễn biến lịch sử. Và nguyên nhân gốc rễ của cách mạng là thực tế mà một hệ thống kinh tế–xã hội nhất định đã đạt tới giới hạn của nó và không thể phát triển lực lượng sản xuất như trước được nữa.

Lịch sử hơn một lần trang bị cho chúng ta những ví dụ về những cường quốc sụp đổ trong một thời gian ngắn ngủi. Lịch sử cũng cho thấy làm thế nào mà những quan điểm chính trị, tôn giáo và triết học hầu như ai cũng chê bai lại trở thành quan điểm được chấp nhận như một sức mạnh cách mạng nảy sinh để thay thế cái cũ. Thực tế là những tư tưởng của chủ nghĩa Marx là thế giới quan của một bộ phận thiểu số nhỏ bé trong xã hội do đó không việc gì phải để ý tới. Mọi tư tưởng vĩ đại trong lịch sử đều bắt đầu như một tư tưởng dị giáo và điều này áp dụng cho chủ nghĩa Marx hôm nay cũng như áp dụng cho Thiên chúa giáo 2000 năm trước.

“Những thích nghi tiến hóa” giúp chế độ nô lệ thay thế thời kỳ dã man, rồi chế độ phong kiến thay thế chế độ nô lệ cuối cùng lại trở thành cái đối lập với nó. Và giờ đây chính những đặc tính giúp chế độ tư bản thay thế chế độ phong kiến và vươn lên trở thành hệ thống kinh tế–xã hội thống trị lại đang trở thành nguyên nhân của sự mục nát của nó. Tư bản đang phơi bày tất cả những triệu chứng mà chúng ta liên hệ tới một hệ thống kinh tế–xã hội đang trong trạng thái suy thoái cuối cùng. Ở nhiều phương diện nó giống thời kỳ suy tàn của Đế chế La Mã như Edward Gibbon đã mô tả. Trong thời kỳ tới mở ra trước chúng ta, hệ thống tư bản đang tiến tới diệt vong.

Chủ nghĩa xã hội, không tưởng và khoa học

Bằng cách áp dụng phương pháp duy vật biện chứng vào lịch sử, có thể thấy rõ ràng ngay lập tức là lịch sử nhân loại có những quy luật của riêng nó, như vậy là, có thể hiểu được lịch sử với tư cách là một quá trình. Sự trỗi dậy và suy tàn của các hình thức kinh tế–xã hội khác nhau có thể được giải thích một cách khoa học dựa trên cơ sở những hình thức ấy có khả năng hay không có khả năng phát triển phương tiện sản xuất, và do đó thúc đẩy văn hóa nhân loại, và gia tăng sự làm chủ của con người đối với tự nhiện.

Nhưng những quy luật chi phối biến động lịch sử ấy là gì? Nếu quá trình tiến hóa của sự sống chứa đựng những quy luật có thể được giải thích được, và đã được giải thích, đầu tiên bởi Darwin và trong thời gian gần đây bởi những tiến bộ nhanh chóng trong nghiên cứu về di truyền học thì quá trình tiến hóa trong xã hội loài người được giải thích bởi Marx và Engels. Trong Hệ Tư tưởng Đức, viết trước Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Marx viết:

“Tiền đề đầu tiên của toàn bộ lịch sử nhân loại thì dĩ nhiên là sự tồn tại của những cá nhân con người sống. Vì vậy, điều đầu tiên cần phải xác định là tổ chức cơ thể của những cá nhân ấy và mối quan hệ mà tổ chức cơ thể ấy tạo ra giữa họ với phần còn lại của giới tự nhiên. (…) Có thể phân biệt con người với súc vật, bằng ý thức, bằng tôn giáo, nói chung bằng bất cứ cái gì cũng được. Bản thân con người bắt đầu sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình, – đó là một bước tiến do tổ chức cơ thể của con người quy định. Sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình, như thế là con người đã gián tiếp sản xuất ra chính đời sống vật chất của mình.”(Marx-Engels 1980, tr268)

Trong tác phẩm, Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học, viết vào thời gian muộn hơn, Engels đem đến cho chúng ta những diễn giải chi tiết hơn về tư tưởng ấy. Ở đây chúng ta thấy sự thể hiện súc tích và rõ ràng về những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử:

“Quan niệm duy vật lịch sử xuất phát từ quan niệm cho rằng sản xuất và sau sản xuất là trao đổi sản phẩm của sản xuất, là cơ sở của mọi chế độ xã hội; rằng trong mọi xã hội xuất hiện trong lịch sử, sự phân phối sản phẩm, và cùng với sự phân phối ấy là sự phân chia xã hội thành giai cấp hoặc đẳng cấp, là tùy theo cái gì đã được sản xuất ra và được sản xuất ra như thế nào, và cái đã sản xuất ra được trao đổi như thế nào. Do đó, phải tìm những nguyên nhân cuối cùng của tất cả những biến đổi xã hội và cách mạng chính trị không phải trong đầu óc người ta, không phải ở sự nhận thức ngày càng tăng của họ về chân lý vĩnh cửu, mà là ở trong những sự biến đổi của phương thức sản xuất và phương thức trao đổi”(Marx-Engels 1983, tr592-593)

Đối lập với tư tưởng xã hôi không tưởng của Robert Owen, Saint-Simon và Fourier, chủ nghĩa Marx đặt nền tảng trên thế giới quan khoa học của chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa Marx giải thích rằng mấu chốt của sự phát triển của mọi xã hội là sự phát triển của lực lượng sản xuất: sức lao động, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học và kỹ thuật. Mỗi hệ thống xã hội mới – nô lệ, phong kiên, tư bản – đã đảm nhận nhiệm vụ đưa xã hội loài người tiến lên phía trước thông qua sự phát triển lực lượng sản xuất của nó.

Tiền đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử đó là nguồn gốc tận cùng của sự phát triển nhân loại là sự phát triển của lực lượng sản xuất. Đây là kết luận quan trọng nhất bởi vì chỉ riêng mình nó cho phép chúng ta đi đến quan niệm khoa học về lịch sử. Chủ nghĩa Marx kiên định rằng sự phát triển của xã hội loài người sau hàng triệu năm thể hiện ở tiến bộ, nghĩa là nó gia tăng sức mạnh của nhân loại đối với tự nhiên và do đó tạo ra những điều kiện vật chất để đạt tới tự do thực sự cho con người. Thế nhưng, sự phát triển ấy chưa bao giờ diễn ra một cách tuyến tính, như những nhà khoa học thời kỳ Victoria (những người mà có quan điểm thô thiển và không biện chứng về tiến hóa) hình dung một cách sai lầm. Lịch sử bao gồm cả những bước tiến lên và cả những bước thụt lùi.

Một khi ai đó phủ nhận quan điểm duy vật, động lực duy nhất cho các sự kiện lịch sử chỉ còn lại là vai trò của những cá nhân riêng lẻ – “những vĩ nhân”. Nói cách khác, chúng ta chỉ còn lại quan điểm duy tâm và chủ quan về tiến trình lịch sử. Đây là lập trường của những người theo chủ nghĩa xã hội không tưởng, họ, mặc dù có những hiểu biết sắc sảo và phê phán sâu sắc về trật tự xã hội đang tồn tại, đã không hiểu được quy luật cơ bản của phát triển lịch sử. Đối với họ, chủ nghĩa xã hội chủ là một “ý tưởng hay”, một cái gì đó có thể được nghĩ đến từ hàng nghìn năm trước, hoặc ngay vào sáng hôm sau. Giá như nó đã được phát minh ra từ một nghìn năm trước, nhân loại đã có thể chẳng phải vướng vào nhiều rắc rối đến vậy!

Không thể hiểu lịch sử bằng cách dựa vào những diễn giải chủ quan về những nhân vật chính. Chúng ta hãy dẫn ra một ví dụ. Những người Thiên chúa giáo đầu tiên, những người mong đợi ngày tận thế và Sự hồi sinh của Chúa mỗi giờ, không tin vào sở hữu tư nhân. Trong cộng đồng của họ, họ thực hành một kiểu xã hội cộng sản (mặc dù đó là kiểu xã hội cộng sản không tưởng, dựa trên tiêu dùng chứ không phải dựa trên sản xuất). Thử nghiệm ban đầu của họ về xã hội cộng sản đã không đi tới đâu, và không thể đi đến đâu, bởi vì sự phát triển của lực lượng sản xuất ở thời kỳ đó không cho phép xây dựng một xã hội cộng sản thực sự.

Vào thời kỳ Cách mạng Anh, Oliver Cromwell nồng nhiệt tin tưởng rằng ông ta đang đấu tranh cho quyền của mỗi cá nhân được cầu nguyện Thượng đế theo đúng tín ngưỡng/lương tâm của bản thân. Thế nhưng bước đi tiếp theo của lịch sử chứng tỏ rằng Cách mạng Cromwell là giai đoạn quyết định trong quá trình trỗi dậy không thể ngăn cản của tư sản Anh tới quyền lực. Giai đoạn phát triển cụ thể của lực lượng sản xuất ở nước Anh Thế kỷ 17 không cho phép một kết cục nào khác.

Những nhà lãnh đạo của Đại Cách mạng Pháp 1789-93 đấu tranh dưới ngọn cờ “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Họ tin rằng họ đang đấu tranh cho một chế độ đặt nền móng trên những quy luật vĩnh cửu của Công lý và Lý trí. Thế nhưng, mặc cho ý định và tư tưởng của họ, phái Jacobins đã dọn đường cho sự thống trị của giai cấp tư sản ở Pháp. Một lần nữa, từ quan điểm khoa học, không một kết quả nào khác có thể xảy ra tại điểm phát triển xã hội đó.

Các giai đoạn phát triển lịch sử

Xã hội sơ khai

Toàn bộ lịch sử nhân loại chính xác là cấu thành từ cuộc đấu tranh của nhân loại để nâng bản thân mình vượt lên trên mức độ loài vật. Cuộc đấu tranh dai dẳng này bắt đầu 7 triệu năm trước khi những tổ tiên dạng người của chúng ta lần đầu tiên đứng thẳng và có thể giải phóng bàn tay để lao động. Kể từ đó, những giai đoạn phát triển xã hội kế tiếp nhau đã nảy sinh trên cơ sở những thay đổi trong sự phát triển của lực lượng sản xuất, hay nói cách khác là, sức mạnh của chúng ta trước tự nhiên.

Xã hội loài người đã trải qua một chuỗi những giai đoạn có thể phân biệt một cách rõ ràng. Mỗi giai đoạn được đặt nền tảng trên một phương thức sản xuất xác định, cái đến lượt nó thể hiện bản thân nó ở một hệ thống quan hệ giai cấp xác định. Những quan hệ ấy tiếp đến lại thể thiện bản thân nó ở quan điểm xã hội, tâm lý, đạo đức, luật pháp và tôn giáo xác định.

Mối quan hệ giữa cơ sở kinh tế của xã hội với kiến trúc thượng tầng (hệ tư tưởng, đạo đức, luật pháp, nghệ thuật, tôn giáo, triết học, v.v.) là không hề đơn giản và trực tiếp mà cực kỳ phức tạp và thậm chí mâu thuẫn. Những sợi dây vô hình kết nối lực lượng sản xuất với quan hệ giai cấp được phản chiếu trong đầu óc của con người một cách méo mó và mơ hồ. Những tư tưởng có nguồn gốc từ quá khứ sơ khai có thể đeo bám vào tinh thần tập thể trong một thời gian dài, nó vẫn bền bỉ sau khi cơ sở thực tại mà từ đó nó phát sinh đã biết mất. Tôn giáo là một ví dụ rõ ràng chứng minh điều này. Đó là mối tương quan biện chứng. Điều này được Marx giải thích một cách rõ ràng:

“Còn nói về những lĩnh vực tư tưởng lơ lửng ở cao hơn nữa trên không trung, như tôn giáo, triết học, v.v., thì chúng đã có một nội dung tiền sử, mà thời đại có sử sách đã thấy có sẵn và tiếp nhận, nội dung mà bây giờ chúng ta phải gọi là sự ngu xuẩn. Những quan niệm sai lầm muôn vẻ ấy về thiên nhiên, về sự cấu tạo của bản thân con người, về những thần linh, về những lực lượng bí ẩn v.v., phần lớn chỉ có một yếu tố kinh tế tiêu cực làm cơ sở, những quan niệm sai lệch về thiên nhiên là cái bổ sung cho trình độ phát triển thấp kém của thời kỳ tiền sử, nhưng phần nào cũng là điều kiện và thậm chí là nguyên nhân của trình độ thấp kém đó. Và mặc dù nhu cầu kinh tế là động lực chính, ngày càng lớn mạnh của sự hiểu biết ngày càng nhiều về thiên nhiên, nhưng chúng ta sẽ chỉ là thông thái rởm nếu cứ đi tìm những nguyên nhân kinh tế cho tất cả những điều ngu ngốc nguyên thủy đó.”

“Lịch sử của khoa học là lịch sử của sự gạt bỏ dần dần những điều ngu ngốc đó, hay là của sự thay thế những điều ngu ngốc đó bằng những điều ngu ngốc mới nhưng ngày càng ít phi lý hơn. Những người gánh trách nhiệm làm việc ấy cũng lại nằm trong những lĩnh vực riêng biệt của sự phân công lao động, và họ tưởng rằng họ làm việc trong một lĩnh vực độc lập. Và trong chừng mực họ là một nhóm độc lập trong sự phân công lao động xã hội thì những hoạt động sản xuất của họ, kể cả những sai lầm của họ, đều tác động trở lại vào toàn bộ sự phát triển của xã hội, và cả sự phát triển kinh tế nữa. Nhưng mặc dầu thế, họ cũng vẫn phải chịu ảnh hưởng chi phối của sự phát triển kinh tế” (Thư và trích thư, Marx-Engels 1984, tr736-7)

Và một lần nữa.

“Thế nhưng, là một lĩnh vực nhất định của sự phân công lao động, triết học của mỗi thời đại phải có một số vật tư tư tưởng nào đó do các triết học trước đó truyền lại, làm xuất phát điểm. Đó là lẽ tại sao những nước lạc hậu về kinh tế lại có thể giữ vai trò đi đầu trong triết học.” (nđd, tr738)

Tất cả ý thức hệ, truyền thống, đạo đức, tôn giáo, v.v., đều đóng vai trò quan trọng trong định hình niềm tin của con người. Chủ nghĩa Marx không từ chối sự thật hiển nhiên này. Đối lập với những gì mà những nhà duy tâm tin vào, nhận thức của con người về tổng quan là cực kỳ bảo thủ. Hầu hết mọi người không thích thay đổi, đặc biệt là những hay đổi đột ngột và mạnh mẽ. Họ sẽ bám vào những gì họ biết và đã quen thuộc: tư tưởng, tôn giáo, thiết chế, đạo đức, lãnh đạo và đảng phái trong quá khứ. Thói quen và phong tục tất cả đều như khối chì đè nặng lên vai của nhân loại. Vì tất cả những lý do đó nhận thức bị tụt lại về phía sau các sự kiện.

Thế nhưng, ở những giai đoạn nhất định những sự kiện lớn lao buộc con người phải đặt câu hỏi cho những niềm tin và nhận định cũ của họ. Họ bị bật nảy khỏi sự lười biếng uể oải cũ kỹ, khỏi sự thờ ơ vô cảm rồi buộc phải chấp nhận thực tại. Trong những thời kỳ như vậy, ý thức có thể thay đổi một cách mau lẹ. Nó cho thấy thế nào là một cuộc cách mạng. Và con đường phát triển xã hội, cái có thể duy trì tính bằng phẳng và không thay đổi trong những giai đoạn lâu dài, đã bị gián đoạn bởi cách những cuộc cách mạng cái làm động lực cần thiết cho tiến bộ nhân loại.

Cách mạng Đồ Đá

Nếu chúng ta nhìn vào toàn bộ quá trình lịch sử nhân loại và vào thời kỳ tiền sử, điều đầu tiên làm kinh ngạc chúng ta là giống loài của chúng ta đã phát triển một cách chậm chạp khủng khiếp. Quá trình tiến hóa dần dần của loài người hoặc của vượn hình nhân để thoát khỏi tình trạng loài vật và tiến tới tình trạng con người thật sự đã diễn ra trong hàng triệu năm. Bước nhảy quyết định đầu tiên là sự chia tách của loài vượn người đầu tiên khỏi những tổ tiên loài khỉ.

Quá trình tiến hóa, tất nhiên, là mù lòa – nói vậy nghĩa là, nó không dính dáng gì đến một mục tiêu hay mục đích xác định nào cả. Thế nhưng, tổ tiên vượn người của chúng ta, đầu tiên bằng cách đứng thẳng, tiếp đến bằng cách sử dụng bàn tay để tạo ra công cụ và cuối cùng sản xuất ra những công cụ ấy, đã tìm thấy một chỗ thích hợp trong môi trường cụ thể giúp thúc đẩy họ tiến lên phía trước.

Mười triệu năm trước loài khỉ góp phần vào những loài thống trị trên hành tinh. Chúng đã tồn tại một cách đa dạng – sống ở trên cây, sống dưới mặt đất và những hình thức sống trung gian khác. Chúng sinh sôi nảy nở trong những điều kiện khí hậu chiếm ưu thế mà đã tạo ra một môi trường nhiệt đới hoàn hảo. Thế rồi tất cả mọi thứ đã thay đổi. Khoảng bảy hoặc tám triệu năm trước hầu hết các loài tiêu vong. Lý do cho sự tiêu vong này vẫn chưa được biết.

Trong một thời gian dài cuộc tìm kiếm nguồn gốc của nhân loại bị rối loạn bởi những thành kiến duy tâm cứ khăng khăng cho rằng, do sự khác biệt chủ yếu giữa người và khỉ là não bộ, những tổ tiên sơ khai của chúng ta phải là loài khỉ có não bộ lớn. Thuyết “não bộ lớn” hoàn toàn thống trị ngành nhân loại học. Họ tiêu tốn nhiều thập kỷ để tìm kiếm được – nhưng không thành công – một “mắt xích còn thiếu”, mà họ bị thuyết phục rằng đó sẽ là một bộ xương hóa thạch với não bộ lớn.

Bị thuyết phục đến nỗi mà cộng đồng khoa học hoàn toàn bị lừa gạt bởi một trong những trò lừa đảo vĩ đại trong lịch sử khoa học. Vào ngày 18 Tháng 12 năm 1912, những mảnh xương của một hộp sọ hóa thạch và xương hàm được coi chính là “mắt xích còn thiếu – Người Piltdown (Piltdown Man)”. Nó được ca ngợi là một khám phá vĩ đại. Nhưng vào năm 1953 một nhóm nhà khoa học người Anh đã chỉ ra Người Piltdown là một trò bịp có chủ tâm. Thay vì có một triệu năm tuổi, người ta thấy những mảnh xương đó chỉ có 500 năm tuổi, và cái hàm thực ra là hàm của một con orang-utan.

