GÓP PHẦN PHÊ PHÁN KHOA KINH TẾ - CHÍNH TRỊ (1859) - Chương II

Trong quá trình xác định giá cả, sau khi hàng hóa đã có được cái hình thái khiến cho nó có thể lưu thông được, và sau khi vàng đã có được cái tính chất tiền tệ của nó, thì sự lưu thông liền làm cho những mâu thuẫn nằm sẵn trong quá trình trao đổi hàng hóa biểu lộ ra, đồng thời nó cũng giải quyết những mâu thuẫn đó. Sự trao đổi hàng hóa thật sự, tức là sự trao đổi chất của xã hội, diễn ra dưới hình thức một sự biến đổi hình thái trong đó bộc lộ tính chất hai mặt của hàng hóa với tư cách là giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, nhưng đồng thời sự biến đổi hình thái của chính bản thân hàng hóa cũng kết tinh lại dưới những hình thái tiền tệ nhất định. Miêu tả sự biến đổi hình thái đó, tức là miêu tả sự lưu thông. Như chúng ta đã thấy, muốn trở thành một giá trị trao đổi phát triển, hàng hóa giả định phải có một thế giới hàng hóa và một sự phân công lao động thật sự phát triển; lưu thông cũng vậy, nó cũng giả định phải có những hành vi trao đổi về mọi mặt và những hành vi trao đổi này phải tái diễn không ngừng. Hai nữa, nó giả định rằng các hàng hóa đi vào quá trình trao đổi với tư cách là hàng hóa có giá cả nhất định, hay nói một cách khác, nó giả định rằng trong quá trình trao đổi, các hàng hóa biểu hiện — cái nọ đối với cái kia — dưới hình thức tồn tại hai mặt: trên thực tế với tư cách là giá trị sử dụng, và trên ý niệm — trong giá cả — với tư cách là giá trị trao đổi.


[Source]

Trong những phố náo nhiệt nhất ở London, các cửa hàng chen chúc nhau và trong các tủ kính của chúng bầy la liệt tất cả những của cải của thế giới: khăn san Ấn Độ, súng lục Mỹ, đồ sứ Trung Quốc, coóc-xê Paris [Parisian corset — B. T.], da lông thú của Nga và hương liệu của các nước nhiệt đới; nhưng tất cả các vật hưởng thụ có tính chất thế tục đó đều mang trên trán của chúng những mảnh giấy trăng trắng tai hại, trên đó ghi những con số Arabic kèm theo những chữ ngắn gọn vắn tắt, £., s., p. [pound sterling, shilling, penny]. Đó là hình ảnh của những hàng hóa khi xuất hiện trong lưu thông.

a) Sự biến đổi hình thái của hàng hóa.

Khảo sát kỹ, ta thấy quá trình lưu thông có hai hình thái tuần hoàn khác nhau. Nếu ta dùng chữ H để chỉ hàng hóa, chữ T để chỉ tiền, ta có thể biểu hiện hai hình thái đó như sau:

H – T – H

T – H – T

Trong phần này, chúng ta sẽ chỉ bàn đến hình thái thứ nhất, tức hình thái lưu thông hàng hóa trực tiếp.

Vòng tuần hoàn H – T – H phân ra thành: sự vận động H – T đổi hàng hóa lấy tiền, tức là bán; sự vận động ngược lại T – H, đổi tiền lấy hàng hóa, tức là mua; và sau hết, sự thống nhất cả hai sự vận động đó, H – T – H, đổi hàng hóa lấy tiền nhằm mục đích đổi tiền lấy hàng hóa, hay là bán để mua. Nhưng kết quả trong đó bản thân quá trình kết thúc, là H – H, đổi hàng hóa lấy hàng hóa, tức là việc trao đổi chất thực tế.

Nếu lấy hàng hóa thứ nhất làm điểm xuất phát, thì H – T – H là sự chuyển hóa hàng hóa đó thành vàng và sự chuyển hóa vàng trở lại thành hàng hóa, hay là một sự vận động trong đó lúc đầu hàng hóa tồn tại với tư cách là một giá trị sử dụng đặc thù, rồi sau trút bỏ phương thức tồn tại đó để mang — với tư cách là một giá trị trao đổi hay vật ngang giá chung — một phương thức tồn tại đã dứt khỏi mọi mối liên hệ với phương thức tồn tại tự nhiên của nó; rồi lại trút bỏ cả phương thức tồn tại này để cuối cùng tồn tại với tư cách là giá trị sử dụng thực tế, nhằm thỏa mãn một nhu cầu của cá biệt. Dưới hình thái cuối cùng này, hàng hóa chuyển từ lưu thông vào tiêu dùng. Như vậy, toàn bộ lưu thông H – T – H trước hết là cả một loạt những sự chuyển hóa mà mỗi một hàng hóa cá biệt đều phải trải qua để trở thành một giá trị sử dụng trực tiếp đối với người sở hữu hàng hóa đó. Sự chuyển hóa thứ nhất diễn ra trong nửa đầu của lưu thông, tức là H – T; sự chuyển hóa thứ hai diễn ra trong nửa thứ hai của lưu thông, tức là T – H, và toàn bộ lưu thông hình thành curriculum vitae [đường đời] của hàng hóa. Nhưng lưu thông H – T – H chỉ là toàn bộ quá trình chuyển hóa hình thái của một hàng hóa cá biệt trong chừng mực nó đồng thời cũng là tổng số những sự chuyển hóa hình thái một phía nhất định của những hàng hóa khác, vì mỗi sự chuyển hóa hình thái của hàng hóa thứ nhất đều là sự chuyển hóa của hàng hóa đó thành một hàng hóa khác, do đó, đều là sự chuyển hóa của cái hàng hóa khác thành hàng hóa thứ nhất, và do đó là sự chuyển hóa ở cả hai phía diễn ra trong cùng một giai đoạn của lưu thông. Đối với hai quá trình trao đổi trong đó lưu thông H – T – H được phân ra, trước hết chúng ta cần nghiên cứu riêng từng quá trình một.