Tại sao cộng đồng khoa học lại có thể dễ dàng bị đánh lừa như vậy? Bởi vì họ được cho xem cái mà họ mong đợi sẽ tìm thấy: một hộp sọ hình người sơ khai với não bộ lớn. Thực tế là, dáng đứng thẳng (đi bằng hai chân), và không phải kích cỡ bộ não, đã giúp giải phóng bàn tay để lao động, đó là bước ngoặt quyết định trong sự tiến hóa nhân loại.

Điều này đã được dự báo trước bởi Engels và tác phẩm xuất sắc của ông về nguồn gốc của loài người, Lao động trong quá trình Vượn biến thành Người. Nhà cổ sinh vật học nổi tiếng người Mỹ Stephen Jay Gould đã viết rằng thật đáng tiếc khi các nhà khoa học không thèm để ý tới những gì Engels viết, vì điều đó có thể giúp họ tránh khỏi một trăm năm sai lầm. Việc phát hiện ra Lucy, một bộ xương hóa thạch của một phụ nữa trẻ thuộc về một loài mới Australopithecus Afarensis, chứng tỏ Engels đã đúng. Cấu trúc cơ thể của vượn hình nhân cổ đại là giống như chúng ta (xương chân, hông, v.v.) do vậy chứng tỏ là loài đi bằng hai chân. Nhưng kích cỡ của não bộ không lớn hơn nhiều so với tinh tinh.

Tổ tiên xa xôi của chúng ta có kích thước nhỏ và di chuyển chậm so với các sinh vật khác. Họ không có móng vuốt và răng khỏe. Hơn nữa, một đứa trẻ, sinh ra chỉ một lần trong một năm, là hoàn toàn bất lực tại lúc được sinh ra. Cá heo khi sinh ra đã có thể bơi lội, gia súc và ngựa có thể đi lại sau vài giờ sinh và sư tử mới sinh có thể chạy sau 20 ngày.

Hãy so sánh điều đó với một đứa trẻ thì thấy nó cần hàng tháng trời chỉ để ngồi được mà không cần sự trợ giúp. Mất vài năm để một đứa bé có thể phát triển những kỹ năng cao cấp khác như chạy, nhảy. Với tư cách là một loài, do vậy, chúng ta có bất lợi đáng kể so với bao nhiêu là đối thủ cạnh tranh khác ở những savana ở Đông Phi. Lao động chân tay, cùng với tổ chức xã hội có tính hợp tác và ngôn ngữ, cái gắn liền với nó, là nhân tố quyết định trong sự tiến hóa nhân loại. Việc sản xuất ra các công cụ bằng đá mang lại cho tổ tiên của chúng ta một lợi thế tiến hóa sống còn, giúp kích thích sự phát triển của bộ não.

Thời kỳ đầu tiên này, Marx và Engels gọi là thời kỳ mông muội, đặc trưng bởi mức độ phát triển cực kỳ thấp trong phương tiện sản xuất, sản xuất dùng công cụ bằng đá, và hình thức sinh sống bằng săn bắn–hái lượm. Do vậy lộ trình phát triển này vẫn gần như bằng phẳng trong một thời gian dài. Hình thức sản xuất bằng săn bắn hái lượm thể hiện tình trạng chung của nhân loại thủa ban đầu. Những tàn dư còn sót lại, cho đến thời gian mới đây, có thể quan sát được ở những nơi nhất định trên thế giới, cung cấp cho chúng ta những manh mối và hiểu biết về lối sống từ lâu đã bị lãng quên.

Không đúng, chẳng hạn, khi cho rằng con người bản chất là ích kỷ. Nếu điều đó là sự thật, thì loài người chúng ta đã có thể bị tuyệt chủng từ hai triệu năm trước. Chính bởi ý thức hợp tác mạnh mẽ giúp gắt kết những nhóm người với nhau để đối mặt với tai ương. Họ chăm sóc những đứa trẻ, những người mẹ và họ kính trọng những thành viên lớn tuổi trong bộ lạc những người đã bảo tồn trong trí nhớ của họ tri thức và niềm tin tập thể. Tổ tiên xa xưa của chúng ta không biết đến sở hữu tư nhân là gì, như Anthony Burnett chỉ ra:

“Sự tương phản giữa con người và những loài khác là sáng tỏ như nhau nếu chúng ta so sánh hành vi dánh dấu địa bàn ở loài vật với hành vi nắm giữ của cải ở con người. Địa bàn được duy trì bởi những dấu hiệu chính thức, chung cho cả loài. Mỗi cá thể trưởng thành hoặc nhóm của mỗi loài nắm giữ một địa bàn. Con người không thể hiện tính đồng nhất như vậy: thậm chí bên trong một cộng đồng đơn lẻ, một người có thể sở hữu những khu vực rộng lớn, trong khi đó những người khác thì không có gì cả. Thậm chí cho đến ngày nay vẫn còn quan hệ sở hữu ở nhiều người. Nhưng ở một số đất nước sở hữu tư nhân bị giới hạn ở tài sản cá nhân. Ở một vài nhóm bộ lạc thậm chí những tài sản thứ yếu được nắm giữ chung. Thực tế ở con người ‘bản năng sở hữu tài sản’ cũng không hơn gì ‘bản năng ăn trộm’. Cứ cho là như vậy, người ta dễ dàng nuôi dạy những đứa trẻ để chúng trở nên hám lợi; và trong chừng mực xã hội cho phép, hình thức của tính hám lợi này rất da dạng từ nước này sang nước khác, cũng như từ thời kỳ lịch sử này sang thời kỳ lịch sử khác” (Anthony Burnnet, The Human Species, tr.142)

Ngày nay có lẽ từ “mông muội” là không thích hợp lắm vì nó hàm chứa ý nghĩa tiêu cực mà nó đã mắc phải. Nhà triết học người Anh ở thế kỷ 17 Thomas Hobbes mô tả về cuộc sống của tổ tiên xa xưa của chúng ta như một “sự sợ hãi cứ nối tiếp và nguy cơ chết bất cứ lúc nào không biết, rồi cuộc sống của con người thì đơn độc, nghèo nàn, dơ dáy, thô lỗ và ngắn ngủi.” Không còn nghi ngờ gì nữa cuộc sống của họ rất gian khổ, nhưng những từ như vậy không hề công bằng với lối sống của tổ tiên chúng ta. Nhà nhân loại học và khảo cổ học Richard Leakey viết:

“Quan điểm của Hobbes cho rằng những người không làm nông nghiệp ‘không có xã hội’ và ‘đơn độc’ là khó có thể sai lầm hơn được. Để trở thành một người săn hắn-hái lượm là phải trải nghiệm một đời sống có tính xã hội mạnh mẽ. Còn đối với việc ‘không có nghệ thuật’ và ‘không có chữ viết’, thì đúng là những người lái lượm sở hữu rất ít ỏi hình thức văn hóa vật chất, nhưng điều đó chỉ đơn giản là hậu quả từ đòi hỏi họ phải có tính cơ động. Khi người !Kung di chuyển từ khu cắm trại này sang khu cắm trại khác, giống như những người săn bắn–hái lượm, họ mang theo tất cả những của cải của họ: tổng khối lượng thường là 12kg, chỉ nhỉnh hơn một chút so với một nửa khối lượng hành lý cho phép của hầu hết các hãng hàng không. Đó chính là sự xung đột không thể tránh khỏi khi lựa chọn giữa tính cơ động và một nền văn hóa vật chất, và do đó người !Kung mang theo văn hóa của họ ở trong đầu óc của họ, chứ không phải ở trên lưng của họ. Những bài ca, điệu nhảy, và những câu truyện hình thành một văn hóa cũng phong phú như văn hóa của bất cứ ai khác.” (Richard Leakey, The Making of Mankind, pp. 101-3)

Ông nói tiếp, “Richard Lee [nhà nhân loại học và tác giả của tác phẩm The !Khung San: Men, Women, and Work in a Foraging Society, 1979] cho rằng phụ nữ bản thân họ không có cảm giác bị bóc lột: ‘Họ có địa vị kinh tế và quyền lực chính trị, một vị thế mà đối với nhiều phụ nữ ở ’thế giới văn minh’ bị từ chối.” (nđd, tr103)

Trong những xã hội đó, người ta không biết đến giai cấp theo nghĩa hiện đại. Ở đó không có nhà nước hay tôn giáo có tổ chức và ở đó tồn tại một ý thức sâu sắc về trách nhiệm và sự chia sẻ cộng đồng. Cái tôi và tính vị kỷ được xem như là chống đối xã hội và xúc phạm đạo đức. Việc đề cao sự bình đẳng đòi hỏi một số nghi lễ nhất định phải được tôn trọng khi một cuộc đi săn thắng lợi quay trở về. Mục đích của những nghi lễ này là hạ thấp sự kiện nhằm ngăn cản tính kiêu ngạo và tự phụ: “Hành xử đúng mực của người thợ săn thành công”, Richard Lee giải thích, “là sự khiêm tốn và nhún nhường.”

Hơn nữa:

“Người !Kung không có thủ lĩnh và không có người lãnh đạo. Những rắc rối trong xã hội của họ hầu như đã được giải quyết rất sớm trước khi chúng biến thành cái gì đó đe dọa sự hài hòa của xã hội. (…) Đối thoại giữa mọi người là thuộc tính chung, và bất đồng được tháo gỡ thông qua những câu bông đùa của mọi người. Không có ai ra lệnh cũng không có ai phải tuân lệnh. Richard Lee có lần hỏi /Tw!gum là người !Kung có tù trưởng không. Anh ta trả lời ‘Tất nhiên chúng tôi có tù trưởng; mỗi người trong chúng tôi là một tù trưởng của chính mình!’ /Tw!gum coi câu hỏi và câu trả lời dí dỏm của anh ta là một sự bông đùa.” (nđd tr. 107)

Nguyên tắc cơ bản dẫn dắt mọi khía cạnh của đời sống là sự chia sẻ. Giữa những người !Kung khi một con vật bị giết thịt, một quá trình tỉ mỉ để chia sẻ thịt tươi bắt đầu theo quan hệ huyết thống, đồng minh và theo sự bắt buộc. Richard Lee nhấn mạnh điểm này:

“Chia sẻ thâm nhập sâu rộng vào ứng xử và giá trị của những người !Kung hái lượm, bên trong gia đình và giữa các gia đình, và nó được mở rộng tới những biên giới của xã hội rộng lớn. Nếu như nguyên tắc lợi nhuận và lý trí là cối lõi đối với đạo đức tư bản, thì chia sẻ là cốt lõi cho quy tắc ứng xử trong đời sống tập thể ở các xã hội hái lượm” (sđd)

Tính khoe khoang không được tán thành, tính kiêm tốn được khích lệ, như thấy trong trích đoạn sau:

“Một người đàn ông !Kung mô tả như sau: ‘Chẳng hạn có một người đàn ông đi săn. Anh ta không trở về nhà và tuyên bố như một kẻ khoác lác, ’Tôi vừa giết được một con rất to trong bụi cây!’ Anh ta đầu tiên phải ngồi xuống trong im lặng cho đến khi có một ai đó đến bên chỗ đốt lửa của anh ta và hỏi ‘Hôm nay anh nhìn thấy gì?’ Anh ta trả lời một cách lặng lẽ, ‘À tôi không giỏi đi săn. Tôi không nhìn thấy gì cả…Có lẽ chỉ là một con bé xíu.’ Rồi tôi tự cười nhủ vì tôi biết anh ta đã giết được một con to. ’Giết được con mồi càng lớn, thì lại càng phải hạ thấp nó xuống (…) Nói đùa và nói giảm đi là phải được tuân theo một cách nghiêm ngặt, hơn nữa không chỉ nó được thực hành bởi người người !Kung mà bởi cả nhiều nhóm lái lượm khác, và kết quả là mặc dù có một vài người chắc chắn sẽ giỏi săn bắn hơn những người khác, không có ai tích lũy một uy tín hoặc một địa vị khác thường chỉ vì tài năng của anh ta” (Leakey, tr106-7)

Nguyên tắc ứng xử này không đóng kín trong cộng đồng người !Kung; đó là đặc tính chung của những người săn bắn–hái lượm. Thế nhưng, cách cư xử ấy không hề tự phát sinh; giống như hầu hết cách cư xử của nhân loại, nó phải được dạy dỗ từ khi còn bé. Mọi đứa trẻ sinh ra có thể dung chứa cả hành vi chia sẻ lẫn hành vi ích kỷ, Richard Lee nói. “Hành vi được nuôi dưỡng và phát triển là hành vi mà xã hội xem là có giá trị nhất.” Với ý nghĩa đó, những giá trị ứng xử của những xã hội ban đầu ấy ưu việt hơn nhiều so với xã hội tư bản ở đó người ta dạy con người trở nên tham lam, ích kỷ và chống đối xã hội.

Tất nhiên, không thể nói một cách chắc chắn rằng đấy chính xác là bức tranh về xã hội loài người thời sơ khai. Nhưng những điều kiện tương tự có xu hướng sản sinh ra những kết quả tương tự, và có thể quan sát được những xu hướng tương tự ở nhiều nền văn hóa khác nhau có cùng mức độ phát triển kinh tế. Như Richard Lee nói:

“Chúng ta không được phép hình dung đây chính xác là lối sống của tổ tiên của chúng ta. Nhưng tôi tin rằng những gì chúng ta thấy được ở người !Kung và những người có lối sống hái lượm những hình mẫu trong hành vi ứng xử có tính quyết định đối với sự phát triển của nhân loại thuở sơ khai. Trong số một vài loài vượn người sống 2 đến 3 triệu năm trước, một loài trong đó – trực hệ mà cuối cùng dẫn tới chúng ta – đã mở rộng nền tảng kinh tế bằng cách chia sẻ lương thực và bổ sung nhiều thịt hơn vào chế độ ăn. Sự phát triển của nền kinh tế dựa trên săn bắn và hái lượm là một động lực mãnh liệt biến chúng ta trở thành nhân loại.” (Leakey trích dẫn, tr108-9.)

Khi so sánh giá trị của các xã hội săn bắn–hái lượm với giá trị của thời đại chúng ta, chúng ta không phải bao giờ cũng có những giá trị tốt đẹp hơn. Chẳng hạn, chỉ cần so sánh gia đình hiện tại, với đầy trường hợp lạm dụng vợ con, trẻ sơ sinh, mại dâm, với việc thực hành nuôi dưỡng trẻ em trong cộng đồng suốt hầu hết thời gian trong lịch sử; đó là, trước khi có sự xuất hiện của sự sắp xếp xã hội kỳ lạ mà người ta thích gọi đó là văn minh:

“Một người Anh-điêng nói với một người truyền giáo, ‘Người da trắng các anh chỉ yêu trẻ con của chính các anh. Chúng tôi yêu trẻ con của bộ lạc. Chúng thuộc về tất cả mọi người, và chúng tôi chăm sóc chúng. Chúng là xương của xương của chúng tôi, là thịt của thịt chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều là cha là mẹ của chúng. Người da trắng thật man rợ; họ không yêu trẻ con. Nếu trẻ con bị mồ côi, người ta phải được trả tiền để chăm sóc chúng. Chúng tôi không hề biết đến những ý nghĩ dã man đó.’” (M. F. Ashley Montagu, ed., Marriage: Past and Present: A Debate Between Robert Briffault and Bronislaw Malinowski, Boston: Porter Sargent Publisher, 1956, p48.)

Nhưng chúng ta không được có cái nhìn lý tưởng hóa về quá khứ. Cuộc sống của tổ tiên chúng ta vẫn là một cuộc đấu tranh gian khó, một cuộc chiến thường trực chống lại sức mạnh của tự nhiên để sinh tồn. Bước tiến diễn ra cực kỳ chậm chạp. Những người thuở sơ khai bắt đầu làm ra công cụ bằng đá 2.6 triệu năm trước. Những công cụ đá lâu đời nhất, được biết đến là Oldowan tiếp tục tồn tại khoảng một triệu năm cho đến khoảng 1.76 triệu năm trước, khi người nguyên thủy bắt đầu đẽo những miếng đá lớn và rồi tiếp tục định hình chúng bằng cách dùng những miếng đá nhỏ hơn gọt xung quanh các cạnh, kết quả là một loại công cụ mới ra đời: chiếc rìu tay. Công cụ này và những công cụ cắt gọt với kích cỡ lớn khác trở thành đặc trưng của văn hóa Achelean. Những công cụ cơ bản này, bao gồm cả sự đa dạng cả về hình thức lõi đá, tiếp tục được làm ra trong một thời kỳ dài bất tận – kết thúc ở nhiều khu vực khác nhau vào khoảng từ 400.000 đến 250.000 năm trước.

Cách mạng Đồ Đá Mới

Trong phần lớn lịch sử nhân loại, quá trình này diễn ra thật chậm chạp, như Thời báo Kinh tế nhận xét vào lúc giao thời sang thiên niên kỷ mới:

“Gần như toàn bộ lịch sử nhân loại, tiến bộ về kinh tế diễn ra thật chậm chạp đến mức không thể cảm nhận được trong vòng một đời người. Hàng thế kỷ rồi lại hàng thế kỷ, tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm tròn đến một con số sau dấu thập phân, là số không. Khi tăng trưởng thực sự có diễn ra thì nó cũng chậm chạp tới mức nó là vô hình đối với những người sống ở lúc đó – và thậm chí nó cũng không có vẻ như giúp tăng mức sống (ngày nay cái đó mới được coi là tăng trưởng), thì chỉ là sự tăng trưởng một chút về dân số. Sau hàng thiên niên kỷ, tiến bộ, cho tất cả chứ không phải cho thành phần tinh hoa, dẫn đến kết quả là: dần già ngày càng có nhiều người hơn có thể sinh sống, với phương tiện sinh sống ở mức độ đơn sơ nhất” (Thời bao Kinh tế, 31 Tháng 12, 1999)

Tiến bộ của nhân loại bắt đầu tăng tốc khi nó là kết quả của một trong những cuộc cách mạng đầu tiên và quan trọng nhất đó là sự chuyển tiếp từ hình thức săn bắn–hái lượm sang sản xuất nông nghiệp. Nó đặt nền tảng cho lối sống định cư và nảy sinh những thị trấn đầu tiên. Đây là giai đoạn Marx gọi là dã man, tức là, giai đoạn giữa thời kỳ cộng sản nguyên thủy và thời kỳ xã hội có giai cấp sơ khai, khi mà các giai cấp bắt đầu hình thành và cùng với chúng là nhà nước.