H – T, hay việc bán: H, hàng hóa, đi vào quá trình lưu thông nhưng với tư cách là một giá trị sử dụng đặc thù, một tấn sắt chẳng hạn, mà còn với tư cách là giá trị sử dụng có một giá cả nhất định, chẳng hạn 3p. xt. 17 si-linh 101/2 p. [3 pound sterlings 17 shillings 101/2 pennies — B. T.], hay một ôn-xơ [ounce — B. T.] vàng. Giá cả đó, một mặt vừa biểu hiện số lượng thời gian lao động chứa đựng trong sắt, nghĩa là biểu hiện lượng giá trị của nó, đồng thời cũng biểu hiện cái nguyện vọng thiết tha của sắt muốn trở thành vàng, nghĩa là muốn đem lại cho thời gian lao động chứa đựng trong bản thân sắt cái hình thái thời gian lao động xã hội chung. Nếu việc thay đổi thực thể đó không thành công, thì tấn sắt chẳng những không còn là một hàng hóa nữa, mà cũng không còn là một sản phẩm nữa, vì tấn sắt là hàng hóa chỉ vì nó không phải là giá trị sử dụng đối với người sở hữu nó: nói cách khác, lao động của người này sở dĩ là lao động thực tế chỉ là do chỗ nó là lao động có ích đối với kẻ khác, còn đối với bản thân người đó nó chỉ có ích do chỗ nó là lao động trừu tượng chung. Như vậy, nhiệm vụ của sắt hay của người sở hữu số sắt đó là phát hiện ra trong thế giới hàng hóa đâu là cái chỗ sắt thu hút được vàng. Nhưng cái khó khăn đó, cái salto mortale [bước nhảy nguy hiểm] của hàng hóa sẽ được khắc phục, nếu như việc bán diễn ra thật sự như chúng ta giả định ở đây khi phân tích lưu thông giản đơn. Khi tấn sắt được thực hiện làm giá trị sử dụng bằng cách chuyển nhượng đi, — nghĩa là được chuyển từ tay người mà ở đó nó không phải là giá trị sử dụng, sang tay người mà ở đó nó là giá trị sử dụng — thì đồng thời nó cũng thực hiện được giá cả của nó, và từ chỗ chỉ là số vàng tưởng tượng, bây giờ nó đã trở thành vàng thật sự. Thay vào tên gọi: một ôn-xơ vàng hay 3 p. xt. 17 si-linh 10 1/2 p. bây giờ ta có một ôn-xơ vàng thật sự, nhưng tấn sắt thì đã dời chỗ đi nơi khác. Nhờ việc bán, H – T, nên không chỉ hàng hóa (trong giá cả của nó — hàng hóa này trước đây được chuyển thành vàng trên ý niệm), được chuyển hóa thật sự thành vàng, mà cả vàng nữa, với tư cách là thước đo giá trị nó chỉ là tiền trên ý niệm và về thực chất chỉ biểu hiện cái tên gọi tiền tệ của bản thân hàng hóa, thì nó cũng chuyển hóa thành tiền tệ thật sự1). Nếu trước đây, vàng đã trở thành vật ngang giá chung trên ý niệm, vì tất cả mọi hàng hóa đều lấy vàng làm thước đo giá trị của chúng, thì giờ đây, với tư cách là sản phẩm của sự chuyển nhượng phổ biến của hàng hóa để lấy vàng (và việc bán H – T chính là cái quá trình chuyển dịch phổ biến đó) — vàng trở thành thứ hàng hóa có thể tuyệt đối chuyển nhượng được, tức là trở thành tiền tệ thật sự. Nhưng trong việc bán, vàng sở dĩ thật sự trở thành tiền tệ chỉ vì các giá trị trao đổi của các hàng hóa dưới hình thái giá cả của chúng — đã là vàng trên ý niệm rồi.

Trong việc bán H – T, cũng như trong việc mua T – H, hai hàng hóa chạm trán với nhau; đối diện mỗi hàng hóa đều là thể thống nhất của giá trị trao đổi và giá trị sử dụng; nhưng trong hàng hóa, giá trị trao đổi của nó chỉ tồn tại trên ý niệm, dưới hình thái giá cả; còn trong vàng thì, mặc dù bản thân vàng là một giá trị sử dụng thật sự, nhưng giá trị sử dụng của nó chỉ tồn tại với tư cách là cái mang giá trị trao đổi, và do đó, chỉ tồn tại với tư cách là giá trị sử dụng trên hình thức thôi, không ăn nhập với một nhu cầu cá biệt thực tế nào cả. Như vậy, sự đối lập giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi được phân bố trên hai cực đối lập của biểu thức H – T, thành thử hàng hóa đối lập với vàng với tư cách là giá trị sử dụng, một giá trị sử dụng còn phải thực hiện giá trị trao đổi trên ý niệm của nó — tức là giá cả — trong vàng; còn vàng lại đối lập với hàng hóa với tư cách là giá trị trao đổi, giá trị trao đổi này chỉ vật chất hoá giá trị sử dụng trên hình thức của nó trong hàng hóa mà thôi. Chỉ bằng cách phân đôi hàng hóa thành hàng hóa và vàng như vậy và hơn nữa, chỉ bằng cách đối lập hai mặt như vậy, trong đó mỗi số hạng ở đầu cực này thể hiện trên ý niệm, cái đối lập với nó trên thực tế ở đầu cực kia, và ngược lại, — tức là chỉ nhờ chỗ các hàng hóa biểu hiện thành hai cực đối lập nhau nên những mâu thuẫn nằm trong quá trình trao đổi của hàng hóa mới được giải quyết.

Từ trên tới đây, chúng ta đã xét H – T với tư cách là việc bán, là sự chuyển hóa hàng hóa thành tiền. Nhưng nếu chúng ta đứng ở đầu cực kia mà nhìn, thì cũng một quá trình đó, trái lại, biểu hiện ra là T – H, tức là việc mua, là việc chuyển hóa tiền thành hàng hóa. Bán tất nhiên cũng đồng thời là cái ngược lại với nó, tức là mua; hành vi đó là bán hay mua, tuỳ theo chỗ người ta đứng về phía này hay về phía kia để xét quá trình. Nói cách khác, trên thực tế, quá trình đó chỉ phân biệt ở chỗ trong H – T, hành vi xuất phát từ cực hàng hóa, tức là từ người bán, còn trong T – H, thì hành vi xuất phát từ cực tiền tệ, tức là từ người mua. Như vậy, khi chúng ta coi sự chuyển hóa hình thái thứ nhất của hàng hóa — tức là sự chuyển hàng hóa thành tiền — là kết quả của việc hoàn thành giai đoạn thứ nhất của lưu thông, tức H – T, thì đồng thời chúng ta giả định rằng một hàng hóa khác đã chuyển hóa thành tiền và, do đó, đã ở giai đoạn lưu thông thứ hai, tức T – H. Thế là các giả thiết của chúng ta đã dẫn chúng ta đến một cái vòng luẩn quẩn. Bản thân sự lưu thông là cái vòng luẩn quẩn đó. Trong H – T, nếu chúng ta không coi T là hình thái chuyển hóa đã diễn ra của một hàng hóa khác nào đó, thì chúng ta sẽ tách hành vi trao đổi đó khỏi quá trình lưu thông. Nhưng ở ngoài quá trình lưu thông, thì hình thái H – T cũng biến mất, và lúc đó chỉ có hai H khác nhau đối diện với nhau mà thôi, chẳng hạn như sắt và vàng: sự trao đổi giữa sắt và vàng không phải là một hành vi lưu thông đặc biệt, mà là sự trao đổi trực tiếp vật lấy vật. Ở nguồn sản xuất ra nó, vàng cũng là hàng hóa như mọi hàng hóa khác. Ở đây, giá trị tương đối của nó và giá trị tương đối của sắt hay của bất cứ hàng hóa nào khác, được biểu hiện ra bằng những số lượng theo đó những hàng hóa ấy được trao đổi với nhau. Nhưng trong quá trình lưu thông thì hành vi đó được giả định là đã hoàn thành rồi; bản thân giá trị của vàng đã được định trước ở trong giá cả của hàng hóa rồi. Cho nên, không gì sai lầm hơn là cho rằng trong quá trình lưu thông, vàng và hàng hóa đi vào quan hệ trao đổi trực tiếp vật lấy vật, và do đó, giá trị tương đối của vàng và hàng hóa đã được xác định qua việc trao đổi của chúng với tư cách là những hàng hóa giản đơn. Nếu ta thấy hình như trong quá trình lưu thông, vàng được trao đổi như một hàng hóa giản đơn lấy hàng hóa, thì cái ảo tưởng đó chẳng qua chỉ do chỗ trong các giá cả, một lượng hàng hóa nhất định đã được coi là ngang với một lượng vàng nhất định, nghĩa là lượng hàng hóa đó đã được đem so với vàng coi là tiền tệ, là vật ngang giá chung, và vì vậy hàng hóa có thể trao đổi được trực tiếp với vàng. Vì giá cả của một hàng hóa được thực hiện trong vàng, nên hàng hóa trao đổi với vàng với tư cách là hàng hóa, với tư cách là sự vật chất hóa đặc thù của thời gian lao động; nhưng vì giá cả của hàng hóa được thực hiện trong vàng, nên hàng hóa trao đổi với vàng với tư cách là tiền tệ chứ không phải với tư cách là hàng hóa, nghĩa là hàng hóa trao đổi với vàng với tư cách là sự vật chất hóa chung của thời gian lao động. Nhưng trong cả hai trường hợp, số lượng vàng để đổi lấy hàng hóa trong quá trình lưu thông không phải do sự trao đổi quyết định; trái lại, sự trao đổi do giá cả của hàng hóa quyết định, nghĩa là do giá trị trao đổi của hàng hóa tính bằng vàng quyết định2).