Thời kỳ cộng sản nguyên thủy lâu dài, giai đoạn phát triển đầu tiên của nhân loại, ở đó không tồn tại giai cấp, sở hữu tư nhân, và nhà nước, đã nhường chỗ cho một xã hội có giai cấp ngay khi con người có khả năng sản xuất ra dư thừa so với nhu cầu sinh tồn hàng ngày. Ở thời điểm đó, sự phân chia xã hội thành giai cấp trở thành khả thi về mặt kinh tế . Thời kỳ man rợ nảy sinh từ sự tan rã của công xã cổ xưa. Ở đây lần đầu tiên xã hội bị chia cắt bởi quan hệ sở hữu, và giai cấp và nhà nước đang trong quá trình hình thành, mặc dù những thứ ấy dần dần phát sinh, thoát khỏi giai đoạn trứng nước, và cuối cùng củng cố nó thành xã hội có giai cấp. Giai đoạn này bắt đầu khoảng từ 10.000 đến 12.000 năm trước.

Theo đường nét lớn của lịch sử, sự nảy sinh của xã hội có giai cấp là một hiện tượng cách mạng, ở chỗ nó giải phóng một bộ phận đặc quyền trong dân chúng – giai cấp thống trị – khỏi gánh nặng lao động chân tay trực tiếp, cho phép họ có thời gian cần thiết để mà phát triển nghệ thuật, khoa học và văn hóa. Xã hội có giai cấp, cho dù có bóc lột tàn nhẫn và bất bình đẳng, là con đường mà nhân loại cần phải trải qua để xây dựng những tiền đề vật chất cần thiết cho một xã hội không giai cấp trong tương lai.

Đây là thời kỳ phôi thai sản sinh ra những thị trấn và thành phố (như Jericho, khoảng 7.000 năm TCN), chữ viết, công nghiệp và mọi thứ khác đặt cơ sở cho những gì mà chúng ta gọi là văn minh. Thời kỳ dã man hình thành một giai đoạn lớn trong lịch sử nhân loại, và được chia thành một vài giai đoạn phân biệt. Nói chung nó được đặc trưng bởi sử chuyển tiếp từ hình thức săn bắn–hái lượm sang hình thức sản xuất du mục và nông nghiệp, tức là từ thời kỳ mông muội Đồ Đá Cũ, đi qua thời kỳ dã man Đồ Đá Mới đến thời kỳ dã man Đồ Đồng, thời kỳ đứng trước ngưỡng cửa văn minh.

Bước ngoặt quyết định, mà Gordon Childe gọi là cuộc cách mạng Đồ Đá Mới, thể hiện một bước nhảy vọt tiến lên phía trước trong sự phát triển của năng lực sản xuất của nhân loại, và kéo theo đó là văn hóa. Đây là những điều Childe muốn nói: “Món nợ của chúng ta đối với thời kỳ dã man chưa có chữ viết thật là nặng nề. Mọi thực vật được trồng trọt sử dụng làm thức ăn ở bất cứ tầm quan trọng nào đều được khám phá bởi xã hội dã man khuyết danh nào đó.” (G. Childe, What Happened in History, p.64)

Trồng trọt bắt đầu ở Trung Đông khoảng 10.000 năm trước, nó đại diện cho một cuộc cách mạng xã hội và văn hóa nhân loại. Điều kiện sản xuất mới mang lại cho con người nhiều thời gian hơn – thời gian để mà tư duy phân tích phức tạp. Nó phản chiếu ở hình thức nghệ thuật mới chứa đựng những hình mẫu hình học – một ví dụ đầu tiên về nghệ thuật trừu tượng trong lịch sử. Điều kiện mới sản sinh ra thế giới quan mới về cuộc sống, về quan hệ xã hội và những quan hệ giúp gắn kết con người với thế giới tự nhiên và vũ trụ, mà những bí ẩn của chúng được nghiên cứu theo cách thức mà trước đây nằm mơ cũng không thấy. Tri thức về tự nhiên trở nên cần thiết bởi nhu cầu làm nông nghiệp, rồi dần dần phát triển tới mức độ mà con người học được cách thực sự chinh phục và chế ngự những thế lực thù địch trong tự nhiên – thông qua lao động tập thể ở quy mô lớn.

Cuộc cách mạng trong văn hóa và tôn giáo phản ánh cuộc cách mạng xã hội vĩ đại – vĩ đại nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại tính cho đến tận bây giờ – đã dẫn tới sự tan rã của công xã nguyên thủy và hình thành sở hữu tư nhân về phương tiện sản xuất. Mà phương tiện sản xuất bản thân nó là phương tiện của cuộc sống.

Trong nông nghiệp, việc đưa vào sử dụng những công cụ bằng sắt đã đánh dấu một bước tiến lớn. Nó cho phép tăng trưởng về dân số và cho phép quy mô cộng đồng lớn hơn và mạnh mẽ hơn. Hơn hết, nó tạo ra thặng dư lớn hơn có thể bị chiếm đoạt bởi nhưng gia tộc đứng đầu trong cộng đồng. Đặc biệt là khi bắt đầu dùng sắt đã đánh dấu sự thay đổi về chất trong quá trình sản xuất, bởi vì sắt hiệu quả hơn rất nhiều so với đồng và đồng thau, cả khi làm công cụ lẫn khi làm vũ khí. Nó cũng sẵn có hơn nhiều so với những kim loại cũ khác. Ở đây lần đầu tiên vũ khí và chiến tranh trở thành dân dã. Vũ khí quan trọng nhất của thời đại là kiếm sắt, xuất hiện lần đầu ở Anh khoảng 5000 năm TCN. Bất cứ người đàn ông nào cũng có thể mang kiếm. Chiến tranh do vậy không còn tính chất quý tộc và trở thành chuyện của quần chúng.

Việc sử dụng rìu và liềm sắt làm biến đổi nông nghiệp. Sự biến đổi này được minh họa bởi thực tế là một acre đất trồng trọt giờ đây có thể duy trì sự sống cho gấp đôi số lượng người trước đó. Thế nhưng, vẫn chưa có tiền tệ, và đó vẫn là một nền kinh tế đổi chác. Thặng dư tạo ra không được tái đầu tư, vì không có cách nào để thực hiện điều đó. Một phần thặng dư bị chiếm đoạt bởi tù trưởng và gia đình của ông ta. Một phần bị sử dụng hết cho lễ hội, hoạt động đóng vai trò then chốt trong xã hội ấy.

Trong một lễ hội có thể phục vụ từ 200 đến 300 người ăn. Trong di tích của một trong những lễ hội đó người ta thấy xương của 12 con bò và của một số lượng lớn cừu, lợn và chó. Những lần tụ họp ấy không chỉ là dịp để tiêu thụ thức ăn đồ uống dư thừa – chúng còn đóng vai trò xã hội và tôn giáo quan trọng. Trong những nghi lễ ấy, người ta cảm ơn thượng đế vì sự dư thừa lương thực. Họ cho phép sự hòa trộn giữa các bộ lạc và giải quyết các công việc trong cộng đồng. Những lễ tiệc thịnh soạn như vậy cũng đem lại cho các thủ lĩnh cách thức để phô bày sự giàu có và quyền lực và do vậy tăng cường uy thế của thị tộc hoặc bộ tộc liên quan.

Từ những nơi tụ họp như vậy dần già đã phát sinh thành cơ sở cho việc định cư dài hạn, chợ búa và thị trấn nhỏ. Tầm quan trọng của tài sản tư nhân và sự giàu có tăng lên cùng với sự tăng lên của năng suất lao động và sự gia tăng thặng dư trở thành mục tiêu cướp bóc hấp dẫn. Từ thời kỳ Đồ Sắt đã là một giai đoạn chiến tranh, thù hận, cướp bóc liên miên, những vùng định cư thường được bảo vệ bằng những công trình bằng đất khổng lồ, như lâu đài Maiden ở Dorset và Danebury ở Hampshire.

Hậu quả của chiến tranh là có một số lượng lớn tù nhân chiến tranh, nhiều người trong số họ bị đem bán làm nô lệ, và – ở giai đoạn sau – họ bị trao đổi như hàng hóa với người La Mã. Nhà địa lý học Strabo nhận xét “Người ta sẽ đổi cho bạn một người nô lệ để đổi lấy một vò rượu vang.” Do đó trao đổi bắt đầu diễn ra ở ngoại vi các xã hội này. Thông qua trao đổi với nền văn hóa tiến bộ hơn (Rome), tiền dần dần được đưa vào sử dụng, những đồng xu sớm nhất dựa trên mẫu đồng xu La Mã.

Sự thống trị của tài sản tư nhân (tư hữu) nghĩa là lần đầu tiên có sự tập trung của cải và quyền lực vào trong tay một nhóm thiểu số. Điều này gây ra một sự thay đổi mạnh mẽ trong quan hệ giữa người đàn ông và đàn bà với thế hệ con cháu của họ. Vấn đề thừa kế giờ đây bắt đầu trở thành vô cùng quan trọng. Chính vì vậy chúng ta thấy sự xuất hiện của những lăng mộ hoành tráng. Ở Anh, những ngôi mộ như vậy xuất hiện vào khoảng 3,000 năm TCN. Chúng biểu thị cho lời tuyên bố về quyền lực của tầng lớp cai trị hoặc đẳng cấp. Chúng cũng là khẳng định quyền sở hữu một khu vực đất đai nhất định. Có thể thấy điều tương tự ở những nền văn hoá sơ khai khác, chẳng hạn, ở những đồng bằng của người Anh-điêng ở Bắc Mỹ, mà chi tiết minh chứng còn tồn tại vào thế kỷ 18.

Ở đây chúng ta lần đầu tiên thấy ví dụ tuyệt vời về sự tha hóa. Tồn tại thiết yếu của con người trở nên xa lạ (tha hóa) với bản thân anh ta theo hai hay ba tầng lớp ý nghĩa. Đầu tiên, sở hữu tư nhân nghĩa là sự tha hóa trong sản phẩm của anh ta, cái đã bị người khác tước đoạt. Thứ hai, anh ta bị tước đoạt khả năng kiểm soát cuộc đời và số phận bản thân mình bởi nhà nước với hiện thân là vua và Pha-ra-ông. Cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, là sự tha hóa này còn được mang theo từ đời này sang đời khác – nội tâm (“tâm hồn”) của con người bị tước đoạt bởi những vị thần của thế giới khác, thiện chí của họ phải được tiếp nối bằng cách cầu nguyện và hiến tế. Và cũng như sự phục tùng trước chế độ quân chủ hình thành cơ sở cho sự giàu có của tầng lớp trên của quan lại và quý tộc, thì sự hiến tế cho thần linh hình thành cơ sở cho sự giàu có và quyền lực của giới tăng lữ tức tầng lớp đứng giữa con người và thần thánh. Ở đây chúng ta thấy nguồn gốc của tôn giáo có tổ chức.

Cùng với sự lớn mạnh trong sản xuất và năng suất trở nên khả thi được bởi cách thức kinh tế mới của lao động, là những thay đổi mới trong tín ngưỡng và phong tục. Ở đây, tồn tại xã hội quyết định nhận thức. Từ chỗ thờ cúng tổ tiên và những lăng mộ bằng đá cho những cá nhân và gia tộc của họ, chúng ta thấy những thể hiện tín ngưỡng tham vọng hơn rất nhiều. Việc xây dựng các vòng tròn bằng đá với kích cỡ kinh ngạc khẳng định sự tăng trưởng ấn tượng về dân số và về sản xuất, là khả thi bởi sử dụng một cách có tổ chức lao động tập thể ở quy mô lớn. Những gốc rễ của văn minh do vậy bắt nguồn chính ở thời kỳ dã man, và còn hơn thế nữa, ở thời kỳ nô lệ. Sự phát triển của thời kỳ dã man kết thúc ở chế độ nô lệ hoặc ở chế độ khác mà Marx gọi là “phương thức sản xuất Á châu”.

Nô lệ và phương thức sản xuất Á châu

Phương thức sản xuất Á châu

Sự tăng trưởng bùng nổ thực sự của nền văn minh đã diễn ra ở Ai Cập, Lưỡng Hà, Lưu vực sông Ấn, Trung Quốc và Ba Tư. Nói cách khác, sự phát triển của xã hội có giai cấp trùng hợp với bước ngoặt to lớn trong lực lượng sản xuất, và kéo theo là đưa văn hóa nhân loại đến những đỉnh cao chưa từng có. Giờ đây người ta tin rằng sự xuất hiện của thành phố, cũng như nông nghiệp là tiền đề trước nó, xảy ra gần như đồng thời ở nhiều nơi khác nhau – Lưỡng Hà, Lưu vực Sông Ấn và Lưu Vực Sông Hoàng Hà, cũng như ở Ai Cập. Sự xuất hiện này xảy ra vào thiên niên kỷ thứ 4 TCN. Ở Phía Nam Lưỡng Hà người Sumer xây dựng Ur, Lagash, Eridu và những thị quốc khác. Họ là những người biết chữ đã để lại hàng ngàn bảng đất sét ghi chép những văn bản chữ tượng hình.

Những đặc tính chính của phương thức sản xuất Á châu là:

  1. Xã hội thành thị với nền tảng nông nghiệp.
  2. Nền Kinh tế nông nghiệp chủ đạo.
  3. Việc công thường gắn liền (nhưng không phải bao giờ cũng vậy) với nhu cầu làm thủy lợi và công việc bảo dưỡng và mở rộng hệ thống kênh tưới tiêu.
  4. Hệ thống chuyên quyền, thường đứng đầu bởi một vị vua-chúa.
  5. Hệ thống quan lại quy mô lớn.
  6. Hệ thống bóc lột dựa trên tô thuế .
  7. Sở hữu chung (nhà nước) về đất đai.

Mặc dù có tồn tại nô lệ (tù binh chiến tranh) thế nhưng những xã hội đó không phải là những xã hội nô lệ. Lao động nghĩa vụ không phải không có, nhưng những người thực hiện công việc ấy không phải là nô lệ. Có yếu tố ép buộc, nhưng chủ đạo vẫn là thói quen, truyền thống và tôn giáo. Cộng đồng phụng sự vua-chúa (hoặc nữ hoàng). Cộng đồng phụng sự đền thờ (như ở Israel). Nó gắn liền với nhà nước và cũng là nhà nước.

Nguồn gốc của nhà nước ở đây trộn lẫn với tôn giáo, và hơi hướng tôn giáo vẫn được duy trì cho đến hiện tại. Người ta được dạy giỗ phải kính trọng nhà nước với cảm giác sợ hãi và tôn kính, coi nó như một thế lực đứng bên trên xã hội, bên trên những con người tầm thường những kẻ phải phụng sự nó một cách mù quáng.

Làng xã, tế bào cơ bản của những xã hội ấy, gần như hoàn toàn tự cung tự cấp. Một vài món xa xỉ mà một bộ phận nông dân đủ ăn có thể tiếp cận được là được có được từ chợ búa hoặc từ những người hay đi lại sinh sống ở những nơi là biên giới của xã hội. Tiền tệ thì hiếm khi được biết đến. Thuế trả cho nhà nước ở dạng hiện vật. Không có sự kết nối giữa làng này với làng khác và trao đổi nội bộ thì yếu ớt. Sự gắn kết thực sự là đến từ nhà nước.

Gần như hoàn toàn thiếu vắng tính cơ động của xã hội, điều đó đôi lúc lại được tăng cường bởi hệ thống đẳng cấp. Sự tập trung tập hướng vào nhóm người hơn là vào cá nhân. Hôn nhân nội tộc chiếm ưu thế – tức là người ta có xu hướng kết hôn một cách nghiêm ngặt trong cùng tầng lớp hoặc đẳng cấp. Về mặt kinh tế, họ có xu hướng theo đuổi nghề nghiệp của cha mẹ mình. Trong hệ thống đẳng cấp Hindu thì thực tế điều đó là bắt buộc. Thiếu tính cơ động và sự cứng ngắc xã hội đã giúp gắn kết con người với đất đai (làng xã).

Những ví dụ của kiểu xã hội này chúng ta thấy có người Ai cập, Babylon, Assyrian, nhà Thương hay nhà Ân (từ khoảng 1766 cho đến 1122 TCN) là triều đại Trung Hoa đầu tiên có tư liệu lịch sử và nền văn minh Lưu vực sống Ấn (Harappa) ở Ấn Độ kéo dài từ 2300 đến 1700 TCN. Ở một nơi phát triển độc lập hoàn toàn, nền văn minh Châu-Mỹ-tiền-thuộc-địa ở Mexico và Peru, dù cho có những khác biệt nhất định, thể hiện những đặc trưng tương tự đến kinh ngạc.

Hệ thống thuế, và các hình thức bóc lột khác như lao động nghĩa vụ bắt buộc cho nhà nước (Corvée) là áp bức nhưng được chấp nhận như là điều không thể tránh khỏi và là trật tự tự nhiên, được thừa nhận bởi truyền thống và tôn giáo. Corvéelao động không tự do, thường không được trả công tức là áp đặt lên dân chúng, hoặc là bởi địa chủ quý tộc, như ở chế độ phong kiến, hoặc như trường hợp này, là bởi nhà nước. Thế nhưng tuy hệ thống Corvée tương tự như những gì thấy được ở phong kiến phương tây, hệ thống sở hữu ruộng đất không giống hoàn toàn như vậy. Thực tế là những kẻ thực dân Anh quốc ở Ấn Độ cảm thấy nó thật sự khó hiểu.

Nơi mà thị trấn và thành phố phát sinh thường là dọc theo các tuyến đường giao thương, bên những con sông, ở những ốc đảo hoặc ở những nguồn nước chính. Thị trấn là trung tâm thương mại và quản lý hành chính của làng xã. Ở đây có những lái buôn và thợ thủ công: thợ rèn, thợ mộc, thợ may, thợ nhuộm, thợ giày, thợ xây, v.v.. Ở đây cũng có đại diện địa phương của quyền lực nhà nước, quần chúng nhân dân chỉ quen thuộc với: công chức cấp thấp, người sao chép, cảnh sát và quân đội.

Còn có cả người cho vay tiền, áp lãi suất cắt cổ lên nông dân những người vốn đã bị bóc lột bởi những kẻ thu thuế, thương nhân và những kẻ cho vay nặng lãi ở làng xã. Nhiều yếu tố cổ đại này vẫn còn sống sót cho đến tận thời kỳ hiện đại ở một số quốc gia ở Trung Đông và Châu Á. Thế nhưng sự xuất hiện của chủ nghĩa thực dân đã phá hủy hoàn toàn hình thức sản xuất Á châu cổ đại. Do dù thế nào đi chăng nữa, nó cũng đã là bế tắc lịch sử mà từ đó không thể nào có được sự phát triển tiếp theo.

Ở những xã hội như vậy đường chân trời cho tư duy của con người là cực kỳ hạn chế. Thế lực quyền năng nhất trong cuộc sống của dân chúng là gia đình và thị tộc, nơi giáo dục và răn dạy họ về lịch sử, tôn giáo và truyền thống. Họ hiểu biết rất ít hoặc không hiểu gì cả về chính trị và thế giới nói chung. Tiếp xúc duy nhất của họ với nhà nước là tù trưởng người có nghĩa vụ đi thu thuế.