Trong quá trình lưu thông, vàng biểu hiện ra trong tay mọi người như là kết quả của việc bán H – T. Nhưng vì H – T, việc bán, cũng đồng thời là T – H, việc mua, nên trong khi H, hàng hóa — điểm xuất phát của quá trình —, hoàn thành sự chuyển hóa hình thái thứ nhất của nó, thì cái hàng hóa khác tạo thành cực đối lập T hoàn thành sự chuyển hóa hình thái thứ hai của nó, và do đấy, đi qua nửa sau của lưu thông, trong khi đó hàng hóa thứ nhất còn ở nửa đầu con đường của nó.

Điểm xuất phát của quá trình lưu thông thứ hai, tức tiền, là kết quả của quá trình thứ nhất, tức việc bán. Thay thế cho hàng hóa dưới cái hình thái ban đầu của nó, là vật ngang giá của nó bằng vàng. Kết quả đó trước hết có thể tạo thành một điểm dừng lại của quá trình, vì dưới cái hình thái thứ hai này, hàng hóa có được một sự tồn tại bền vững riêng của nó. Trước đây, hàng hóa không phải là giá trị sử dụng ở trong tay người sở hữu của nó, bây giờ nó lại nằm ở trong tay người đó dưới một hình thái lúc nào cũng có thể sử dụng được, bởi vì lúc nào nó cũng có thể trao đổi được, còn nó sẽ lại đi vào lưu thông lúc nào và ở điểm nào của thế giới hàng hóa, cái đó tuỳ ở tình hình quyết định. Việc hàng hóa nằm dưới trạng thái con nhộng vàng hình thành một giai đoạn độc lập trong đời sống của hàng hóa, và nó có thể nằm trong giai đoạn này một thời gian dài hay ngắn. Trong sự trao đổi vật lấy vật, thì sự trao đổi một giá trị sử dụng đặc thù trực tiếp gắn liền với sự trao đổi một giá trị sử dụng đặc thù khác; còn cái tính chất chung của lao động tạo ra giá trị trao đổi lại biểu hiện ra ở chỗ là các hành vi mua và bán đều cách xa nhau và tách rời nhau một cách tuỳ tiện.

T – H, việc mua, là sự vận động ngược lại của H – T, và đồng thời là sự chuyển hóa hình thái thứ hai hay cuối cùng của hàng hóa. Với tư cách là vàng, hay dưới cái hình thái của nó là vật ngang giá chung, hàng hóa có thể được biểu hiện trực tiếp bằng giá trị sử dụng của tất cả các hàng hóa khác; các hàng hóa này, trong giá cả của chúng, đều hướng đến vàng như hướng đến kiếp sau của chúng, nhưng đồng thời chúng cũng chỉ rõ số lượng tiền đúc cần thiết để cho thể xác của chúng — tức giá trị sử dụng — có thể chuyển sang phía tiền tệ, còn linh hồn của chúng — tức giá trị trao đổi — thì chuyển vào trong bản thân vàng. Sản phẩm chung của sự chuyển nhượng của hàng hóa là cái hàng hóa có thể tuyệt đối chuyển nhượng được. Để chuyển vàng thành hàng hóa, không có một giới hạn nào về chất lượng, mà chỉ có một giới hạn về số lượng thôi, giới hạn này do số lượng hay đại lượng giá trị của bản thân vàng quyết định. "Có tiền mua tiên cũng được". Nếu trong sự vận động H – T, hàng hóa thông qua sự chuyển nhượng của nó với tư cách là giá trị sử dụng mà thực hiện giá cả của bản thân nó và giá trị sử dụng của tiền của kẻ khác, thì trong sự vận động T – H, hàng hóa thông qua sự chuyển nhượng của nó với tư cách là giá trị trao đổi mà thực hiện giá trị sử dụng của bản thân nó và giá cả của hàng hóa. Nếu trong khi thực hiện giá cả của nó, hàng hóa đồng thời chuyển hóa vàng thành tiền tệ thực tế, thì do sự chuyển hóa trở lại của nó, hàng hóa khiến cho vàng có được cái phương thức tồn tại thuần tuý có tính chất tạm thời của vàng là tiền tệ. Vì sự lưu thông hàng hóa giả định là sự phân công lao động đã phát triển, do đó những nhu cầu của từng người riêng lẻ có rất nhiều mặt, ngược lại với tính chất một mặt của sản phẩm của anh ta, cho nên hành vi mua T – H, khi thì biểu hiện ra thành một đẳng thức với một hàng hóa làm vật ngang giá, khi thì lại chia nhỏ ra thành một loạt hàng hóa làm vật ngang giá, cái loạt hàng hóa vật ngang giá này do phạm vi các nhu cầu của người mua lớn hay nhỏ và lượng số tiền của anh ta có nhiều hay ít quyết định. Vì bán cũng đồng thời là mua, mua cũng đồng thời là bán, nên T – H cũng đồng thời là H – T, nhưng ở đây hành vi đó xuất phát từ phía của vàng, tức từ người mua.

Bây giờ, nếu nhìn trở lại toàn bộ quá trình lưu thông H – T – H, ta sẽ thấy rằng trong quá trình đó hàng hóa trải qua cả một loạt các chuyển hóa hình thái của nó. Nhưng trong khi nó bắt đầu nửa lưu thông thứ nhất và hoàn thành sự chuyển hóa hình thái thứ nhất của nó, thì đồng thời một hàng hóa thứ hai cũng đi vào nửa lưu thông thứ hai, hoàn thành sự chuyển hóa hình thái thứ hai của nó rồi bước ra khỏi lưu thông; và ngược lại, trong khi hàng hóa thứ nhất đi vào nửa lưu thông thứ hai, hoàn thành sự chuyển hóa hình thái thứ hai của nó rồi bước ra khỏi lưu thông, thì đồng thời một hàng hóa thứ ba lại đi vào lưu thông, đi qua nửa chặng đầu con đường của nó và hoàn thành sự chuyển hóa hình thái thứ nhất của nó. Như vậy, toàn bộ quá trình lưu thông H – T – H, với tư cách là toàn bộ sự chuyển hóa hình thái của một hàng hóa, bao giờ cũng đồng thời là bước kết thúc toàn bộ sự chuyển hóa hình thái của một hàng hóa thứ hai và là bước khởi đầu của toàn bộ sự chuyển hóa hình thái của một hàng hóa thứ ba, như vậy là cả một loạt không có bắt đầu cũng không có kết thúc. Muốn cho rõ ràng hơn và để phân biệt các hàng hóa, chúng ta sẽ biểu hiện chữ H một cách khác nhau ở hai cực, chẳng hạn như H' – T – H". Trên thực tế, khâu thứ nhất H' – T đã giả định rằng T là kết quả của một khâu H – T khác, và như vậy bản thân nó cũng chỉ là khâu cuối của H – T – H'; còn khâu thứ hai T – H" trong kết quả của nó là H" – T và như vậy bản thân nó là khâu thứ nhất của H" – T – H"', v.v.. Ngoài ra, người ta lại còn thấy rằng cái khâu cuối T – H, mặc dù T chỉ là kết quả của một việc bán, nhưng nó vẫn có thể được biểu hiện bằng (T – H') + (T – H") + (T – H"') + v. v.; nghĩa là nó có thể chia nhỏ ra thành rất nhiều việc mua, tức là thành rất nhiều việc bán, nghĩa là thành rất nhiều khâu đầu tiên trong những chuyển hóa hình thái mới toàn bộ của hàng hóa. Như vậy, nếu toàn bộ sự chuyển hóa hình thái của một hàng hóa cá biệt biểu hiện ra không chỉ là một khâu của một sợi dây chuyển hóa hình thái không có bắt đầu cũng không có kết thúc, mà là của rất nhiều sợi dây như vậy, thì quá trình lưu thông của thế giới hàng hóa, – vì mỗi hàng hóa cá biệt đều thực hiện sự lưu thông H – T – H, — biểu hiện ra là một cuộn dây vô cùng rối ren của sự vận động đó, sự vận động luôn luôn kết thúc và luôn luôn lại bắt đầu ở không biết bao nhiêu là điểm khác nhau. Nhưng đồng thời mỗi việc bán hay việc mua cá biệt lại tồn tại với tư cách là một hành vi cô lập và riêng rẽ; còn cái hành vi khác bổ sung cho nó thì có thể ở cách xa trong thời gian và trong không gian, cho nên không cần thiết phải trực tiếp nối liền ngay với nó với tư cách là cái tiếp tục của nó. Vì mỗi quá trình lưu thông cá biệt H – T hay T – H, — tức là sự chuyển hóa một hàng hóa này thành giá trị sử dụng và một hàng hóa khác thành tiền, tức giai đoạn thứ nhất và giai đoạn thứ hai của lưu thông - đều tạo thành một điểm dừng lại riêng biệt cho cả hai phía, nhưng mặt khác vì tất cả mọi hàng hóa đều bắt đầu sự chuyển hóa hình thái thứ hai của chúng và đều đứng ở điểm xuất phát của nửa sau của lưu thông, dưới cái hình thái chung của chúng là vật ngang giá chung, tức là vàng, cho nên trong lưu thông thực tế, bất kỳ một hành vi T – H nào cũng đều có thể gắn liền với bất kỳ một hành vi H – T nào, và cái chương thứ hai trong đường đời của một hàng hóa cũng có thể gắn liền với chương thứ nhất của đường đời của một hàng hóa khác. Chẳng hạn A bán sắt đi lấy 2 p.xt., tức là hoàn thành hành vi H – T, hay sự chuyển hóa hình thái thứ nhất của hàng hóa — sắt; nhưng anh ta hoãn việc mua vào một thời gian sau. Đồng thời B, hai tuần trước đây đã bán 2 quác-tơ [quarter B. T.] tiểu mạch lấy 6 p.xt., bây giờ với 6 p.xt., ấy, anh ta mua một bộ quần áo ở hiệu "Mô-dét và con" ["Moses and Son" — B. T.], tức là anh ta hoàn thành hành vi T – H, hay sự chuyển hóa hình thái thứ hai của hàng hóa tiểu mạch. Ở đây hai hành vi T – H và H – T đó chỉ biểu hiện ra là những khâu của một sợi dây, bởi vì dưới hình thái T, vàng, thì hàng hóa nọ cũng giống như hàng hóa kia, và người ta không sao có thể biết được số vàng đó là sắt đã chuyển hóa hình thái, hay là tiểu mạch đã chuyển hóa hình thái. Như vậy, trong quá trình lưu thông thực tế, H – T – H là một số vô cùng tận những khâu lộn xộn, tồn tại một cách ngẫu nhiên bên cạnh nhau và nối tiếp nhau, của những sự chuyển hóa hình thái toàn bộ khác nhau. Như vậy, quá trình lưu thông thực tế biểu hiện ra không phải thành sự chuyển hóa hình thái toàn bộ của hàng hóa, không phải là sự vận động của nó qua các giai đoạn đối lập nhau; mà chỉ biểu hiện ra là sự kết hợp giản đơn của rất nhiều việc mua và bán cùng tiến hành song song với nhau hay kế tiếp nhau một cách ngẫu nhiên. Như vậy, tính quy định của quá trình đó về mặt hình thái đã biến mất, và lại càng biến mất hẳn đi khi mà mỗi hành vi cá biệt của lưu thông, chẳng hạn như việc bán, đồng thời là cái đối lập với nó, tức là việc mua, và ngược lại. Mặt khác, quá trình lưu thông là sự vận động của những chuyển hóa hình thái của thế giới hàng hóa, và vì vậy, nó phải phản ánh sự vận động đó trong toàn bộ sự vận động của nó. Trong phần sau, chúng ta sẽ nghiên cứu xem quá trình lưu thông phản ánh sự vận động đó như thế nào. Ở đây thì chỉ cần nhận xét rằng, trong H – T – H, về mặt hình thái, hai đầu cực là H không có cùng một quan hệ đối với T. H thứ nhất có quan hệ với tiền như là một hàng hóa đặc thù quan hệ với thứ hàng hóa phổ biến, trong khi đó thì tiền có quan hệ với H thứ hai như là một hàng hóa phổ biến quan hệ với một hàng hóa cá biệt. Như vậy H – T – H, về mặt logic trừu tượng có thể quy thành hình thức tam đoạn luận ĐT – PB – CB trong đó cái đặc thù là cực thứ nhất, cái phổ biến là số hạng ở giữa và cái cá biệt là cực cuối cùng.

Những người sở hữu hàng hóa đi vào quá trình lưu thông chỉ với tư cách là người nắm hàng hóa trong tay. Ở trong quá trình đó, họ chạm trán với nhau dưới hình thức đối lập là người mua và người bán, người này chẳng hạn là đường bánh nhân cách hóa, người kia là vàng nhân cách hóa. Khi đường bánh trở thành vàng, thì người bán trở thành người mua. Những vai trò xã hội nhất định đó tuyệt nhiên không phải là do cá tính nói chung của con người mà ra, mà do những quan hệ trao đổi giữa những con người sản xuất ra sản phẩm của mình dưới hình thái hàng hóa. Mối quan hệ tồn tại giữa người mua và người bán cũng không phải là những mối quan hệ thuần tuý cá nhân, vì chỉ khi nào tính chất lao động cá nhân của họ bị phủ định, tức là khi lao động đó — coi như không phải là lao động của một cá nhân riêng biệt — biến thành tiền, thì lúc đó giữa hai bên, người mua và người bán, mới có mối quan hệ nói trên. Cho nên, nếu quan niệm những vai trò kinh tế tư sản đó của người mua và người bán là những hình thái xã hội vĩnh cửu của cá tính của con người là một quan niệm phi lý bao nhiêu, thì sự than phiền rằng những vai trò kinh tế đó là nguyên nhân thủ tiêu cá tính ấy cũng là không đúng bấy nhiêu3). Những vai trò kinh tế đó là sự biểu hiện tất yếu của cá tính ở một giai đoạn nhất định của quá trình sản xuất xã hội. Vả chăng, trong sự đối lập giữa người mua và người bán, bản chất đối kháng của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa hãy còn biểu hiện ra một cách rất hời hợt và hình thức thôi, sự đối lập đó cũng vốn có ở những hình thái xã hội tiền tư bản chủ nghĩa, vì nó chỉ đòi hỏi các cá nhân quan hệ với nhau với tư cách là những người sở hữu hàng hóa mà thôi.