Điều khiến nguời ta kinh ngạc về những nền văn minh sớm này, một mặt là ở sự lâu bền của nó và mặt khác là ở sự phát triển chậm chạm khủng khiếp của lực lượng sản xuất và bản chất vô cùng bảo thủ trong thế giới quan của họ. Nó về cơ bản là một hình thức xã hội tĩnh tại. Sự thay đổi duy nhất là kết quả của những đợt xâm lược, chẳng hạn bởi những người du mục ở những thảo nguyên (người Mông Cổ, v.v.) hoặc thỉnh thoảng là những cuộc nổi loạn của nông dân (Trung Quốc) dẫn tới sự thay đổi của một triều đại.

Thế nhưng thay thế một triều đại này bằng một triều đại khác không mang lại một thay đổi thực sự nào. Những mối quan hệ xã hội và nhà nước vẫn không bị động chạm tới bởi những thay đổi ở bên trên. Kết quả cuối cùng bao giờ cũng là không thay đổi. Những kẻ xâm lược bị hấp thu và hệ thống lại tiếp diễn, không bị xáo trộn như trước.

Những đế chế lớn mạnh rồi suy tàn. Một quá trình liên tục giữa hợp rồi tan. Nhưng trải qua tất cả những thay đổi chính trị và quân sự này, chẳng có thay đổi căn bản nào cho nông dân ở dưới đáy tầng. Cuộc sống dường như cứ tiếp diễn thói thường bất tận (cùng với những quy định thiêng liêng). Tư tưởng Á châu về sự luân hồi trong tôn giáo phản chiếu tình trạng này. Ở đáy tầng chúng ta có làng xã cổ đại, dựa trên nông nghiệp đã sống sót mà hầu như không thay đổi qua hàng thiên niên kỷ. Do nông nghiệp thống trị, nhịp độ cuộc sống bị chi phối bởi chu kỳ bất tận của mùa màng, của lũ lụt hằng năm ở sông Nile v.v..

Trong những năm gần đây có những nhóm tri thức nhất định và những nhóm Marxist nửa vời cứ ồn ào về phương thức sản xuất Á châu. Nhưng cho dù Marx có đề cập đến nó, Marx đề cập rất ít và thường chỉ là ở bên lề. Ông không bao giờ phát triển tiếp nó, tất nhiên ông đã có thể thực hiện điều đó nếu ông coi nó là quan trọng. Lý do ông không làm như vậy là bởi vì phương thức ấy đã là bế tắc lịch sử, có thể so sánh nó tương tự như giống người Neanderthal trong ngành tiến hóa nhân loại vậy. Đó là một hình thức xã hội, cho dù có những thành tựu của riêng nó, xét đến cùng không chứa đựng bên trong bản thân nó những hạt giống cho sự phát triển tương lai. Những hạt giống ấy đã được gieo trồng ở nơi khác: trên mảnh đất Hy Lạp và La Mã.

Nô lệ

Xã hội Hy Lạp được hình thành dưới những điều kiện khác biệt so với các nền văn minh trước đó. Những thị quốc nhỏ bé ở Hy Lạp thiếu những vùng đất trồng trọt trải rộng, không có những đồng bằng rộng lớn ở sông Nile hay lưu vực sống Ấn và Lưỡng Hà. Bị bao bọc bởi những dãy núi cằn cỗi, họ phải hướng ra phía biển, và thực tế này đã quyết định toàn bộ tiến trình phát triển. Không thích hợp cho cả nông nghiệp lẫn công nghiệp, họ bị đẩy ra đối mặt với biển cả, họ trở thị quốc gia giao thương và đóng vai trò trung gian, như những người Pheonic đã làm trước đây.

Hy Lạp cổ đại có một cấu trúc kinh tế–xã hội khác biệt, và kết quả là một tinh thần khác biệt và một thế giới quan khác biệt so với các xã hội sớm hơn ở Ai Cập và Lưỡng Hà. Hegel nói rằng ở Phương Đông, tinh thần thống trị là tự do cho Một (tức là của kẻ cai trị, vua-chúa). Nhưng ở Hy Lạp đó là tự do cho nhiều người, có nghĩa là, tự do cho những công dân của thành Athens những người mà tình cờ lại không phải là những người nô lệ. Còn những người nô lệ, làm hầu hết các công việc, thì không có quyền nào cả. Phụ nữ và những người ngoại bang cũng không có quyền gì hết.

Đối với những công dân tự do, thị quốc Athens là dân chủ tiến bộ nhất. Tinh thần mới mẻ này, hòa quện với chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa cá nhân, đã tác động đến nghệ thuật, tôn giáo và triết học Hy Lạp, mang lại khác biệt về chất so với những thứ ấy ở Ai Cập và Lưỡng Hà. Khi Athens bá chủ toàn bộ Hy Lạp, nó không có kho báu hay một hệ thống thuế má thông thường. Đây là điều hoàn toàn khác biệt so với hệ thống Á Châu ở Ba Tư và ở những nền văn minh sớm hơn khác. Nhưng tất cả là vì nó đặt toàn bộ cơ sở lên lao động của nô lệ, họ là chính là tài sản của tư nhân.

Sự chia rẽ chính là giữa người tự do và người nô lệ. Những công dân tự do thường không phải đóng thuế, vì điều đó bị coi là thấp hèn (cũng giống như lao động chân tay). Thế nhưng, đấu tranh giai cấp khốc liệt diễn ra trong xã hội Hy Lạp, đặc trưng bởi sự phân chia sâu sắc giữa các giai cấp, dựa trên tài sản. Nô lệ, như vật sở hữu có thể đem mua và bán, là đối tượng của sản xuất. La Mã gọi người nô lệ là instrumentum vocale, tức một công cụ biết nói. Một diễn đạt rất rõ ràng, và mặc cho tất cả những thay đổi của 2000 năm trở lại đây vị thế thực sự của những nô lệ cho đồng lương thời hiện đại thì cũng không có thay đổi căn bản nào kể từ đó.

Người ta có thể phản đối, Hy Lạp và La Mã đứng trên nền tảng nô lệ, cái thực sự xấu xa và vô nhân đạo. Nhưng những người Marxist không xem xét lịch sử từ quan điểm đạo đức. Ngoại trừ những thứ khác, không có cái gì đó là có tính đạo đức lịch sử siêu việt. Mỗi xã hội đều có đạo đức, tôn giáo, văn hóa v.v. của riêng nó tương xứng với trình độ phát triển nhất định, và, ít nhất ở thời kỳ mà chúng ta gọi là văn minh, cũng tương xứng với lợi ích của một giai cấp cụ thể.

Một cuộc chiến tranh cụ thể là tốt đẹp hay xấu xa hay vô cảm không thể được xác định bằng quan điểm xuất phát từ số lượng nạn nhân, và càng không như vậy từ quan điểm đạo đức trừu tượng. Chúng ta có thể phản đối chiến tranh nói chung, nhưng có một điều không thể phủ nhận là: trong suốt tiến trình lịch sử nhân loại, tất cả những vấn đề nghiêm trọng cuối cùng đều được giải quyết theo cách đó. Đó cách giải quyết xung đột giữa các quốc gia (chiến tranh) và cũng là cách giải quyết xung đột giữa các giai cấp (cách mạng).

Thái độ của chúng ta đối với một hình thức xã hội nào đó và văn hóa của nó không thể được xác định bởi những xuy xét đạo đức. Cái quyết định một hình thái kinh tế–chính trị nào đó có là tiến bộ lịch sử hay không thì đầu tiên và trước hết phải là khả năng nó phát triển lực lượng sản xuất – cơ sở vật chất thực sự mà dựa vào đó văn hóa nhân loại nảy sinh và phát triển.

Hegel, nhà triết học uyên bác, viết: “Không phải từ nô lệthông qua nô lệ mà nhân loại được giải phóng.” (Bài giảng Triết học Lịch sử, tr. 407). Mặc cho tính chất áp bức khủng khiếp của nó, nô lệ đánh dấu một bước tiến khi nó cho phép sự phát triển tiếp theo của năng lực sản xuất của xã hội. Chúng ta chịu ơn Hy Lạp và La Mã cho tất cả những thành tựu tuyệt vời của khoa học hiện đại – nói vậy nghĩa là, xét đến cùng chúng ta chịu ơn lao động của những người nô lệ.

Người La Mã sử dụng sức mạnh tàn bạo để chinh phục những người khác, đem bán cả thành phố làm nô lệ, giết chết hàng nghìn tù nhân chiến tranh trong những trò tiêu khiển ở đấu trường công cộng, đưa vào sử dụng những biện pháp hành hình tinh vi như đóng đinh câu rút. Đúng vậy, tất cả đều đúng hoàn toàn. Đối với chúng ta đó dường như là tội ác ghê tởm. Thế nhưng, khi chúng ta xem xét tất cả văn minh hiện đại của chúng ta, văn hóa của chúng ta, văn học của chúng ta, kiến trúc của chúng ta, y học của chúng ta, khoa học của chúng ta, triết học của chúng ta, thậm chí trong nhiều trường hợp cả ngôn ngữ của chúng ta, là từ đâu ra, thì câu trả lời là – từ Hy Lạp và La Mã.

Sự suy tàn của chế độ nô lệ

Chế độ nô lệ chứa đựng mâu thuẫn nội tại dẫn đến sự suy tàn của nó. Mặc dù lao động của mỗi nô lệ đơn lẻ là không mấy năng suất (nô lệ bị ép buộc phải làm việc), tập hợp một số lượng lớn lao động, như ở hầm mỏ và ở latifundia (những đơn vị nông nghiệp quy mô lớn) ở Rome trong giai đoạn cuối cùng của thời kỳ Cộng Hòa và Đế Chế, đã sản xuất ra thặng dư đáng kể. Vào lúc hưng thịnh của Đế Chế, nô lệ sẵn có và rẻ mạt và những cuộc chiến tranh của La Mã về cơ bản là những cuộc săn tìm nô lệ ở quy mô lớn.

Nhưng tại giai đoạn nhất định hệ thống này đã đạt đến giới hạn của nó rồi bước vào thời kỳ suy tàn kéo dài. Do lao động nô lệ chỉ có năng suất khi được sử dụng ở một quy mô lớn, điều kiện tiền đề cho thành công của nó là phải có nguồn cung cấp nô lệ dồi dào với chi phí thấp. Trong điều kiện bị giam cầm, nô lệ sinh đẻ rất chậm và do vậy nguồn cung cấp nô lệ đầy đủ duy nhất được đảm bảo là từ chiến tranh liên miên. Một khi Đế Chế đã đạt tới giới hạn của khả năng bành trướng ở dưới thời của Hardian, sự đảm bảo này trở nên cực kỳ khó khăn.

Những khởi đầu cho sự khủng hoảng ở Rome có thể được quan sát ở giai đoạn cuối của thời Cộng Hòa, một giai đoạn đặc trưng bởi những biến động chính trị và xã hội sâu sắc và bởi đấu tranh giai cấp. Từ những khởi đầu sớm nhất này, diễn ra cuộc đấu tranh khốc liệt giữa người giàu và người nghèo ở Rome. Những bằng chứng chi tiết trong những tác phẩm của Livy và những người khác về cuộc đấu tranh giữa người bình dân [Plebeian] và quý tộc [Patrician], kết thúc bởi sự thỏa hiệp không hề dễ dàng. Ở giai đoạn sau, khi Rome đã trở thành bá chủ vùng Địa Trung Hải bằng cách đánh bại đối thủ đáng gờm nhất của nó là Carthage, chúng ta lại thấy cuộc đấu tranh thực sự là sự chia rẽ diễn ra ở đất liền.

Tiberius Gracchus yêu cầu phải chia tài sản của Rome cho những công dân tự do. Mục đích của ông ta là biến Italy thành nền cộng hòa của những tiểu nông chứ không phải của nô lệ, ông ta đã bị đánh bại bởi quý tộc và chủ nô. Về lâu dài đây là thảm họa đối với Rome. Nông dân bị phá sản – họ là xương sống của Cộng Hòa và của quân đội – trôi dạt về Rome ở đó họ hình thành nên một tầng lớp vô sản lưu manh, đó không phải tầng lớp sản xuất, họ sống bằng bố thí của nhà nước. Họ căm giận người giàu, họ mặc dù vậy lại cùng chia sẻ lợi ích khi bóc lột nô lệ – tức tầng lớp sản xuất thực sự duy nhất trong giai đoạn Cộng Hòa và Đế chế.

Cuộc nổi dậy nô lệ vĩ đại dưới lãnh đạo của Spartacus là chương chói lọi trong lịch sử thời cổ đại. Cảnh tượng những con người bị chà đạp xuống tận cùng đã nổi dậy với vũ khí trong tay giáng hết thất bại này đến thất bại khác lên quân đội của một thế lực mạnh mẽ nhất trên thế giới, trở thành một trong những sự kiện phi thường trong lịch sử. Giá như họ lật đổ được nhà nước La Mã, tiến trình lịch sử có thể đã thay đổi đáng kể.

Lý do cơ bản lý giải tại sao Spartacus cuối cùng lại thất bại nằm ở thực tế là nô lệ đã không liên kết với tầng lớp vô sản ở thành thị. Chừng nào tầng lớp vô sản ấy vẫn ủng hộ nhà nước, chiến thắng của nô lệ là không thể. Thế nhưng, tầng lớp vô sản Rome, không giống như vô sản hiện đại, họ không phải là lực lượng sản xuất mà chỉ thuần túy là tầng lớp ăn bám, sống dựa vào lao động của nô lệ và lệ thuộc vào những ông chủ. Thất bại của cuộc cách mạng La Mã có gốc rễ ở thực tế đó.

Thất bại của nô lệ dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước La Mã. Không có những người nông dân tự do, nhà nước buộc phải dựa vào đội quân đánh thuê để chiến đấu cho những cuộc chiến tranh của nó. Bế tắc trong cuộc đấu tranh giai cấp sinh ra từ tình huống tương tự như hiện tượng chủ nghĩa Bonapart ở thời kỳ hiện đại. Tương tự như vậy ở thời La Mã là cái mà chúng ta hay gọi là chủ nghĩa Caesar.

Đội quân lê dương La Mã không còn trung thành với nền Cộng Hòa mà trung thành với người chỉ huy – người đảm bảo cho anh ta tiền công khi anh ta tham chiến, hưởng phần chiến lợi phẩm, và một mảnh đất khi anh ta nghỉ hưu. Giai đoạn cuối cùng của Cộng Hòa được đặc trưng bởi
cuộc đấu tranh giữa các giai cấp ngày càng sâu sắc hơn, ở đó không có phe nào đủ khả năng giành được chiến thắng quyết định. Kết quả nhà, nhà nước (cái mà Lenin mô tả là “những đội quân có vũ trang”) bắt đầu đạt được sự độc lập ngày càng gia tăng, nâng bản thân nó bên trên xã hội và xuất hiện như là kẻ phân giải cuối cùng trong cuộc đấu tranh quyền lực đang tiếp diễn ở Rome.

Một loạt những cuộc phiêu lưu quân sự xuất hiện: Marius, Crassus, Pompey, và cuối cùng là Julius Caesar, vị tướng tài ba, chính trị gia thông minh và doanh nhân sắc sảo, người đã đặt dấu chấm hết cho nền Cộng Hòa nhưng lại giả bộ ủng hộ nó. Uy tín của ông ta giúp sức cho những thắng lợi quân sự ở Gaul, Tây Ban Nha và Anh, ông ta bắt đầu tập trung quyền lực vào tay mình. Mặc dù vậy ông ta bị ám sát bởi một người phe bảo thủ, kẻ mong muốn bảo vệ Cộng Hòa, chế độ cũ sụp đổ.

Sau khi Brutus và những người khác bị đánh bại bởi chế độ tam hùng, chế độ Cộng Hòa được chính thức công nhận, và sự giả tạo này được dựng lên bởi Hoàng đế đầu tiên, Augustus. Cái danh “Hoàng Đế” (tiếng Latin là imperator) là một chức danh trong quân đội, được phát minh ra để tránh mang tiếng là vua điều có thể làm chối tai những người cộng hòa. Nhưng ông ta là vua, ở tất cả các khía cạnh trừ cái tên gọi.

Những hình thức của nền Cộng Hòa cũ sống sót trong một thời gian dài sau đó. Nhưng chúng chỉ là vậy – những hình thức trống rỗng không có chút nội dung nào, như lớp vỏ cây trống rỗng cuối cùng đã bị gió thổi bay. Viện nguyên lão không còn quyền lực và thẩm quyền thực sự nào hết. Julius Caesar đã làm choáng váng công luận khi bổ sung một người Gaul vào viện nguyên lão. Caligula tiến xa đáng kể hơn thế khi bổ sung con ngựa của ông ta vào đó. Không ai thấy có điều gì là không đúng ở đây, hoặc nếu họ có thấy họ vẫn làm thinh.

Trong lịch sử thường diễn ra hiện tượng những thể chế vẫn có thể sống sót một thời gian dài sau khi lý do cho sự tồn tại của nó đã biến mất. Chúng cứ kéo dài lê thê sự tồn tại khổ sở chẳng khác gì như một ông già lụ khụ ốm yếu cứ bám víu vào cuộc sống, cho đến khi chúng bị quét sạch bởi một cuộc cách mạng. Sự suy tàn của Đế chế La Mã kéo dài gần 4 thế kỷ. Đó không phải là một quá trình không có sự gián đoạn. Có những giai đoạn nó hồi phục và thậm chí còn trở nên huy hoàng, nhưng về tổng thể vẫn là xu hướng đi xuống.

Ở những giai đoạn như thế, cảm giác chung là sự bất ổn. Tâm trạng bao trùm là sự hoài nghi, thiếu niềm tin và bi quan vào tương lai. Tôn giáo, đạo đức và truyền thống cũ – những thứ có vai trò như chất kết dính giúp gắn kết xã hội lại – đã mất đi sự tin cậy. Thế vào vị trí tôn giáo cũ, người ta tìm đến thượng đế mới. Trong giai đoạn suy tàn, Rome bị tràn ngập trong dịch bệnh của những giáo phái tôn giáo đến từ phương đông. Thiên chúa giáo là một trong những thứ đó, và cho dù cuối cùng nó đã thành công, nó phải đấu tranh với bao nhiêu là đối thủ, chẳng hạn như phái thờ Mithras.