Bây giờ nếu ta xét kết quả của hành vi H – T – H, thì ta sẽ thấy rút cục lại kết quả đó chỉ là sự trao đổi chất H – H. Hàng đổi lấy hàng, giá trị sử dụng đổi lấy giá trị sử dụng, và sự chuyển hóa hàng hóa thành tiền hay hàng hóa dưới hình thái tiền tệ chỉ dùng để làm môi giới cho sự trao đổi chất đó. Như vậy, tiền chỉ biểu hiện là phương tiện trao đổi hàng hóa, chứ không phải là phương tiện trao đổi nói chung; tiền biểu hiện là một phương tiện trao đổi được đánh dấu bằng quá trình lưu thông, tức là phương tiện lưu thông4).

Vì quá trình lưu thông hàng hóa rút cục lại chỉ là H – H và do đó hình như chỉ là một sự trao đổi vật lấy vật qua sự trung gian của tiền, hay nói cách khác là, nói chung, H – T – H không chỉ phân ra thành hai quá trình riêng rẽ mà đồng thời còn biểu hiện cả sự thống nhất của hai quá trình đó đang vận động, — cho nên nếu như muốn kết luận rằng giữa việc mua và việc bán chỉ có sự thống nhất thôi, chứ không có sự phân ra, thì đó là một cách suy nghĩ mà việc phê phán nó thuộc lĩnh vực logic học, chứ không phải là thuộc lĩnh vực kinh tế chính trị học. Sự phân chia thành việc mua và việc bán trong quá trình trao đổi phá vỡ những cái giới hạn có tính chất địa phương, nguyên thuỷ, cổ kính và ngây thơ, vô lý của việc trao đổi chất của xã hội, sự phân chia ấy đồng thời cũng là cái hình thái chung của sự tan vỡ các yếu tố gắn liền với nhau của quá trình trao đổi chất đó và là hình thái chung của sự đối lập giữa chúng với nhau; nói tóm lại, sự phân chia ấy là cái khả năng phổ biến có thể nổ ra các cuộc khủng hoảng thương nghiệp, nhưng đó chỉ vì sự đối lập giữa hàng hóa và tiền tệ là cái hình thái trừu tượng và phổ biến của tất cả mọi sự đối lập chứa đựng trong lao động dưới chế độ tư bản chủ nghĩa. Vì vậy có thể có lưu thông tiền tệ mà không có những cuộc khủng hoảng; nhưng các cuộc khủng hoảng không thể nổ ra mà lại không có lưu thông tiền tệ. Tuy nhiên, nói như vậy chỉ có nghĩa là: ở đâu lao động dựa trên sự trao đổi tư nhân chưa phát triển tới giai đoạn phát sinh tiền tệ, thì dĩ nhiên ở đó càng không có khả năng đẻ ra những hiện tượng giả định rằng quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa đã hoàn toàn phát triển rồi. Cho nên ta có thể đánh giá được đích đáng toàn bộ sự sâu sắc của thứ phê phán cho rằng với việc xóa bỏ "đặc quyền" của các kim loại quý và với cái gọi là "chế độ tiền tệ hợp lý", người ta sẽ xóa bỏ được những "thiếu sót" của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Mặt khác, muốn có một thí dụ về lối biện hộ trong kinh tế học, chúng ta chỉ cần nhắc lại một học thuyết đã từng được quảng cáo là cực kỳ sáng suốt. James Mill, bố đẻ ra nhà kinh tế học Anh nổi tiếng là John Stuart Mill, nói:

"Đối với tất cả mọi hàng hóa, không bao giờ lại thiếu người mua cả.Người nào đưa một hàng hóa ra bán là muốn nhận trở lại được một hàng hóa khác, và như vậy người đó là người mua do chỗ người đó là người bán. Cho nên, do một tính tất yếu siêu hình, những người mua và người bán của tất thảy mọi hàng hóa, gộp chung lại, phải thăng bằng với nhau. Cho nên, nếu đối với hàng hóa này có nhiều người bán hơn là người mua, thì đối với hàng hóa khác phải có nhiều người mua hơn là người bán5).

Mill đã xác lập sự thăng bằng đó bằng cách biến quá trình lưu thông thành sự trao đổi trực tiếp vật lấy vật, rồi ông ta lại lén lút đưa vào sự trao đổi trực tiếp vật lấy vật ấy những nhân vật mua và bán mượn của quá trình lưu thông. Nói theo cách nói mơ hồ của Mill, thì có những lúc tất cả các hàng hóa đều không thể bán được, chẳng hạn như ở London và Hamburg, trong cuộc khủng hoảng thương nghiệp hồi năm 1857-1858, ta thấy đã có những lúc quả thật là đối với riêng một thứ hàng hóa, tức là tiền, có nhiều người mua hơn là người bán, còn đối với tất cả các hình thái khác của tiền, tức là hàng hóa, lại có nhiều người bán hơn là người mua. Sự thăng bằng siêu hình giữa mua và bán rút cục là ở chỗ mỗi việc bán là một việc mua và mỗi việc mua là một việc bán; song cái đó thật chẳng có gì là đặc biệt an ủi đối với những người có hàng hóa trong tay mà lại không thể bán đi được, và do đó cũng không thể mua được6).

Sự tách rời bán và mua ra thành hai việc khiến cho ngoài việc mậu dịch theo đúng nghĩa của danh từ này ra, còn có thể có rất nhiều giao dịch giả tạo trước khi có sự trao đổi cuối cùng giữa những người sản xuất hàng hoá và tiêu dùng hàng hoá. Sự việc ấy cho phép rất nhiều kẻ ăn bám xen vào quá trình sản xuất thu lợi từ sự tách rời đó. Nhưng như thế cũng lại chỉ có nghĩa là một khi đã có tiền tệ với tư cách là hình thái chung của lao động dưới chế độ tư bản, thì những mâu thuẫn chứa đựng trong lao động đó cũng có khả năng phát triển lên.

b) Lưu thông tiền tệ

Sự lưu thông thực tế biểu hiện ra trước hết là một khối gồm nhiều việc mua và việc bán diễn ra một cách ngẫu nhiên và song song với nhau. Trong việc mua cũng như trong việc bán, hàng hoá và tiền bao giờ cũng đối lập với nhau ở trong cùng một mối quan hệ: người bán ở phía hàng hoá, người mua ở phía tiền tệ. Vì vậy, tiền tệ là phương tiện lưu thông, bao giờ cũng xuất hiện với tư cách là phương tiện để mua, vì vậy những sự khác nhau về công dụng của nó trong các giai đoạn đối lập nhau của sự biến đổi hình thái của hàng hoá, trở nên không thể nhận ra được.

Tiền chuyển sang tay người bán ngay trong cái hành vi hàng hoá chuyển sang tay người mua. Như vậy, hàng hoá và tiền vận động ngược chiều với nhau, và sự chuyển dịch đó, — sự chuyển dịch làm cho hàng hoá chuyển sang phía bên này, còn tiền chuyển sang phía bên kia, — diễn ra cùng một lúc lại không biết bao nhiêu là điểm trên toàn thể bề mặt của xã hội tư sản. Nhưng cái bước thứ nhất của hàng hóa trong lưu thông, đồng thời cũng là bước cuối cùng của nó7). Dù là nó thay đổi chỗ, do vàng bị nó hút đến (H – T) hay vì bản thân nó bị vàng hút đến (H – H) thì chỉ riêng một sự vận động đó, chỉ riêng một sự chuyển dịch đó, cũng đã làm cho hàng hoá rời khỏi lĩnh vực lưu thông để vào lĩnh vực tiêu dùng. Lưu thông là một sự vận động liên tục của hàng hóa, nhưng là những hàng hoá luôn luôn mới, và mỗi hàng hoá chỉ vận động một lần thôi. Mỗi hàng hóa đều bước vào nửa thứ hai của cuộc lưu thông của nó không phải dưới hình thái hàng hoá đó, mà dưới hình thái một hàng hoá khác, tức hình thái vàng. Như vậy, sự vận động của cái hàng hoá đã chuyển hoá hình thái rồi là sự vận động của vàng. Cũng một đồng tiền, hay cũng một khối vàng đó, đã một lần đổi chỗ với một hàng hóa trong hành vi H – T, thì bây giờ, ngược lại, chính nó lại biểu hiện ra là điểm xuất phát của T – H và như vậy, lại đổi chỗ một lần thứ hai, với một hàng hoá khác. Giống như trước đây nó đã chuyển từ tay người mua B sang tay người bán A, bây giờ nó lại chuyển từ tay A — hiện giờ đã trở thành người mua — sang tay C. Như vậy, sự vận động về mặt hình thái của một hàng hoá, sự chuyển hoá của hàng thành tiền và tiền trở lại thành hàng hoá, nói cách khác, sự vận động chuyển hoá hình thái toàn bộ của hàng hoá biểu hiện ra là sự vận động bề ngoài của cùng một đồng tiền đổi chỗ hai lần với hai hàng hoá khác nhau. Dù những việc mua và những việc bán diễn ra bên cạnh nhau một cách phân tán và ngẫu nhiên đến đâu chăng nữa, thì trong lưu thông thực tế, bao giờ người bán cũng đối diện với người mua, và đồng tiền thế chỗ cho hàng hoá đã bán đi, thì trước khi đến tay người mua, đã phải đổi chỗ một lần với một hàng hóa khác rồi. Mặt khác, sớm hay muộn nó cũng lại sẽ chuyển từ tay người bán đã trở thành người mua, sang tay một người bán khác, và do đổi chỗ nhiều lần mãi như thế, nên tiền biểu hiện sự liên kết của những sự chuyển hoá hình thái của hàng hoá. Như vậy là cũng những đồng tiền đó luôn luôn di chuyển — đồng này di chuyển nhiều hơn, đồng kia ít hơn — từ điểm này qua điểm khác của lưu thông theo một hướng ngược lại với hướng vận động của hàng hoá, vạch thành một đường vòng cung lưu thông hoặc dài hoặc ngắn. Những sự vận động khác nhau đó của cùng một đồng tiền chỉ có thể kế tiếp nhau trong thời gian, trong lúc đó thì ngược lại, tính chất nhiều và tính chất phân tán của các việc mua và bán lại thể hiện ra trong những sự thay đổi chỗ chỉ một lần, trong cùng một lúc, diễn ra cạnh nhau trong không gian, giữa hàng hóa và tiền.

Lưu thông hàng hoá H – T – H, dưới hình thái giản đơn của nó, diễn ra như sau: tiền chuyển từ tay người mua sang tay người bán; và từ tay người bán, bây giờ trở thành người mua, tiền lại chuyển sang tay người bán khác. Đến đây kết thúc sự chuyển hoá hình thái của hàng hoá và do đó cả sự vận động của tiền tệ, vì sự vận động của tiền tệ là biểu hiện của sự chuyển hoá hình thái nói trên. Nhưng vì những giá trị sử dụng mới phải luôn luôn được sản xuất ra với tư cách là hàng hoá, và do đó chúng luôn luôn được ném vào lưu thông, nên H – T – H cứ luôn luôn được những người sở hữu hàng hoá đó lắp lại và đổi mới. Tiền mà họ đã bỏ ra khi họ là người mua, bây giờ lại trở về tay họ khi họ lại xuất hiện với tư cách là người bán hàng hoá. Như vậy là sự lưu thông hàng hoá diễn đi diễn lại một cách không ngừng, được phản ánh trong việc tiền tệ không những luân chuyển không ngừng từ tay người này sang tay người khác trên toàn bộ bề mặt xã hội tư sản, mà đồng thời còn vạch cả một loạt những vòng tuần hoàn nhỏ khác nhau, xuất phát từ vô số điểm khác nhau rồi quay trở về cũng những điểm đó để lại bắt đầu sự vận động như thế.

Do sự biến đổi hình thái của các hàng hoá biểu hiện ra là một sự đơn thuần đổi chỗ của đồng tiền và do tính liên tục của sự vận động của lưu thông chỉ do đồng tiền biểu hiện ra mà thôi — vì hàng hoá bao giờ cũng chỉ bước có một bước theo hướng ngược lại với hướng của đồng tiền, còn đồng tiền thì bao giờ cũng bước bước thứ hai hộ cho hàng hoá và chỗ nào hàng hoá nói là A thì đồng tiền nói là B,— nên toàn bộ sự vận động hình như lấy tiền làm điểm xuất phát, dù rằng hàng hoá, khi bán đi, lôi cuốn tiền rời khỏi chỗ của nó, và do đó hàng hoá cũng làm cho tiền vận động chẳng khác gì tiền làm cho bản thân hàng hoá vận động trong hành vi mua. Hơn nữa, vì tiền bao giờ cũng đối diện với hàng hóa dưới hình thái phương tiện để mua, nhưng với tư cách là phương tiện để mua, tiền chỉ làm cho hàng hoá vận động bằng cách thực hiện giá cả của hàng hoá, — nên toàn bộ sự vận động của lưu thông biểu hiện ra như sau: tiền đổi chỗ với hàng hoá bằng cách thực hiện giá cả của hàng hoá trong nhiều hành vi riêng biệt của lưu thông được tiến hành hoặc cùng một lúc và song song với nhau, hoặc kế tiếp nhau, khi một đồng tiền lần lượt thực hiện giá cả của những hàng hoá khác nhau. Chẳng hạn, nếu xét H – T – H' – T – H'' – T – H''' v. v., mà không chú ý đến các mặt chất là những mặt không còn có thể nhận thấy được nữa trong quá trình lưu thông thực tế, thì chúng ta nhận thấy chỉ có một thao tác đơn điệu mà thôi. Sau khi đã thực hiện giá cả của H, T lần lượt thực hiện các giá cả của H' – H'' v. v. và các hàng hoá H' – H'' – H''' v. v. bao giờ cũng bước vào cái chỗ mà tiền đã rời bỏ. Vì vậy, hình như tiền đã làm cho hàng hoá lưu thông khi thực hiện giá cả của hàng hoá. Trong cái chức năng thực hiện giá cả đó, tiền lưu thông không ngừng, khi thì chỉ đổi chỗ thôi, khi thì chạy một cung lưu thông, khi thì vạch một vòng tuần hoàn nhỏ mà điểm xuất phát trùng với điểm hồi quy. Là phương tiện lưu thông, tiền có sự lưu thông riêng của nó. Cho nên sự vận động hình thái của những hàng hoá đang ở trong quá trình lưu thông, có vẻ như là một sự vận động riêng của tiền tệ là cái làm môi giới cho sự trao đổi giữa các hàng hoá vốn không có sự vận động. Vậy, sự vận động của quá trình lưu thông hàng hoá biểu hiện ra dưới dạng vận động của tiền tệ với tư cách là phương tiện lưu thông — dưới dạng lưu thông tiền tệ.