Khi con người ta cảm thấy thế giới mà họ sống đang thối rữa, họ thấy họ mất hết khả năng làm chủ tồn tại của bản thân và thấy cuộc sống và số phận của mình được quyết định bởi những thế lực vô hình, thì những xu hướng thần bí và phi lý trí lên ngôi. Họ tin ngày tận thế đang kề cận. Những người Thiên chúa giáo thời kỳ đầu tin vào điều đó một cách mãnh liệt, nhưng nhiều người khác thì hoài nghi về điều đó. Sự thật thực tế là cái đang đi đến diệt vong không phải là thế giới này mà là một hình thái xã hội cụ thể – xã hội nô lệ. Thành công của Thiên Chúa giáo có gốc rễ ở thực tế là nó đã nắm bắt được tâm trạng bao trùm này. Thế giới là xấu xa và tội lỗi. Cần phải quay lưng lại cái thế giới đó với mọi tác phẩm của nó để nhìn về phía trước, về một cuộc sống sau khi chết.

Tại sao những người dã man lại chiến thắng

Vào thời điểm những người dã man xâm chiếm, toàn bộ cấu trúc của Đế Chế La Mã đã ở bên bờ vực sụp đổ, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà ở cả đạo đức và tinh thần. Không ngạc nhiên khi những người nô lệ và những thành phần nghèo đói của xã hội chào đón những người dã man như những người giải phóng. Họ chỉ đơn giản thực hiện nốt cái công việc đã được chuẩn bị từ trước. Cuộc tấn công của người dã man là một sự kiện lịch sử phục vụ mục đích là biểu đạt một tất yếu lịch sử.

Một khi Đế chế đã đạt tới giới hạn của nó và những mâu thuẫn vốn dĩ trong xã hội nô lệ bắt đầu khẳng định bản thân nó, Rome rơi vào thời kỳ suy thoái kéo dài hàng thế kỷ, cho tới khi nó cuối cùng bị thay thế bởi những người dã man. Những cuộc nhập cư quy mô lớn, gây ra sự sụp đổ của Đế Chế, là một hiện tượng phổ biến của những người du mục ở thời cổ đại và nó diễn ra vì nhiều lý do – những áp lực ở thảo nguyên khi dân số tăng lên, khí hậu thay đổi, v.v..

Liên tiếp những làn sóng của những người dã man từ phía đông: người Goths, Visigoths, Ostrogoths, Alan, Lombards, Suevi, Alemanni, Burgundians, Franks, Thuringians, Frisians, Heruli, Gepidae, Angles, Saxons, Jutes, Huns và người Magyars ồ ạt tiến về phía Châu Âu. Một Đế Chế toàn năng và vĩnh cửu sụp đổ thành đống tro tàn. Thật chóng vánh, Đế Chế sụp đổ dưới nhát búa của người dã man.

Sự mục nát của nền kinh tế nô lệ, bản chất áp bức khốc liệt của Đế Chế cùng với sự quan liêu quá mức và thuế má hà khắc, đã xói mòn toàn bộ hệ thống. Đã diễn ra một sự trôi dạt đều đặn của dân chúng về khu vực nông thôn ở đó một nền móng đang được sắp đặt cho sự phát triển của một hình thức sản xuất khác – chế độ phong kiến. Người dã man chỉ đơn thuần giáng một cú đánh kết liễu lên một hệ thống thối rữa và đang hấp hối. Toàn bộ cấu trúc đã mục nát, họ chỉ đơn giản giành cho nó một cú đẩy cuối cùng và dữ dội.

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Marx và Engels viết: “Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô, thợ cả phường hội và thợ bạn, nói tóm lại, những kẻ áp bức và những người bị áp bức, luôn luôn đối kháng với nhau, đã tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc hoặc bằng một cuộc cải tạo cách mạng toàn bộ xã hội, hoặc bằng sự diệt vong của hai giai cấp đấu tranh với nhau.” (nhấn mạnh là của tôi, AW)

Những gì diễn ra với Đế Chế La Mã là sự minh họa sắc nét cho kết cục vừa đề cập. Những giai cấp bị áp bức trong xã hội La Mã đã thất bại trong việc đoàn kết lại với nhau để lật đổ một nhà nước-nô lệ bóc lột tàn bạo đã dẫn đến sự kiệt sức ở bên trong và mở ra một giai đoạn đau đớn kéo dài của sự mục nát văn hóa và kinh kế xã hội, nó dọn đường cho những người dã man.

Tác động ngay lập tức của cuộc tấn công của những người dã man là xóa sạch nền văn minh và ném xã hội và tư tưởng nhân loại ngược trở lại hàng ngàn năm. Lực lượng sản xuất phải gánh chịu một sự ngắt quãng dữ dội. Thành phố bị phá hủy hoặc bỏ hoang. Những người xâm lược là những người làm nông nghiệp và không biết gì về thị trấn hay thành phố. Nhìn chung họ thù địch với thị trấn và những cư dân ở đó (một tâm lý rất phổ biến ở những người nông dân ở mọi thời kỳ). Một quá trình tàn phá, ức hiếp và cướp bóc tiếp diễn hàng thế kỷ, để lại một di sản là sự lạc hậu, chúng ta gọi là Thời kỳ Đen tối.

Thế nhưng cho dù những người dã man đã thành công khi chinh phục người La Mã, bản thân họ nhanh chóng bị đồng hóa, và thậm chí bị mất cả ngôn ngữ của riêng mình và cuối cùng nói một thứ thổ ngữ bắt nguồn từ Latin. Chính vì vậy, người Franks, họ dùng tên đó cho nước Pháp hiện đại, là một bộ lạc Giéch-manh nói một thứ tiếng có liên hệ với tiếng Đức hiện đại. Điều tương tự cũng xảy ra với các bộ lạc Giéch-manh khi họ xâm lược Tây Ban Nha và Italy. Đây là điều thường diễn ra khi những người lạc hậu hơn về văn hóa và kinh tế đi chinh phục những quốc gia phát triển hơn. Đó cũng chính xác là những gì đã diễn ra sau này đối với người Mông-cổ khi chinh phục Ấn Độ. Họ bị đồng hóa bởi văn hóa Hindu tiến bộ hơn và kết thúc bằng việc thiết lập nên một triều đại Ấn Độ mới – đế quốc Moguls.

Chế độ phong kiến và Chế độ tư bản

Chế độ phong kiến

Hệ thống phong kiến nảy sinh sau sự sụp đổ của La Mã đi đôi với một thời kỳ trì trệ về văn hóa kéo dài trên khắp Châu Âu ở phía bắc của dãy Pyrenees. Ngoại trừ hai phát minh: guồng nước và cối xay gió, không có một phát minh nào khác trong vòng một nghìn năm. Một nghìn năm sau sự sụp đổ của La Mã những con đường tốt nhất ở Châu Âu là những con đường thời La Mã. Nói cách khác, văn hóa hoàn toàn bị che lấp. Đây chính là hậu quả của sự sụp đổ của lực lượng sản xuất, cái mà trên đó văn hóa cuối cùng phụ thuộc vào. Đó chính là điều mà chúng ta muốn nói tới về lộ trình suy thoái trong lịch sử. Và hãy để không một ai tưởng tượng rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa.

Cuộc xâm lược của những người dã man, chiến tranh và bệnh dịch có nghĩa là tiến bộ đã bị ngắt quãng bởi những giai đoạn đảo ngược. Thế nhưng cuối cùng tình trạng hỗn loạn cùng với sự sụp đổ của La Mã đã bị thay thế bởi một sự cân bằng mới: phong kiến. Sự suy tàn của Đế Chế La Mã gây ra bởi sự sụp đổ nhanh chóng của cuộc sống đô thị ở hầu khắp Châu Âu. Những người xâm lược dần dần bị đồng hóa và Châu Âu vào thế kỷ thứ 10 chậm rãi bước vào một thời kỳ mới khởi sắc.

Tất nhiên, khẳng định này chỉ có tính tương đối. Văn hóa không thể trở lại mức độ có thể sánh được với thời kỳ cổ đại, không thể được cho đến lúc bắt đầu thời kỳ phục hưng vào cuối thế kỷ 14 và thế kỷ 15. Tri thức và khoa học đã lệ thuộc hoàn toàn quyền lực của Nhà thờ. Năng lượng của con người bị tiêu hao hoặc vào những cuộc chiến tranh liên miên hoặc vào những giấc mơ của tu viện, thế nhưng dần dà vòng xoáy đi xuống kết thúc và được thay thế bởi sự vươn lên trong một thời gian dài.

Việc đóng lại những con đường giao thông dẫn đến sự sụp đổ về giao thương. Kinh tế tiền tệ bị xói mòn và ngày càng bị thay thế bởi trao đổi bằng hiện vật. Ở nơi từng là nền kinh tế quốc tế hợp nhất của hệ thống nô lệ dưới thời Đế Chế, thì chúng ta thấy lan tràn những cộng đồng nông nghiệp cô lập và manh mún.

Cơ sở cho chế độ phong kiến đã được sắp đặt bởi xã hội La Mã, khi mà những người nô lệ được tự do và trở thành những lệ nông, gắn với ruộng đất, về sau trở thành nông nô. Quá trình này, diễn ra ở nhiều thời gian khác nhau, ở nhiều dạng thức khác nhau ở những nước khác nhau, đã được thúc đẩy bởi những cuộc chinh phạt của những người dã man. Chúa Giéc-manh trở thành chúa của vùng đất bị chinh phục và của dân cư ở đó, đề nghị trao đổi sự bảo vệ quân sự và một mức độ an ninh nhất định để lấy kết quả lao động của nông nô.

Ở thời kỳ ban đầu của chế độ phong kiến sự phân chia thành các đơn vị nhỏ của tầng lớp quý tộc cho phép tồn tại những vương quốc hùng mạnh nhưng về sau quyền lực quý tộc thấy nó phải đối mặt với những vương quốc hùng mạnh có khả năng thách thức và phế bỏ nó. Các nam tước có quân đội riêng và thường xuyên dẫn quân vào vùng đất của người khác và chống lại nhà vua.

Hệ thống phong kiến ở Châu Âu chủ yếu là hệ thống phong kiến phân quyền. Quyền lực của vương quốc bị giới hạn bởi chế độ quý tộc. Quyền lực trung tâm thường yếu. Trọng tâm của lãnh chúa, cơ sở quyền lực của ông ta, là và lâu đài và đất đai. Quyền lực nhà nước là yếu kém và hệ thống quan liêu không tồn tại. Khả năng tập trung quyền lực yếu kém là điều mà sau này đã cho phép các thị trấn (sắc chỉ của nhà vua) phát triển độc lập và nảy sinh tư sản với tư cách là một giai cấp độc lập.

Lý tưởng lãng mạn của thời Trung Cổ được đặt trên cơ sở thần bí. Đó là một giai đoạn biến động và đẫm máu, đặc trưng bởi sự tàn bạo và chủ nghĩa dã man và cái mà Marx và Engels gọi là sự phơi bày năng lực tàn bạo. Các cuộc Thập tự Chinh được đặc trưng bởi sự hằn học và vô nhân tính. Những cuộc xâm lược Italy của người German là những cuộc diễn tập phù phiếm.

Giai đoạn cuối cùng của thời Trung Cổ là một thời kỳ rối ren, đặc trưng bởi chiến tranh, nội chiến và biến động liên miên – cũng giống như thời đại của chúng ta vậy. Sau tất cả những ý định và mục đích thì trật tự cũ đã chết. Mặc dù nó vẫn còn đứng ngạo nghễ dưới đôi chân mình, sự tồn tại của nó không còn được xem như là một điều gì đó bình thường – phải chấp nhận chúng như là không thể tránh khỏi.

Trong một trăm năm nước Anh và nước Pháp tham gia vào một cuộc chiến đẫm máu làm phá hủy nhiều phần của nước pháp. Trận Agincourt là trận đánh cuối cùng và đẫm máu nhất của thời Trung Cổ. Ở đây, về bản chất, hai hệ thống thù địch đấu chọi nhau trên chiến trường: một bên là trật tự quân đội phong kiến kiểu cũ, dựa trên tầng lớp quý tộc với lý tưởng hiệp sĩ và phụng sự, xung đột với một bên là đội quân đánh thuê kiểu mới dựa trên lao động được trả lương.

Quý tộc Pháp bị chia cắt và bị đánh bại một cách hổ thẹn bởi một đội quân bình dân đánh thuê. Trong 90 phút đầu tiên, 8000 tinh hoa của quý tộc Pháp bị giết chết và 1200 bị bắt làm tù binh. Đến cuối ngày không chỉ toàn bộ quý tộc Pháp nằm chết và bị thương trên chiến trường, mà cả bản thân trật tự phong kiến nữa.

Trận đánh để lại những hậu quả chính trị và xã hội quan trọng. Từ thời khắc đó, khả năng nắm giữ quyền lực của quý tộc Pháp bắt đầu lung lay. Khi người Anh bị đẩy lùi khỏi nước Pháp thì đó là một cuộc nổi dậy của dân chúng dẫn dắt bởi một cô gái ở nông thôn, Joan xứ Arc. Giữa đống đổ nát của cuộc đời, sự hỗn loạn và tắm máu, người dân Pháp bắt đầu nhận thức được bản sắc dân tộc và có hành động tương xứng. Tư sản bắt đầu đòi hỏi quyền và hiến chương và một thế lực quân chủ tập trung dựa vào tư sản và nhân dân bắt đầu giành lấy quyền lực hình thành một nhà nước dân tộc mà từ đó nước Pháp hiện đại được nảy sinh.

Bệnh dịch hạch

Khi một hệ thống kinh tế–xã hội nào đó bước vào khủng hoảng và suy thoái, nó được phản ảnh không chỉ ở sự trì trệ trong lực lượng sản xuất, mà ở mọi cấp độ. Sự suy thoái của phong kiến là một kỷ nguyên mà đời sống tri thức đã chết hoặc đang chết. Bàn tay chết chóc của Nhà thờ làm tê liệt tất cả những sáng kiến khoa học và văn hóa.

Cấu trúc phong kiến được xâu dựng trên một kim tự pháp mà ở đó Thượng đế và nhà Vua đứng ở trên đỉnh của một hệ thống phân cấp phức tạp, mỗi tầng của nó được liên kết với một tầng khác bằng cái gọi là bổn phận. Về lý thuyết, chúa phong kiến “bảo vệ” nông dân, những người mà đến lượt mình đặt thức ăn lên bàn cho họ, cung cấp quần áo cho họ mặc, cho họ ăn và cho họ sống một cuộc sống xa hoa và lười biếng; các thày tu thì cầu nguyện cho tâm hồn của họ, các hiệp sĩ thì bảo vệ họ và vân vân.

Hệ thống như vậy tồn tại một thời gian rất dài. Ở Châu Âu nó kéo dài khoảng 1000 năm: từ giữa thế kỷ 5 cho đến giữa thế kỷ 15. Nhưng vào thế kỷ 13 chế độ phong kiến ở Anh và các nước khác đã chạm tới giới hạn của nó. Sự tăng trưởng dân số đặt toàn bộ hệ thống dưới sức căng khổng lồ. Những mảnh đất manh mún cũng phải giành làm nơi trồng trọt, và hầu hết dân chúng chỉ đủ sống ở mức sinh tồn trên những mảnh đất nhỏ hẹp.

Đó là tình huống “bên bờ vực hỗn loạn”, ở đó toàn bộ cấu trúc có thể sụp xuống bởi một chấn động đủ mạnh. Và có chấn động nào mạnh mẽ hơn chấn động này? Bệnh Dịch hạch, giết chết từ một phần ba cho đến một nửa dân số Châu Âu, làm nổi bật sự bất công và khổ đau, sự ngu dốt và bóng đêm tinh thần và tri thức của thế kỷ 14.

Bây giờ người ta công nhận rằng Bệnh Dịch hạch đóng vai trò quan trọng làm tan rã hệ thống phong kiến. Điều này là rất rõ ràng với trường hợp của nước Anh. Sau khi đã giết chết một nửa dân số Châu Âu, đại dịch tràn sang nước Anh vào mùa hè năm 1348. Khi dịch bệnh lan sang đất liền vào các làng mạc ở nông thôn nước Anh, đã giết hại nhiều người. Cả gia đình, đôi lúc, cả ngôi làng bị xóa sổ. Cũng giống như ở Châu Âu đại lục, khoảng một nửa dân chúng bị giết chết. Thế nhưng, những người có thể sống sót thường thấy mình sở hữu một diện tích đất đai lớn. Một tầng lớp nông dân giàu có mới được tạo ra.

Mất mát lớn về người dẫn tới lao động trở nên cực kỳ khan hiếm. Đơn giản là không có đủ lao động để mà tập hợp lại cho việc gặt hái hoặc đủ thợ thủ công để thực hiện tất cả các chức năng cần thiết khác. Điều này đặt cơ sở cho một sự thay đổi xã hội sâu sắc. Cảm nhận được sức mạnh của bản thân, người nông dân đòi hỏi, và đã đạt được, lương cao hơn và tiền thuê nhà thấp hơn. Nếu lãnh chúa từ chối yêu sách của họ, họ bao giờ cũng có thể bỏ đi và tìm đến một ông chủ khác sẵn lòng đáp ứng yêu sách ấy. Một vài làng xã bị bỏ hoang hoàn toàn.

Những liên kết cũ kỹ đầu tiên bị nới lỏng rồi tan vỡ. Khi những người nông dân thoát khỏi ách áp bức phong kiến, họ đổ về các thành thị để tìm kiếm vận may. Quá trình ấy, đến lượt nó, dẫn đến sự phát triển tiếp theo của thành thị và do đó thúc đẩy sự trỗi dậy của tầng lớp tư sản. Năm 1349 Vua Edward III thông qua cái có thể là chính sách tiền lương đầu tiên trong lịch sử: Đạo luật về người Lao động. Nó quy định lương phải được giữ vững như ở mức cũ. Nhưng đạo luật đã là văn bản chết ngay từ lúc khởi đầu. Những đạo luật về cung cầu mạnh mẽ hơn mọi sắc lệnh hoàng gia khác.

Đâu đâu cũng thấy một tinh thần nổi loạn mới. Chính quyền cũ thì suy yếu và không còn được tin tưởng. Toàn bộ cấu trúc mục mát lung lay sụp đổ. Dường như chỉ cần một cú đẩy cũng có thể kết liễu nó. Ở Pháp xuất hiện một loạt những cuộc rổi dậy của nông dân được gọi là jacqueries. Cuộc Nổi dậy của Nông dân Anh (1381) thậm chí còn nghiêm trọng hơn, khi mà những người nổi loạn chiếm London và có lúc bắt giữ được nhà vua. Thế nhưng cuối cùng những cuộc nổi dậy ấy không thể thành công.

Những cuộc nổi dậy ấy chỉ là sự báo trước vội vã của cách mạng tư sản ở thời điểm mà những điều kiện cho nó chưa hoàn toàn chín muồi. Chúng thể hiện bế tắc của chế độ phong kiến và sự bất bình sâu sắc của quần chúng nhân dân. Nhưng chúng cũng không chỉ ra đâu là lối thoát. Kết quả là hệ thống phong kiến, mặc dù có những điều chỉnh đáng kể, vẫn sống sót một thời gian, phơi bày tất cả những triệu chứng của một trật tự xã hội bệnh tật và suy thoái. Giai đoạn cuối cùng của thời kỳ Trung Cổ là một giai đoạn rối ren, đặc trưng bởi chiến tranh, nội chiến và bạo động liên miên – cũng giống như thời đại của chúng ta vậy.

Cảm giác ngày tận thế đang kề cập là điểm chung của mọi giai đoạn lịch sử khi mà hệ thống kinh tế–xã hội đã rơi vào sự suy thoái không thể đảo ngược. Đây là thời kỳ mà một lượng lớn người dân đổ ra đường, với chân trần và ăn mặc rách rưới, tự mình lê lết cho đến khi rớm máu. Những phái tự hành xác chờ đợi sự kết thúc của thế giới, họ lo âu chờ đợi từ giờ này sang giờ khác.

Cuối cùng thì, cái xảy ra không phải là sự kết thúc của trần thế mà chỉ là sự kết thúc của chế độ phong kiến, và cái xuất hiện không phải là một Thiên niên kỷ mới mà chỉ là hệ thống tư bản. Nhưng không thể mong chờ họ sẽ hiểu ra điều đó. Thế giới cũ ở trong trạng thái suy tàn nhanh chóng và không thể cứu chữa. Con người bị giằng xé bởi những xu hướng mâu thuẫn. Niềm tin của họ bị nghiền nát, họ bị thả trôi giữa một thế giới lạnh giá, vô nhân tính, thù địch và không thể hiểu nổi.

Sự trỗi dậy của tư sản

Khi tất cả những sự đảm bảo của thế giới cũ bị đạp đổ, nó giống như đinh chốt của thế giới đã bị tháo gỡ. Hậu quả là sự bất an và sự hỗn loạn kinh hoàng. Giữa thế kỷ 15, hệ thống niềm tin cũ bắt đầu đổ vỡ. Người ta không còn trông cậy Nhà thờ như là chỗ mang lại sự cứu rỗi, sự an ủi hay sự khây khỏa nữa. Thay vào đó sự bất bình đối với tôn giáo nảy sinh với nhiều hình thức khác nhau, và được dùng để che dấu cho những phản kháng chính trị và xã hội.

Nông dân thách thức ràng buộc và luật lệ cũ, họ đòi hỏi sự tự do đi lại và khẳng định điều đó bằng cách di chuyển đến những thị trấn khác mà không cần giấy phép. Những ghi chép thời đó thể hiện sự tức giận của lãnh chúa trước sự bất tuấn lệnh của người lao động. Thậm chí còn có một vài cuộc bãi công.

Giữa bóng tối ấy những lực lượng mới đang khấy đảo, tuyên bố sự khai sinh ra một quyền lực mới và một nền văn minh mới đang dần lớn mạnh ở bên trong bào thai của xã hội cũ. Sự nảy sinh của giao thương và thành thị đã làm nảy sinh cùng với nó một giai cấp tiến bộ mới, giai cấp tư sản, giai cấp này bắt đầu tranh giành vị thế và quyền lực với giai cấp thống trị phong kiến, quý tộc và Nhà thờ. Sự khai sinh ra một xã hội mới được tuyên bố bởi nghệ thuật và văn học, ở đó những xu thế mới bắt đầy xuất hiện trong một trăm năm tiếp theo.

Sau tất cả những ý định và mục đích thì trật tự cũ đã chết. Mặc dù nó vẫn còn đứng ngạo nghễ dưới đôi chân mình, sự tồn tại của nó không còn được xem như là một điều gì đó bình thường – phải chấp nhận chúng như là không thể tránh khỏi. Nhận thức chung (hay đúng hơn là cảm giác chung) là ngày tận thế đang đến gần không phải là điều gì đó hoàn toàn sai. Chỉ có điều không phải sự kết thúc của trần thế mà là sự kết thúc của hệ thống phong kiến.

Sự phát triển của các thành thị, đó là những hòn đảo của chủ nghĩa tư bản giữa đại dương phong kiến, đã dần dần làm xói mòn trật tự cũ. Nền kinh tế tiền tệ mới, xuất hiện ở bên rìa xã hội, đã gặm nhấm vào tận nền móng của kinh tế phong kiến. Những hạn chế của phong kiến cũ giờ đây là sự áp đặt không thể chịu đựng được, là những rào cản không thể dung thứ cho sự tiến bộ. Chúng phải bị đập tan, và chúng đã bị đập tan. Những chiến thắng của tư sản không đến ngay lập tức. Cần một thời gian dài để nó đạt được thắng lợi cuối cùng trước trật tự cũ. Chỉ có sự xuất hiện dần dần là những ánh lửa mới của cuộc sống xuất hiện ở thành thị.

Sự khôi phục chậm chạp của giao thương dẫn tới sự nảy sinh của giai cấp tư sản và sự hồi sinh của thành thị, đáng chú ý là ở Flanders, Hà Lan và ở bắc Italy. Những tư tưởng mới bắt đầu xuất hiện. Sau khi Constantinople rơi vào tay người Thổ (1453), có nhiều mối quan tâm mới đến tư tưởng và nghệ thuật cổ đại. Những hình thức nghệ thuật mới xuất hiện ở Italy và Hà Lan. Tác phẩm Mười Ngày của Boccacio có thể được coi là tiểu thuyết hiện đại đầu tiên. Ở Anh tác phẩm của Chaucer chứa đựng đầy sức sống và màu sắc, phản chiếu một tinh thần mới mẻ trong nghệ thuật. Thời kỳ Phục Hưng bước những bước do dự đầu tiên của nó. Dần dà, từ hỗn loạn một trật tự mới phát sinh.

Cải cách

Sang thế kỷ 14 chủ nghĩa tư bản đã được thiết lập vững chắc ở Châu Âu. Hà Lan trở thành công xưởng của Châu Âu, dọc dòng sông Rhine giao thương nở rộ. Những thành phố ở Bắc Italy là đầu tầu mạnh mẽ của sự tăng trưởng kinh tế và thương mại, mở ra sự giao thương với Byzantium và Phương Đông. Từ thế kỷ thứ 5 cho đến thế kỷ 12, Châu Âu gồm chủ yếu những nền kinh tế cô lập. Nhưng không còn như vậy nữa! Khám phá ra Châu Mỹ, con đường vòng qua Châu Phi và sự bành trướng của giao thương đã đem lại một động lực tươi mới không chỉ tới việc tạo ra của cải mà còn cả tới sự phát triển của tư duy con người.

Dưới những điều kiện như vậy, sự trì trệ của tri thức cũ là không thể còn nữa. Sự bảo thủ và phản động đột nhiên bị cắt bỏ, Marx và Engels giải thích trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản:

“Việc tìm ra Châu Mỹ và con đường biển vòng Châu phi đã đem lại một địa bàn hoạt động mới cho giai cấp tư sản vừa mới ra đời. Những thị trường Đông - Ấn và Trung Quốc, việc thực dân hoá Châu Mỹ, việc buôn bán với thuộc địa, việc tăng thêm nhiều tư liệu trao đổi và nói chung tăng thêm nhiều hàng hoá, đã đem lại cho thương nghiệp, cho ngành hàng hải, cho công nghiệp, một sự phát đạt chưa từng có, và do đấy, đã đem lại một sự phát triển mau chóng cho yếu tố cách mạng trong xã hội phong kiến đang tan rã.”

Không phải tình cờ mà sự trỗi dậy của giai cấp tư sản ở Ý, Hà Lan, Anh và Pháp sau này song hành với sự nở rộ ngoạn mục của văn hóa, nghệ thuật và khoa học. Cách mạng, như Trotsky đã từng nói, bao giờ cũng là động lực thúc đẩy của lịch sử. Ở những đất nước mà cách mạng tư sản thắng lợi ở Thế kỷ 17 và Thế kỷ 18, sự phát triển của lực lượng sản xuất và công nghệ được bổ sung bởi sự phát triển song song của khoa học và triết học, sự phát triển ấy làm suy yếu mãi mãi sự thống trị của Nhà thờ.

Trong thời kỳ đang trỗi dậy của giai cấp tư sản, khi mà tư bản vẫn đang đại diện cho lực lượng tiến bộ của lịch sử, những nhà tư tưởng đầu tiên của giai cấp ấy phải đấu tranh một cuộc chiến cam go chống lại thành lũy của ý thức hệ phong kiến, bắt đầu từ Nhà thờ Công giáo. Một thời gian dài trước khi phá hủy quyền lực của địa chủ phong kiến, giai cấp tư sản phải đập tan những phòng thủ trong tôn giáo và triết học tụ hợp vào để bảo vệ hệ thống phong kiến xung quanh Nhà thờ và cơ quan vũ trang của nó, Tòa án Dị giáo. Cuộc cách mạng này được báo trước bởi cuộc nổi dậy của Martin Luther chống lại uy quyền của Nhà thờ.

Trong thế kỷ 14 va thế kỷ 15 ở Đức người ta thấy sự dịch chuyển từ một nên kinh tế nông nghiệp hoàn toàn và sự nảy sinh của những tầng lớp xã hội mới, tầng lớp xung đột với hệ thống cấp bậc phong kiến truyền thống. Tấn công của Luther vào Nhà thờ Công giáo La Mã đóng vai trò như tia lửa đốt cháy cách mạng. Thị dân và tiểu quý tộc tìm cách phá vỡ quyền lực của tăng lữ, thoát khỏi sự kìm kẹp của Rome, và, cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, làm giàu bản thân họ trong quá trình tịch thu tài sản của nhà thờ.

Thế nhưng trong sâu thẳm của xã hội phong kiến, còn có những lực lượng căn bản khác cũng đang náo động. Khi lời kêu gọi của Luther chống lại tăng lữ và những tư tưởng về sự tự do Ki-tô giáo đến tai của những người nông dân Đức, họ hành động như một sự kích thích mạnh mẽ tới nỗi căm giận bị kìm nén của quần chúng, những người đã chịu đựng một thời gian dài trong im lặng những áp bức của địa chủ phong kiến. Giờ đây họ nổi dậy để trút sự trả thù kinh hoàng lên những kẻ áp bức họ.

Khởi đầu vào năm 1542, Chiến tranh Nông dân lan khắp các vùng Giéc-manh thuộc Đế chế La Mã Thần thánh trong suốt năm 1525 cho đến khi nó bị đàn áp vào năm 1526. Những gì diễn ra sau đó cũng được lặp đi lặp lại trong lịch sử sau này. Đối mặt với hậu quả của những tư tưởng cách mạng của mình, Luther buộc phải chọn phe, và ông ta đã chọn tham gia cùng thị dân, quý tộc, hoàng tử để nghiền nát nông dân.

Những người nông dân tìm thấy ở Thomas Müntzer một nhà lãnh đạo có phẩm chất tốt hơn. Trong khi Luther kêu gọi đấu tranh trong hòa bình, thì Thomas Müntzer tấn công giới tăng lữ bằng những thuyết pháp bạo lực, kêu gọi nhân dân nổi dậy có vũ trang. Giống như Luther, ông ta trích dẫn kinh thánh để biện hộ cho hành động của mình: “Chẳng phải Chúa đã nói ‘Ta không đem đến hòa bình, nhưng ta đem đếm một thanh gươm’?”

Cánh cấp tiến nhất của phong trào này là Anabaptists, những người đã bắt đầu đặt vấn đề về sở hữu tư nhân, xây dựng mô hình tham khảo từ thời kỳ cộng sản nguyên thủy của những người Thiên chúa giáo đầu tiên mà đã được mô tả trong The Acts of The Apostles. Müntzer kiên quyết rằng không phải Kinh thánh là không có sai sót, rằng Thần thánh (Holy Spirit) có những cách liên lạc trực tiếp thông qua thiên tài lý trí.

Luther thấy kinh hãi và viết một tập sách bỉ ổi Phản đối sự Giết chóc, Cướp phá của Nông dân. Cuộc cách mạng đã bị nghiền nát bởi sự tàn bạo không thể diễn tả nổi, nó đẩy nước Đức tụt lại phía sau hàng thế kỷ. Thế nhưng sóng triều của cách mạng tư sản phản chiếu ở sự trỗi dậy của Đạo Tin lành giờ đây là không thể dừng lại được.

Những vùng đất là nơi mà thế lực phong kiến phản động đã dập tắt phôi thai của một xã hội mới trước khi nó lọt lòng, đã bị trừng phạt bởi cơn ác mộng của một thời kỳ kéo dài và nhục nhã trong suy đồi, suy thoái và thối rữa.

Cách mạng tư sản

Cuộc cách mạng tư sản đầu tiên diễn ra dưới hình thức một cuộc nổi dậy dân tộc ở Hà Lan chống lại áp bức của Tây Ba Nha Công giáo. Để đạt được thành công, thị dân Hà Lan giàu có dựa vào những con người không có tài sản: những con người tuyệt vọng dũng cảm ấy được kéo ra chủ yếu từ những tầng lớp nghèo đói nhất của xã hội. Đội quân của cuộc Cách mạng Hà Lan được kẻ thù lúc đó gọi là Đám ăn mày bên bờ biển.

Mô tả ấy không phải không chính xác. Họ là những thợ thủ công, người lao động, ngư dân nghèo, người vô gia cư và những người không sở hữu gì hết – tất cả họ bị xem là cặn bã của xã hội, nhưng họ nổi giận bởi chủ nghĩa cuồng tín Calvin, họ đánh bại thế lực Tây Ban Nha hùng mạnh hết trận này đến trận khác. Cuộc cách mạng đã đặt nền nóng cho sự hình thành của Cộng hòa Hà Lan và một Hà Lan tư sản thịnh vượng hiện đại.

Chương tiếp theo của cách mạng tư sản thậm chí còn ý nghĩa hơn và tác động sâu rộng hơn ẩn chứa bên trong những gợi ý của nó. Cách mạng Anh thế kỷ 17 có hình thức là một cuộc nội chiến. Nó thể hiện một sự đối ngẫu quyền lực, giữa những thế lực hoàng gia, dựa trên những tầng lớp đặc quyền hoặc những nhóm bên trên của những tầng lớp này – quý tộc, giám mục, đặt căn cứ ở Oxford – đối chọi với tư sản, tiểu địa chủ, quần chúng bình dân, đặt căn cứ ở London.

Cách mạng Anh chỉ thành công khi Oliver Cromwell, dựa vào những thành phần cấp tiến nhất, tức là những người bình dân có vũ trang, gạt tư sản sang một bên rồi tiến hành một cuộc chiến tranh cách mạng chống lại những kẻ bảo hoàng. Kết quả là, nhà vua bị bắt và bị xử tử. Cuộc xung đột kết thúc bằng sự xóa bỏ Quốc hội và bằng sự độc tài của Cromwell.

Những cấp bậc thấp hơn trong quân đội, dưới sự lãnh đạo của phái Levellers – cánh cực tả của cuộc cách mạng – cố gắng đưa cuộc Cách mạng tiến xa hơn nữa, đã bắt đầu đặt vấn đề về sở hữu tư nhân, nhưng họ đã bị Cromwell đè bẹp. Lý do của sự thất bại này nằm ở những điều kiện khách quan của giai đoạn này. Công nghiệp vẫn chưa phát triển tới điểm mà nó có thể cung cấp nền tảng cho chủ nghĩa xã hội.

Vô sản bản thân nó vẫn còn đang nằm trong giai đoạn phát triển phôi thai. Những người Levellers bản thân họ đại diện cho một cấp độ thấp hơn của giai cấp tiểu tư sản, và do đó, mặc cho tất cả chủ nghĩa anh hùng của họ, đã không thể có cho bản thân mình, một lộ trình lịch sử riêng. Sau khi Cromwell chết, giai cấp tư sản đạt được thỏa hiệp với vua Charles II cho phép nó nắm giữ thực quyền trong khi vẫn duy trì nền Quân chủ, cái đóng vai trò như một thành lũy nhằm chống lại mọi cuộc cách mạng chống lại sở hữu tư nhân trong tương lai.

Cách mạng Mỹ, diễn ra dưới hình thức chiến tranh dành độc lập dân tộc đã chỉ có thể thành công ở mức độ mà nó thu hút được đông đảo tầng lớp nông dân nghèo những người đã thực hiện chiến tranh du kích chống lại những đội quân của Vua George nước Anh.

Cách mạng Pháp 1789-93 còn ở mức độ cao hơn nhiều so với Cách mạng Anh. Đây là một trong những sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Thậm chí cho đến giờ nó vẫn là nguồn cảm hứng vô tận. Trong khi Cromwell chiến đấu dưới ngọn cờ tôn giáo, tư sản Pháp giương cao ngọn cờ Lý trí. Thậm chí trước khi cách mạng kéo sập những bức tường của ngục Bastille, nó đã kéo sập những bức tường vô hình, nhưng không kém phần kiên cố, của Nhà thờ và tôn giáo.

Tại mọi giai đoạn, động lực đã thúc đẩy Cách mạng Pháp tiến lên phía trước, quét sạch sang bên tất cả những trở ngại, là sự tham dự tích cực của quần chúng nhân dân. Và khi sự tham dự tích cực ấy trở thành thoái trào, Cách mạng dừng lại hoàn toàn và đi ngược trở lại. Đó chính là những gì đã trực tiếp dẫn đến sự phản động, đầu tiên là cuộc phản cách mạng Tháng Thermidor và tiếp là những biến thể của chủ nghĩa Bonaparte.

Kẻ thù của Cách mạng Pháp bao giờ cũng cố gắng bôi nhọ hình ảnh của cách mạng bằng sự cáo buộc bạo lực và tắm máu. Thực tế là bạo lực của quần chúng là phản kháng không thể tránh khỏi chống lại bạo lực của giai cấp thống trị cũ. Nguồn gốc của thời kỳ Khủng bố phải được tìm thấy ở sự phản ứng của cách mạng tới những mối đe dọa bị lật đổ bởi những kẻ thù bên trong và bên ngoài. Chuyên chính cách mạng là kết quả của cuộc chiến tranh cách mạng và chỉ có thể là sự thể hiện của chiến tranh cách mạng.

Dưới sự thống trị của Robespierre và phái Jacobins, các sans-cullottes nửa-vô-sản đưa Cách mạng tới kết cục thắng lợi. Thực tế là, quần chúng nhân dân đã đẩy những người lãnh đạo tiến xa hơn ý định của họ. Khách quan mà nói, cuộc Cách mạng này có tính chất dân chủ–tư sản, bởi vì sự phát triển của lực lượng sản xuất và của giai cấp vô sản chưa đạt tới điểm để có thể đặt vấn đề về chủ nghĩa xã hội.