Nếu những người sở hữu hàng hóa coi các sản phẩm của lao động tư nhân của họ là những sản phẩm của lao động xã hội, khi họ chuyển hoá một vật — tức là vàng — thành một phương thức tồn tại trực tiếp của thời gian lao động chung, và do đó, thành tiền tệ, thì giờ đây, đối với họ sự vận động toàn diện của chính họ, — sự vận động mà nhờ đó họ đã làm cho sự trao đổi chất của lao động của họ có thể thực hiện được — lại biểu hiện ra thành sự vận động riêng có của vật đó, thành sự lưu thông của vàng. Đối với những người sở hữu hàng hoá, bản thân sự vận động xã hội, một mặt là một sự tất yếu ở bên ngoài, mặt khác, chỉ là một quá trình trung gian về mặt hình thức, quá trình này cho phép mỗi người có thể, với cái giá trị sử dụng mà họ đã ném vào lưu thông, rút ra được từ trong lưu thông những giá trị sử dụng khác có một lượng giá trị như thế. Giá trị sử dụng của hàng hóa bắt đầu từ lúc nó ra khỏi lưu thông, còn giá trị sử dụng của tiền tệ với tư cách là phương tiện lưu thông lại chính là sự lưu thông của nó. Sự vận động của hàng hóa trong lưu thông chỉ là một yếu tố nhất thời, trong lúc đó sự vận động không ngừng trong lưu thông lại trở thành chức năng của tiền tệ. Cái chức năng riêng có đó của tiền trong quá trình lưu thông khiến cho tiền, với tư cách là phương tiện lưu thông, có một tính quy định mới về hình thái mà giờ đây chúng ta cần phải nói đến một cách chi tiết hơn.

Trước hết, ai cũng thấy ngay rằng lưu thông tiền tệ là một sự vận động bị cắt nhỏ đến vô cùng tận, bởi vì trong sự vận động đó, ta thấy phản ánh tình hình quá trình lưu thông bị chia nhỏ thành vô số những việc mua và bán và các giai đoạn bổ sung lẫn nhau của sự chuyển hoá hình thái của hàng hoá muốn tách rời nhau như thế nào cũng được. Quả thật, trong những vòng luân chuyển nhỏ của tiền, trong đó điểm xuất phát và điểm hồi quy chập với nhau, chúng ta thấy có một sự vận động quay trở về, một sự vận động vòng tròn thật sự; nhưng có bao nhiêu hàng hoá thì có bấy nhiêu điểm xuất phát như vậy, và chỉ vì có rất nhiều điểm xuất phát không kể xiết, cho nên những vòng luân chuyển ấy vượt ra ngoài mọi sự kiểm soát, mọi sự đo lường và tính toán. Cái thời gian từ lúc rời điểm xuất phát đến lúc quay về điểm xuất phát cũng khó xác định được như thế. Cho nên trong một trường hợp nhất định nào đó, một vòng luân chuyển như thế có diễn ra hay không, điều đó cũng không quan trọng. Không có hiện tượng kinh tế nào quen thuộc hơn hiện tượng này: một người có thể là tay này bỏ tiền ra mà tay kia không thu về. Tiền từ vô số điểm khác nhau đi ra và quay trở về vô số điểm khác nhau; nhưng việc điểm xuất phát trùng với điểm hồi quy là một việc ngẫu nhiên, vì trong sự vận động H – T – H không đòi hỏi điều kiện là nhất định người mua cứ phải trở lại thành người bán. Nhưng lưu thông tiền tệ lại càng mang ít khả năng biểu hiện một sự vận động đi từ một trung tâm toả ra khắp các điểm ở ngoại vi, rồi lại từ tất cả các điểm ở ngoại vi quay trở về trung tâm đó. Cái mà người ta gọi là vòng tuần hoàn của tiền tệ, như chúng ta vẫn tưởng tượng một cách láng máng, chung quy là: ở tất cả mọi điểm người ta đều thấy tiền tệ hiện ra rồi biến đi, tiền tệ chuyển dịch không ngừng. Ở một hình thái lưu thông tiền tệ trung gian cao hơn, chẳng hạn như lưu thông giấy bạc ngân hàng, thì chúng ta sẽ thấy rằng, những điều kiện phát hành tiền tệ đã bao gồm những điều kiện tiền quay trở về. Trái lại, trong lưu thông tiền tệ giản đơn, thì việc chính người mua lại trở thành người bán chỉ là một việc ngẫu nhiên. Ở nơi nào mà trong lưu thông tiền tệ giản đơn có những vòng tuần hoàn thật sự biểu hiện ra một cách thường xuyên, thì những vòng tuần hoàn ấy chỉ là sự phản ánh của những quá trình sản xuất sâu sắc hơn. Thí dụ, hôm thứ sáu, người chủ xưởng nhận tiền của chủ ngân hàng, thứ bảy anh ta dùng tiền ấy trả công cho công nhân; công nhân lại trả ngay một phần lớn số tiền đó cho các chủ hiệu tạp hoá v. v. rồi thứ hai chủ hiệu tạp hoá lại đem tiền trả lại cho chủ ngân hàng.

Chúng ta đã thấy rằng, trong những việc mua và bán được tiến hành trong không gian một cách xen kẽ với nhau và song song với nhau, tiền thực hiện cùng một lúc một số lượng nhất định về giá cả và chỉ đổi chỗ với hàng hoá có một lần mà thôi. Nhưng mặt khác, vì sự vận động của toàn bộ những chuyển hoá hình thái của các hàng hoá và sự nối tiếp liên tục của những chuyển hoá hình thái ấy biểu hiện trong sự vận động của tiền tệ, nên cũng những đồng tiền ấy lại thực hiện những giá cả của nhiều hàng hoá khác nhau và do đó quay một số vòng nào đó. Nếu chúng ta xét quá trình lưu thông ở một nước nào đó trong một khoảng thời gian nhất định, một ngày chẳng hạn, thì chúng ta sẽ thấy rằng số lượng vàng cần thiết để thực hiện các giá cả, và do đó, để lưu thông hàng hoá, là do hai nhân tố quyết định; một mặt, do tổng số các giá cả ấy, mặt khác, do số bình quân những vòng mà những đồng tiền đó đã quay. Số những vòng đó — hay tốc độ lưu thông của tiền tệ — lại được quyết định bởi (hay nó chỉ biểu hiện) tốc độ bình quân mà các hàng hóa trải qua các giai đoạn chuyển hoá hình thái của chúng, tốc độ bình quân mà những chuyển hoá hình thái ấy nối tiếp với nhau như những khâu của một cái xích, tốc độ bình quân mà các hàng hoá đã trải qua các quá trình chuyển hoá hình thái của chúng, được thay thế trong quá trình lưu thông bằng những hàng hoá mới. Cho nên, nếu như trong quá trình xác định giá cả, giá trị trao đổi của tất cả mọi hàng hóa đều được chuyển hóa trên ý niệm thành một số lượng vàng có một lượng giá trị ngang như thế, và nếu như trong cả hai hành vi riêng lẻ của lưu thông là T – H và H – T, cũng một tổng số giá trị ấy lại tồn tại dưới hai hình thái: một mặt là hàng hoá, và mặt khác là vàng, — thì như vậy phương thức tồn tại của vàng là phương tiện lưu thông được quyết định không phải bởi mối quan hệ riêng lẻ của nó với các hàng hoá cá biệt ở trạng thái tĩnh, mà bởi phương thức tồn tại ở trạng thái động của nó trong thế giới hàng hoá đang vận động; phương thức tồn tại của vàng làm phương tiện lưu thông được quyết định bởi chức năng của vàng là biểu hiện sự thay đổi hình thái của hàng hoá bằng sự đổi chỗ của vàng, do đó biểu hiện tốc độ mau thay đổi hình thái của hàng hoá bằng tốc độ đổi chỗ của vàng. Như vậy, sự có mặt thực tế của vàng trong quá trình lưu thông, nghĩa là cái khối lượng vàng thực tế đang lưu thông là do phương thức tồn tại chức năng của vàng trong bản thân tổng quá trình quyết định.