Tại thời điểm nhất định, quá trình cách mạng, sau khi đã đạt tới giới hạn của nó, phải đi theo con đường đảo ngược. Robespierre và phe của ông ta đánh bại Cánh tả và rồi tự đánh bại chính bản thân mình. Phe phản cách mạng tháng Thermodor ở Pháp săn lùng và đàn áp phái Jacobins, trong khi đó quần chúng nhân dân, quá mệt mỏi sau bao năm rán sức và hy sinh, bắt đầu rơi vào tình trạng thụ động và thờ ơ. Con lắc giờ đây xoay chuyển mạnh mẽ sang cánh hữu. Nhưng nó không thể khôi phục được Chế độ Cũ. Thành quả kinh tế–xã hội căn bản của Cách mạng vẫn còn đó. Quyền lực của quý tộc địa chủ bị đập tan.

Sự mục nát và suy đồi của Đốc Chính được tiếp nối bởi sự mục nát và suy đồi tương đương của chế độ độc tài cá nhân Bonaparte. Tư sản Pháp kinh hãi trước phái Jacobins và những người sans-cullottes cùng xu hướng bình đẳng và quân bình của họ. Nhưng họ thậm chí còn kinh hãi hơn trước sự đe dọa của cuộc phản cách mạng của những kẻ bảo hoàng, cuộc phản cách mạng ấy có thể hất tư sản khỏi quyền lực và đặt kim đồng hồ trở về thời kỳ trước năm 1789. Chiến tranh tiếp diễn và vẫn còn những cuộc nổi dậy của phái phản cách mạng. Chỉ có một lối thoát duy nhất là đưa chế độ độc tài quay trở lại, nhưng ở hình thức độc tài quân sự. Giai cấp tư sản đi tìm kiếm một kẻ Cứu thế và đã tìm thấy kẻ ấy ở con người Napoleon Bonaparte.

Với sự thất bại của Napoleon ở Trận Waterloo, những hòn than âm ỉ cháy từ ngọn lửa đã được đốt cháy lên bởi nước Pháp cách mạng đã bị dập tắt. Một thời kỳ u ám, kéo dài bao phủ khắp Châu Âu như một lớp bụi phủ dầy đặc và ngột ngạt. Những thế lực phản động thắng lợi dường như đang ngồi vững chắc trên yên. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Bên dưới bề mặt, những Con Chuột chũi của Cách mạng đang bận rộn đào sâu nền móng cho một cuộc cách mạng mới.

Thắng lợi của chủ nghĩa tư bản ở Châu Âu đặt cơ sở cho sự phát triển của công nghiệp, và cùng với nó, là sự lớn mạnh của giai cấp có vận mệnh xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và dẫn dắt sang một giai đoạn cao hơn của phát triển xã hội – chủ nghĩa xã hội. Marx và Engels viết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản:

“Một bóng ma đang ám ảnh Châu âu: Bóng ma chủ nghĩa cộng sản. Tất cả thế lực của Châu âu cũ: Giáo Hoàng và Nga Hoàng, Mét-téc-ních và Ghi-dô, bọn cấp tiến Pháp và bọn cảnh sát Đức, đều đã liên hợp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử bóng ma đó.”

Những lời trên mô tả hệ thống phản động được thành lập bởi Quốc hội Vienna theo sau sự thất bại của Napoleon năm 1815. Ý định của nó nhằm xóa bỏ nguy cơ cách mạng mãi mãi, nhằm xua đuổi bóng ma của Cách mạng Pháp mãi mãi. Chế độ độc tài tàn bạo của “các thế lực của Châu Âu cũ” cứ như là tồn tại vĩnh cửu. Những chẳng sớm thì muộn mọi thứ đảo lộn. Bên dưới bề mặt phản động, những lực lượng mới dần dần trưởng thành và một giai cấp cách mạng mới – giai cấp vô sản – đang chuẩn bị sẵn sàng.

Cuộc phản cách mạng đã bị đánh bại bởi làn sóng cách mạng mới ở Châu Âu vào năm 1848. Những cuộc cách mạng này đã chiến đấu dưới ngọn cờ dân chủ – đó cũng là ngọn cờ cắm trên những chướng ngại phòng thủ được dựng lên ở Paris năm 1789. Nhưng ở khắp nơi lực lượng dẫn đầu của cuộc cách mạng không phải là giai cấp tư sản phản động và hèn nhát mà là những đứa con trực hệ của những người sans-cullotes Pháp – giai cấp công nhân, giai cấp đã khắc vào ngọn cờ của họ một lý tưởng cách mạng mới, lý tưởng Cộng sản.

Những cuộc cách mạng năm 1848-9 đã bị đánh bại bởi sự hèn nhát và xảo trá của giai cấp tư sản và những đại diện Tự do của nó. Thế lực phản động thống trị một lần nữa cho đến năm 1871, khi giai cấp vô sản anh hùng của nước Pháp đã tấn công lên trời ở Công xã Paris, lần đầu tiên trong lịch sử giai cấp công nhân lật đổ nhà nước tư sản cũ và bắt đầu xây dựng một nhà nước kiểu mới – nhà nước của công nhân. Chương sử chói lọi đó chỉ kéo dài vài tháng và cuối cùng bị nhấn chìm trong bể máu. Nhưng đó để lại một di sản lâu bền và đặt nền móng cho Cách mạng Nga 1917.

Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản

Cách mạng Nga

Đối với những người Marxist, Cách mạng Bolshevik là sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bolshevik của Lenin và Trotsky, giai cấp công nhân đã giành thắng lợi trong công cuộc lật đổ những kẻ áp bức và ít nhất đã bắt đầu nhiệm vụ cải biến xã hội theo đường lối xã hội.

Thế nhưng, Cách mạng đã diễn ra, không phải ở một đất nước tư bản phát triển như Marx hằng mong đợi, mà lại trên một cơ sở lạc hậu nhất. Để có một ý tưởng ước chừng về tình cảnh mà những người Bolshevik đã phải đối mặt, chỉ trong một năm 1920, sáu triệu người đã chết đói ở nước Nga Xô-viết.

Marx và Engels từ lâu đã giải thích rằng chủ nghĩa xã hội – xã hội không có giai cấp – cần phải có những điều kiện vật chất thích hợp để nó có thể tồn tại được. Điểm xuất phát của chủ nghĩa xã hội phải là điểm cao hơn trong sự phát triển của lực lượng sản xuất so với xã hội tư bản phát triển nhất (chẳng hạn như Hoa Kỳ). Chỉ có trên cơ sở phát triển cao hơn trong công nghiệp, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, thì mới có thể đảm bảo những điều kiện để giải phóng sự phát triển của con người, bắt đầu từ việc giảm ngày làm việc. Điều kiện tiền đề cho điều đó là sự tham dự của giai cấp công nhân vào việc điều hành và quản trị xã hội một cách dân chủ.

Engels từ lâu đã giải thích rằng ở mọi xã hội mà nghệ thuật, khoa học và chính phủ là độc quyền của một thiểu số, thì thiểu số ấy sẽ sử dụng và lạm dụng vị thế của nó cho lợi ích của riêng nó. Lenin nhanh chóng nhận ra mối nguy cơ của sự suy đồi quan liêu của Cách mạng trong tình thế lạc hậu tổng thể. Trong Nhà nước và Cách mạng viết vào năm 1917, ông xây dựng một cương lĩnh trên cơ sở những từ những kinh nghiệm của Công xã Paris. Ở đó ông giải thích những điều kiện cơ bản – không phải cho chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản – mà là cho giai đoạn đầu tiên sau Cách mạng, giai đoạn quá độ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Đó là:

  1. Bầu cử tự do và dân chủ và quyền bãi nhiệm mọi viên chức
  2. Không có viên chức nào nhận tiền lương cao hơn một người công nhân lành nghề
  3. Không có quân đội thường trực mà thay bằng những người dân được vũ trang
  4. Dần dần, mọi nhiệm vụ điều hành nhà nước phải được thực hiện luân phiên bởi những người công nhân: khi ai cũng có lượt làm “quan liêu” thì không có ai là quan liêu

Đó là cương lĩnh hoàn thiện của nền dân chủ của công nhân. Cương lĩnh chĩa thẳng vào mối nguy hiểm của sự quan liêu. Cương lĩnh này đến lượt nó hình thành nên cơ sở của Cương lĩnh của Đảng Bolshevik năm 1919. Nói cách khác, đối lập với những lời vu khống của kẻ thù của chủ nghĩa xã hội, Nước Nga Xô-viết thời Lenin và Trotsky là chế độ dân chủ nhất trong lịch sử

Thế nhưng, chế độ dân chủ của công nhân xô-viết thiết lập bởi Cách mạng Tháng Mười đã không sống sót. Đầu những năm 1930, tất cả những điểm trên đã bị bãi bỏ. Dưới chế độ Stalin, nhà nước của công nhân chịu đựng một quá trình suy đồi quan liêu mà nó cuối cùng thiết lập một chế độ toàn trị tàn ác và hủy diệt Đảng Leninist. Nhân tố quyết định của cuộc phản cách mạng của Stalin ở nước Nga là sự cô lập của Cách mạng ở một đất nước lạc hậu. Cách thức mà cuộc phản cách mạng ấy diễn ra được Trotsky giải thích trong cuốn sách Cuộc Cách mạng bị Phản bội.

Một xã hội nhảy thẳng từ chủ nghĩa tư bản lên một xã hội không có giai cấp là điều không khả thi. Tồn tại vật chất và văn hóa của xã hội tư bản là quá thiếu thốn cho việc đó. Có quá nhiều sự thiếu thốn và bất bình đẳng mà không thể vượt qua ngay lập tức. Sau cách mạng xã hội, phải có một thời kỳ quá độ để chuẩn bị nền tảng cần thiết cho một xã hội sung túc và không có giai cấp.

Marx gọi giai đoạn đầu tiên của xã hội mới này là “giai đoạn thấp nhất của chủ nghĩa cộng sản” đối lập với “giai đoạn cao nhất của chủ nghĩa cộng sản” giai đoạn mà những vết tích cuối cùng của sự bất bình đẳng về vật chất sẽ biến mất. Theo nghĩa đó, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là đối lập theo nghĩa là giai đoạn “thấp hơn” và “cao hơn” của xã hội mới.

Mô tả về giai đoạn thấp hơn này của chủ nghĩa cộng sản Marx viết: “Cái xã hội mà chúng ta nói ở đây không phải là một xã hội cộng sản chủ nghĩa đã phát triển trên những cơ sở của chính nó, mà trái lại là một xã hội cộng sản chủ nghĩa vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa, do đó là một xã hội, về mọi phương diện – kinh tế, đạo đức, tinh thần – còn mang những dấu vết của xã hội cũ mà nó đã lọt lòng ra.” (Phê phán cương lĩnh Gotha, Marx-Engels 1982)

“Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa, là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy, là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nếu chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản.”

Như tất cả những nhà lý luận Marxist vĩ đại đã giải thích, nhiệm vụ của cách mạng xã hội là đưa giai cấp công nhân tới quyền lực bằng cách đập tan bộ máy nhà nước tư bản cũ. Bộ máy ấy là bộ phận áp bức thiết kế ra để kìm kẹp giai cấp công nhân trong sự khất phục. Marx giải thích rằng nhà nước tư bản này, cùng với nhà nước quan liêu của nó, không thể phục vụ lợi ích của quyền lực mới. Phải loại bỏ nó. Nhưng nhà nước mới do giai cấp công nhân tạo ra phải khác biệt với tất cả các nhà nước trước đây trong lịch sử. Engels mô tả nó là một nửa-nhà-nước, một nhà nước được thiết kế theo cách mà nó có số phận là sẽ tiêu vong.

Thế nhưng, đối với Marx – và đây là điểm mấu chốt – giai đoạn thấp hơn của chủ nghĩa cộng sản này ngay từ khởi điểm ban đầu của nó đã là một giai đoạn cao hơn ở khía cạnh phát triển kinh tế hơn chủ nghĩa tư bản phát triển nhất và tân tiến nhất. Và tại sao điều này lại quan trọng? Bởi vì nếu không có sự phát triển với quy mô lớn của lực lượng sản xuất thì sự thiếu thốn sẽ thắng thế và cùng với nó là cuộc đấu tranh vật lộn để tồn tại.

Như Marx đã giải thích, tình trạng đó sẽ tạo ra nguy cơ suy đồi: “sự phát triển ấy của những lực lượng sản xuất là tiền đề thực tiễn tuyệt đối cần thiết, vì không có nó thì tất cả sẽ chỉ là sự nghèo nàn sẽ trở thành phổ biến; mà với sự thiếu thốn tột độ thì ắt sẽ bắt đầu trở lại một cuộc đấu tranh để dành những cái cần thiết, thế là người ta lại không tránh khỏi rơi vào cũng sự ti tiện trước đây.” (Hệ tư tưởng Đức, Marx-Engels 1980, nhấn mạnh là của tôi)

Những lời tiên đoán ấy của Marx đã giải thích tại sao Cách Mạng Nga, mặc dù đầy những hứa hẹn, kết thúc bằng sự suy đồi quan liêu và sự kỳ quái chủ nghĩa Stalin toàn trị độc ác, cái đến lượt nó đã dọn đường cho việc khôi phục chủ nghĩa tư bản và đi ngược trở lại xa hơn nữa. “Không tránh khỏi rơi vào cũng sự ti tiện trước đây” bởi vì Cách mạng Nga bị cô lập trong những điều kiện lạc hậu về văn hóa và vật chất một cách đáng sợ. Nhưng ngày nay với sự tiến bộ phi thường của khoa học và công nghệ, những điều kiện đã được chuẩn bị sẵn sàng để điều đó không còn xảy ra nữa.

Bước tiến chưa từng có

Mỗi giai đoạn của sự phát triển nhân loại có gốc rễ ở tất cả mọi giai đoạn trước đó. Điều này đúng cho cả sự tiến hóa của con người và cả sự phát triển xã hội. Chúng ta tiến hóa từ những loài cấp thấp hơn và có quan hệ di truyền với cả những dạng sống sơ khai nhất, bản đồ gen người đã chứng minh điều đó một cách chắc chắn. Chúng ta khác biệt với họ hàng đang sinh sống gần nhất là loài tinh tinh với ít hơn hai phần trăm khác biệt về gen. Thế nhưng phần trăm rất nhỏ ấy thể hiện một bước nhảy vọt về chất.

Chúng ta nảy sinh từ thời kỳ mông muội, dã man, nô lệ và phong kiến và mỗi giai đoạn ấy thể hiện một giai đoạn phát triển nhất định trong sự phát triển của lực lượng sản xuất và văn hóa. Hegel đã diễn đạt ý tưởng đó bằng một đoạn văn thật đẹp đẽ trong tác phẩm Hiện tượng học Tinh thần:

“Cái nụ tiêu biến đi khi hoa nở, và ta có thể nói rằng cái trước đã bị cái sau bác bỏ; cũng thế, khi ra quả thì đóa hoa được giải thích là một hiện hữu sai lầm của cái cây, bởi quả xuất hiện ra như là chân lý đúng thật của cây thay chỗ cho đóa hoa. Những hình thức [những giai đoạn] này không chỉ được phân biệt với nhau mà còn hất cẳng nhau như là không thể nào tương thích với nhau được. Thế nhưng, chính bản tính trôi chảy của chúng đồng thời biến chúng thành những mô-men của chỉnh thể hữu cơ, nơi đó chúng không chỉ không mâu thuẫn nhau mà trái lại, cái này cũng thiết yếu như cái kia, và chính sự thiết yếu ngang nhau này của mô-men mới tạo nên được sự sống của cái toàn bộ.”(Hiện tượng học Tinh thần, Bùi-Văn-Sơn-Nam 2006, tr5-6)

Mỗi giai đoạn phát triển xã hội có gốc rễ tất yếu và nảy sinh từ những giai đoạn trước đó. Chỉ có thể hiểu được lịch sử khi xem xét những giai đoạn ấy trong sự thống nhất của chúng. Mỗi cái có lý do tồn tại của nó trong sự phát triển của lực lượng sản xuất, và mỗi cái trở thành mâu thuẫn với sự phát triển tiếp theo của nó tại một giai đoạn nhất định, lúc đó cần phải có một cuộc cách mạng để xóa bỏ những hình thái cũ và cho phép những hình thái mới phát sinh.

Như chúng ta đã thấy, thắng lợi của giai cấp tư sản đạt được là nhờ những phương thức cách mạng, mặc dù vậy ngày nay những người bảo vệ chủ nghĩa tư bản không thích bị nhắc lại thực tế đó. Như Marx đã chỉ ra, giai cấp tư sản, ở phương diện lịch sử, đã đóng một vai trò cách mạng nhất.

“Giai cấp tư sản không thể tồn tại, nếu không luôn luôn cách mạng hoá công cụ sản xuất, do đó cách mạng hoá những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hoá toàn bộ những quan hệ trong xã hội. Trái lại đối với tất cả các giai cấp công nghiệp trước kia thì việc duy trì nguyên vẹn phương thức sản xuất cũ là điều kiện kiên quyết cho sự tồn tại của họ. Sự đảo lộn liên tiếp của sản xuất, sự rung chuyển không ngừng trong tất cả những quan hệ xã hội, sự luôn luôn hoài nghi và sự vận động làm cho thời đại tư sản khác với tất cả các thời đại trước.” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Marx-Engels 1980, tr544-5)

Dưới chủ nghĩa tư bản lực lượng sản xuất đã trải qua sự phát triển ngoạn mục, chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại: mặc cho thực tế chủ nghĩa tư bản là một hệ thống bóc lột nhất và áp bức nhất từng tồn tại; Marx dùng những từ “Chủ nghĩa tư bản tiến đến sân khấu lịch sử với máu và bùn rỉ ra từ tất cả các lỗ chân lông, từ đầu đến chân”(Tư Bản, Marx-Engels 1982, tr590) , nó mặc dầu vậy đã thể hiện một bước nhảy vĩ đại về phía trước trong sự phát triển của lực lượng sản xuất – và do đó là sức mạnh của chúng ta trước tự nhiên.

Trong hai thế kỷ phát triển vừa qua sự phát triển của công nghệ và khoa học đã tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn mọi thời kỳ lịch sử trước đó. Đường cong của sự phát triển của nhân loại, gần như là bằng phẳng trong hầu hết toàn bộ tiến trình lịch sử của chúng ta, đột nhiên trải qua bước tăng trưởng dốc đứng. Sự tiến bộ choáng váng của công nghệ là tiền đề cho sự giải phóng cuối cùng của nhân loại, xóa bỏ tình trạng nghèo đói và mù chữ, dốt nát và bệnh tật; và sự chế ngự của con người trước tự nhiên thông qua việc lập kế hoạch phát triển kinh tế một cách có ý thức. Con đường là rộng mở để chinh phục, không chỉ trên Trái đất, mà còn cả trong không gian.

Suy thoái của Tư bản

Thời đại nào cũng có ảo tưởng là nó sẽ trường tồn. Mỗi hệ thống xã hội tin rằng nó là thể hiện của một hình thức tồn tại khả dĩ duy nhất của nhân loại; tức thể chế của nó, tôn giáo của nó, đạo đức của nó là thành tựu cuối cùng có thể nói đến. Đó chính là những gì mà những kẻ ăn thịt đồng loại, những thầy tế Ai Cập, Marie Antoainette và Nga hoàng Nicholas tất cả đều nồng nhiệt tin tưởng. Và đó cũng chính là những gì mà giai cấp tư sản cùng những kẻ biện hộ cho nó giờ đây muốn thể hiện khi họ đoan chắc với chúng ta, mà không có một chút cơ sở nào, rằng cái hệ thống gọi là “doanh nghiệp tự do” là hệ thống duy nhất khả hữu – ngay đúng lúc nó bắt đầu phơi bày mọi dấu hiệu của sự mục nát suy yếu.

Hệ thống tư bản ngày nay giống như một tên Phù thủy Tập sự đã gọi lên những thế lực quyền năng mà chính hắn cũng không thể kiểm soát được. Mâu thuẫn căn bản của xã hội tư bản là sự đối kháng giữa bản chất xã hội của sản xuất và hình thức sở hữu tư nhân. Từ mâu thuẫn trung tâm ấy nảy sinh vô vàn mâu thuẫn khác. Mâu thuẫn này được thể thiện ở những cuộc khủng hoảng có chu kỳ lặp lại, như Marx đã chỉ ra:

“Mỗi cuộc khủng hoảng đều phá hoại không những một số lớn sản phẩm đã được tạo ra, mà cả một phần lớn chính ngay những lực lượng sản xuất đã có nữa. Một nạn dịch – nếu ở một thời kỳ nào khác thì nạn dịch này hình như là một điều phi lý - - đương gieo tai hoạ cho xã hội, đó là nạn dịch sản xuất thừa. Xã hội đột nhiện bị đẩy lùi về một trạng thái dã man nhất thời; dường như một nạn đói, một cuộc chiến tranh huỷ diệt đã tàn phá sạch mọi tư liệu sinh hoạt của xã hội; công nghiệp và thương nghiệp như bị tiêu diệt. Vì sao thế? Vì xã hội có quá thừa văn minh, có quá nhiều tư liệu sinh hoạt, quá nhiều công nghiệp, quá nhiều thương nghiệp. Những lực lượng sản xuất mà xã hội sẵn có, không thúc đẩy quan hệ sở hữu tư sản phát triển nữa; trái lại, chúng ta đã trở thành quá mạnh đối với quan hệ sở hữu ấy, cái quan hệ sở hữu lúc đó đang cản trở sự phát triển của chúng; và mỗi khi những lực lượng sản xuất xã hội khắc phục được sự cản trở ấy thì chúng lại xô toàn thể xã hội tư sản vào tình trạng rối loạn và đe doạ sự sống còn của sở hữu tư sản. Những quan hệ tư sản đã trở thành quá hẹp, không đủ để chứa đựng những của cải được tạo ra trong lòng nó nữa. – giai cấp tư sản khắc phục những cuộc khủng hoảng ấy như thế nào? Một mặt, bằng cách cưỡng bức phải huỷ bỏ một số lớn lực lượng sản xuất; mặt khác, bằng cách chiếm những thị trường mới và bóc lột triệt để hơn nữa những thị trường cũ. Như thế thì đi đến đâu? Đi đến chỗ chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng toàn diện hơn và ghê gớm hơn và giảm bớt những phương cách ngăn ngừa những cuộc khủng hoảng ấy.” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Marx-Engels 1980, tr548-9)

Đây là mô tả chính xác về tình trạng hiện tại. Đó là một nghịch lý khủng khiếp khi mà càng nhiều hơn nhân loại phát triển năng lực sản xuất của nó, càng nhiều hơn những tiến bộ ngoạn mục trong khoa học và công nghệ, thì càng nhiều hơn sự khổ đau, đói nghèo, áp bức và khốn khó của đại bộ phân dân chúng trên toàn thế giới. Sự ốm yếu của chủ nghĩa tư bản trên quy mô toàn thể giới đã tự phơi bày nó trong sự sụp đổ kinh tế năm 2008. Đó là sự khởi đầu cho cuộc khủng hoảng lớn nhất trong toàn bộ 200 năm tồn tại của chủ nghĩa tư bản, và nó còn lâu mới được khắc phục. Đây là sự thể hiện của sự bế tắc của chủ nghĩa tư bản, mà khi phân tích tới cùng là kết quả của sự nổi dậy của lực lượng sản xuất chống lại cái áo khoác trật hẹp của sở hưu tư nhân và của nhà nước dân tộc.

CNXH hay chủ nghĩa dã man

Trong hàng ngàn năm văn hóa đã bị độc quyền bởi một thiểu số đặc quyền, trong khi đại đa số nhân loại không được tiếp cận với tri thức, khoa học, nghệ thuật và chính phủ. Thậm chí giờ đây điều đó vẫn đúng. Mặc cho mọi sự giả tạo của chúng ta, chúng ta vẫn chưa thực sự được văn minh hóa. Thế giớ mà chúng ta đang sống giờ đây không còn xứng đáng với cái danh văn minh. Đây là một thế giới dã man, sinh sống bởi những người mà còn phải tìm cách vượt qua quá khứ dã man. Đối với phần lớn con người trên hành tinh, cuộc sống vẫn là cuộc vật lộn không ngừng và khắc nghiệt để tồn tại, không chỉ ở những nước chưa phát triển mà còn cả ở những nước tư bản phát triển.

Marx đã chỉ ra rằng có hai khả năng cho nhân loại: chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa dã man. Do đó vấn đề đặt ra một cách nghiêm khắc ở đây là: trong giai đoạn tới, hoặc là giai cấp công nhân sẽ nắm giữ quyền điều hành xã hội, thay thế hệ thống tư bản mục nát bằng một trật tự xã hội mới dựa trên việc lập kế hoạch khôn ngoan và hài hòa cho lực lượng sản xuất và con người làm chủ một cách có ý thức cuộc đời và số phận của bản thân mình, hoặc là chúng ta sẽ đối mặt mới sự sụp đổ ghê gớm về văn hóa, kinh tế, xã hội.

Khủng hoảng của tư bản thể hiện không chỉ ở khủng hoảng kinh tế đe dọa đến công việc và chất lượng sống của hàng triệu người trên khắp thế giới. Nó còn đe dọa cả nền tảng của tồn tại văn minh. Nó đe dọa hất con người ngược trở lại ở tất cả các phương diện. Nếu như giai cấp vô sản – gia cấp cách mạng chân chính duy nhất – không lật đổ được thị thống trị của ngân hàng và các công ty độc quyền, một giai đoạn sẽ được thiết lập để dành cho sụp đổ về văn hóa và thậm chí là quay về thời kỳ dã man.

Ý thức

Phép biện chứng dạy chúng ta rằng không sớm thì muộn, mọi cái sẽ biến đổi sang cái đối lập với nó. Có thể phác họa sự song hành giữa địa lý và xã hội. Giống như những phiến kiến tạo, di chuyển rất chậm chạp, bù đắp sự chậm trễ này là một cơn động đất dữ dội, sự tụt lại phía sau của ý thức so với các sự kiện được bù đắp bởi thay đổi đột ngột trong tâm lý của quần chúng. Thể hiện sống động nhất của biện chứng là ở sự khủng hoảng của bản thân chủ nghĩa tư bản. Quá trình biện chứng trả thù giai cấp tư sản những kẻ không hiểu gì cả, không dự đoán được gì cả và không thể giải quyết được gì cả.

Sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết tạo nên một tâm trạng bi quan và tuyệt vọng trong giai cấp công nhân. Những kẻ bảo vệ chủ nghĩa tư bản tung ra đòn phản công ý thức hệ dữ dội chống lại tư tưởng của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Marx. Chúng hứa hẹn với chúng ta một tương lai hòa bình, thịnh vượng và dân chủ nhờ những kỳ diệu của nền kinh tế thị trường tự do. Hai thập kỷ đã trôi qua kể từ đó và một thập kỷ không phải là một khoảng thời gian dài so với quy mô lớn lao của lịch sử. Những ảo tưởng dễ chịu ấy đã tan biến.

Đâu đâu cũng thấy chiến tranh, thất nghiệp, nghèo đói. Và đâu đâu cũng thấy một tinh thần nổi dậy mới đang lớn mạnh và con người tìm kiếm tư tưởng có thể giải thích những gì đang diễn ra trên thế giới. Chủ nghĩa tư bản ổn định, hòa bình, thịnh vượng cũ đã chết, và cùng với nó là quan hệ hài hòa, yên bình giữa các giai cấp. Tương lai là những năm tháng và những thập kỷ khắc khổ, thất nghiệp và mức sống lao dốc. Đây là công thức hoàn thiện cho sự hồi sinh của cuộc đấu tranh giai cấp ở khắp nơi.

Phôi thai của một xã hội mới đang hình thành trong lòng của xã hội cũ. Những nhân tố của một nền dân chủ của công nhân đã tồn tại ở hình thức của những tổ chức của công nhân, những ủy ban đại biểu công nhân, công đoàn, hợp tác xã v.v.. Trong giai đoạn đang mở ra trước mắt, sẽ là cuộc đấu tranh sống còn – cuộc đấu tranh của những nhân tố của một xã hội mới sẽ ra đời, và sự phản kháng không kém phần ác liệt của những trật tự cũ ngăn cản không cho điều đó diễn ra.

Sự thật là nhận thức của quần chúng nhân dân tụt lại xa đằng sau so với các sự kiện. Nhưng nó [nhận thức của quần chúng] cũng sẽ biến đổi thành cái đối lập với nó. Những sự kiện trọng đại đang buộc con người phải đặt câu hỏi về niềm tin và nhận định cũ của họ. Họ bị bật nảy khỏi sự lường biếng uể oải cũ kỹ, khỏi sự thờ ơ vô cảm rồi buộc phải chấp nhận thực tại. Chúng ta có thể nhận thấy điều này ở những sự kiện diễn ra ở Hy Lạp. Trong những giai đoạn như vậy nhận thức có thể thay đổi chóng vánh. Nó cho thấy thế nào là một cuộc cách mạng.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản hiện đại và người đào mồ của nó, giai cấp công nhân, càng làm sáng tỏ hơn cho câu trả hỏi thế nào là trung tâm của quan niệm duy vật lịch sử. Nhiệm vụ của chúng ta không dừng lại ở sự thấu hiểu mà còn là đưa cuộc đấu tranh giai cấp lịch sử đến kết cục thành công bằng thắng lợi của giai cấp vô sản và cải biến xã hội theo đường lối xã hội. Cuối cùng thì chủ nghĩa tư bản đã thất bại trong việc “kết thúc” lịch sử. Nhiệm vụ của những người Marxist là hành động tích cực nhằm đẩy nhanh quá trình lật đổ hệ thống già yếu cũ kỹ và giúp khai sinh một thế giới mới tốt đẹp hơn.

Từ tất yếu đến Tự do

Cách tiếp cận lịch sử một cách khoa học mà chủ nghĩa duy vật lịch sử trang bị cho chúng ta không có xu hướng làm cho chúng ta đưa ra kết luận bi quan từ những triệu chứng kinh hoàng của suy thoái đang đối mặt chúng ta ở mọi phương diện. Trái lại, xu thế chung của lịch sử nhân loại là theo hướng phát triển cao hơn trong tiềm năng sản xuất và văn hóa.

Mối quan hệ giữa sự phát triển của văn hóa nhân loại và lực lượng sản xuất đã trở nên rõ ràng với thiên tài vĩ đại thời cổ đại, Aristotle, người đã giải thích trong tác phẩm Siêu hình rằng “con người bắt đầu nghiên cứu triết học khi phương tiện cuộc sống được đảm bảo,” và bổ sung lý do giải thích tại sao thiên văn học và toán học được khám phá ra ở Ai Cập là vì những tầng lớp thầy tu ấy không phải lao động. Đó là sự thấu hiểu lịch sử một cách duy vật thuần khiết.

Những thành tựu vĩ đại của một trăm năm qua đã lần đầu tiên tạo ra một cơ hội mà mọi vấn đề mà nhân loại đang đối mặt đều có thể được giải quyết dễ dàng. Tiềm năng cho một xã hội không có giai cấp đã tồn tại trên quy mô toàn thế giới. Điều thiết yếu là tiến hành lập kế hoạch hài hòa và khôn ngoan cho lực lượng sản xất để hiện thực hóa tiềm năng thực sự vô hạn và to lớn này.

Một khi lực lượng sản xuất được giải phóng khỏi sự trói buộc của tư bản, sẽ tồn tại những tiềm năng để sản sinh ra những thiên tài: nghệ sĩ, nhà văn, nhà soạn nhạc, triết gia, nhà khoa học và kiến trúc sư. Nghệ thuật, khoa học và văn hóa sẻ nở rộ như chưa từng có. Thế giới phong phú, tươi đẹp và đa dạng tuyệt vời này sẽ trở thành nơi xứng đáng để nhân loại sinh sống.

Ở một ý nghĩa nhất định chủ nghĩa xã hội là sự trở lại của xã hội cộng sản nguyên thủy nhưng ở một trình độ sản xuất cao hơn rất nhiều. Trước khi người ta có thể hình dung một xã hội không có giai cấp, tất cả vết tích của xã hội có giai cấp, đặc biệt là sự bất bình đẳng và sự thiếu thốn cần phải được loại bỏ. Sẽ thật là ngớ ngẩn khi nói về xóa bỏ giai cấp trong khi bất bình đẳng, thiếu thốn và cuộc vật lộn để sinh tồn vẫn đang thắng thế. Điều đó là mâu thuẫn. Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xuất hiện ở một giai đoạn tiến hóa nhất định của xã hội loài người, tại một trình độ nhất định trong sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Trên cơ sở của một cuộc cách mạng thực sự trong sản xuất, có thể đạt được mức độ sung túc mà con người không phải lo lắng cho việc mưu sinh hằng ngày của họ. Những lo lắng và sợ hãi bẽ bàng đang lấp kín từng giờ của con người sẽ biết mất. Lần đầu tiên, những con người tự do sẽ làm chủ số phận của mình. Lần đầu tiên họ sẽ là con người thực sự. Chỉ có lúc đó lịch sử thực sự của nhân loại mới bắt đầu.

Trên cơ sở của một nền kinh tế có kế hoạch hoài hòa ở đó năng lực sản xuất to lớn từ khoa học và công nghệ sẽ được tận dụng để thỏa mãn nhu cầu của con người, chứ không phải thỏa mãn lợi nhuận cho số ít, văn hóa sẽ đạt được sự phát triển mới và ở những mức độ chưa từng mơ ước tới. Người La Mã gọi những người nô lệ là “công cụ biết nói”. Ngày nay chúng ta không nô dịch con người để buộc họ phải làm việc. Chúng ta đã có công nghệ để tạo ra robots có thể chơi cờ và thực hiện các công việc cơ bản trong dây chuyền sản xuất, lái xe an toàn hơn con người và thậm chí thực hiện những công việc khá phức tạp.

Trên cơ sở của chủ nghĩa tư bản, công nghệ này đe dọa thay thế hàng triệu công nhân: không chỉ có những người lái xe tải và những người công nhân không cần kỹ năng mà cả những người như kế toán và lập trình viên cũng bị đe dọa mất công ăn việc làm. Hàng triệu người sẽ bị ném vào đống phế liệu trong khi những người giữ được việc làm của họ sẽ phải làm nhiều giờ làm việc hơn trước đây.

Trong một nền kinh tế có kế hoạch xã hội chủ nghĩa, vẫn công nghệ đó được sử dụng để giảm ngày làm việc. Chúng ta có thể ngay lập tức đưa vào tuần làm việc 30 giờ, tiếp theo là 20 giờ một tuần, 10 giờ một tuần hoặc thậm chí còn ít hơn nữa trong khi vẫn tăng sản xuất và gia tăng của cải của xã hội hơn nhiều so với những gì có thể hình dung ra được ở chủ nghĩa tư bản.

Việc này sẽ thể hiện sự thay đổi căn bản trong cuộc sống của con người. Lần đầu tiên, con người được giải phóng khỏi sự nhọc nhằn của lao động. Họ có thể tự do phát triển bản thân về thể chất, về tinh thần và có người có thể bổ sung về cả tâm hồn. Con người sẽ tự do ngước nhìn lên thiên đường và chiêm nghiệm về những vì sao.

Trotsky từng viết: “Có bao nhiêu Aristotle đang đi chăn lợn? Và có bao nhiêu kẻ chăn lợn đang ngồi trên ngai vàng?” Xã hội có giai cấp bần cùng hóa con người, không chỉ ở mặt vật chất mà cả ở mặt tinh thần. Cuộc sống của hàng triệu người đang đóng kín trong những giới hạn nhỏ hẹp. Chân trời cho tâm hồn của họ cằn cỗi. Chủ nghĩa xã hội sẽ giải phóng tiềm năng đang bị chủ nghĩa tư bản lãng phí.

Sự thật là con người có những tính cách và năng khiếu khác biệt. Không phải ai cũng là Aristotle, Beethoven hay Einstein. Nhưng tất cả mọi người đều có tiềm năng để thực hiện những điều kỳ diệu trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, để trở thành nhà khoa học vĩ đại, nghệ sĩ, nhạc công, vũ công hay cầu thủ bóng đá. Chủ nghĩa cộng sản sẽ cung cấp mọi điều kiện cần thiết để phát triển những tiềm năng ấy đến mức độ hoàn thiện nhất.

Đây sẽ là một cuộc cách mạng vĩ đại của mọi thời đại. Nó đưa nền văn minh nhân loại đến một mức độ mới và ưu việt về chất. Như những lời Engels nói nó sẽ là bước nhảy của con người từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do.

Tài liệu tham khảo

Bùi-Văn-Sơn-Nam. 2006. G. W. F. Hegel, Hiện Tượng Học Tinh Thần. NXB Văn Học.

Marx-Engels. 1980. Tuyển Tập. Vol. I. Hà Nội: NXB Sự thật.

———. 1981. Tuyển Tập. Vol. II. Hà Nội: NXB Sự thật.

———. 1982. Tuyển Tập. Vol. III. Hà Nội: NXB Sự thật.

———. 1983. Tuyển Tập. Vol. V. Hà Nội: NXB Sự thật.

———. 1984. Tuyển Tập. Vol. VI. Hà Nội: NXB Sự thật.

 

Join us

If you want more information about joining the IMT, fill in this form. We will get back to you as soon as possible.