Tiền đề của lưu thông tiền tệ là lưu thông hàng hoá, cụ thể là: tiền tệ làm cho hàng hoá lưu thông, những hàng hoá này đã có giá cả rồi, nghĩa là trên ý niệm hàng hoá đã được sánh ngang với những số lượng vàng nhất định. Khi quy định giá cả của bản thân hàng hoá, thì lượng giá trị của số lượng vàng dùng làm đơn vị đo lường, hay là giá trị của vàng, cũng đã được giả định là đã biết trước rồi. Khi đã giả định như thế rồi, thì số lượng vàng cần thiết cho lưu thông trước hết do tổng số giá cả hàng hoá cần được thực hiện quyết định. Nhưng tổng số giá cả này lại được quyết định: 1) bởi mức giá cả, tức là cái mức tương đối cao hay thấp của giá trị trao đổi của hàng hoá tính bằng vàng, và 2) bởi khối lượng hàng hoá đang lưu thông theo những giá cả nhất định, tức là bởi tổng số những việc mua và những việc bán theo những giá cả nhất định8). Nếu một quác-tơ [quarter B. T.] lúa mì giá 60 si-linh [shilling — B. T.], thì muốn lưu thông số lúa mì đó, hay muốn thực hiện giá cả của số lúa mì đó, người ta phải cần đến một số vàng nhiều gấp hai lần khi giá lúa mì chỉ có 30 si-linh. Muốn lưu thông 500 quác-tơ lúa mì theo giá 60 si-linh, thì phải cần đến một số vàng nhiều hơn gấp hai lần khi lưu thông 250 quác-tơ cũng theo giá như thế. Sau hết, muốn lưu thông 10 quác-tơ lúa mì theo giá 100 si-linh, thì chỉ cần đến một số vàng nhỏ hơn gấp hai lần khi lưu thông 40 quác-tơ lúa mì theo giá 50 si-linh. Do dó, thấy rằng số vàng cần thiết để lưu thông hàng hoá có thể giảm xuống mặc dù giá cả tăng lên, nếu như khối lượng hàng hoá nằm trong lưu thông giảm xuống theo một tỷ lệ lớn hơn tỷ lệ tăng lên của tổng số giá cả; và ngược lại, khối lượng phương tiện lưu thông có thể tăng lên, nếu khối lượng hàng hoá nằm trong lưu thông giảm xuống, nhưng tổng số giá cả của chúng lại tăng lên với một tỷ lệ lớn hơn. Chẳng hạn, những công trình nghiên cứu tỉ mỉ và tuyệt vời của người Anh đã chứng minh rằng: Ở Anh, trong những thời kỳ đầu giá ngũ cốc mới tăng lên, thì khối lượng tiền lưu thông tăng lên, vì tổng số giá cả của cái khối lượng ngũ cốc đã giảm xuống, giờ đây lại lớn hơn là tổng số giá cả trước đây của cái khối lượng lớn hơn hiện nay: nhưng đồng thời sự lưu thông của khối lượng các hàng hoá khác vẫn không bị ảnh hưởng trong một thời gian nhất định, theo những giá cả như cũ. Trái lại, ở thời kỳ sau, thì khối lượng tiền lưu thông giảm xuống, hoặc vì ngoài ngũ cốc ra, thì những hàng hoá khác bán theo giá cả cũ bây giờ ít đi; hoặc vì bây giờ người ta vẫn bán một số lượng hàng hoá như trước, nhưng theo giá hạ hơn.

Nhưng, như chúng ta đã thấy, số lượng tiền lưu thông không phải chỉ do tổng số giá cả hàng hoá cần được thực hiện quyết định, mà còn do tốc dộ lưu thông của tiền tệ quyết định, hay nói cách khác, còn do khoảng thời gian trong đó tiền tệ hoàn thành việc thực hiện giá cả đó, quyết định. Nếu một đồng xu-vơ-ranh [sovereign — B. T.] đã mua được 10 lần trong cùng một ngày, — mỗi hàng hoá mua theo giá một xu-vơ-ranh, — thì như vậy nó đã đổi tay 10 lần nó đã làm được đúng cái công việc của 10 xu-vơ-ranh trong đó mỗi xu-vơ-ranh chỉ lưu thông có một lần trong một ngày9). Như vậy tốc độ luân chuyển của vàng có thể bù cho số lượng của nó, hay là phương thức tồn tại của vàng trong quá trình lưu thông, không chỉ được quyết định bởi phương thức tồn tại của nó với tư cách là vật ngang giá ở bên cạnh hàng hoá, mà còn bởi phương thức tồn tại của nó ở trong lòng sự vận động chuyển hoá hình thái của hàng hoá. Tuy nhiên, tốc độ lưu thông của tiền tệ chỉ bù cho số lượng của nó tới một giới hạn nào đó thôi, bởi vì trong mỗi một lúc nhất định, thì những việc mua và bán, vốn phân tán một cách vô cùng tận, đều được tiến hành song song trong không gian.

Nếu tổng số giá cả các hàng hoá trong lưu thông tăng lên, nhưng tăng lên theo một tỷ lệ thấp hơn là tỷ lệ tăng lên của tốc độ luân chuyển của tiền, thì khối lượng phương tiện lưu thông giảm xuống. Ngược lại, nếu tốc độ luân chuyển giảm xuống với một tỷ lệ lớn hơn tỷ lệ giảm xuống của tổng số giá cả của khối lượng hàng hoá đang nằm trong lưu thông, thì khối lượng phương tiện lưu thông tăng lên. Số lượng phương tiện lưu thông tăng lên trong khi giá cả giảm xuống một cách phổ biến hay số lượng phương tiện lưu thông giảm xuống trong lúc giá cả tăng lên một cách phổ biến, — đó là một trong những hiện tượng đã được xác định một cách rõ nhất trong lịch sử giá cả của hàng hoá. Nhưng những nguyên nhân khiến cho mức giá cả tăng lên và đồng thời khiến cho tốc độ luân chuyển của tiền tệ tăng lên với tỷ lệ còn lớn hơn nữa, cũng như sự vận động ngược lại, — không nằm trong phạm vi nghiên cứu về lưu thông giản đơn. Để thí dụ, ta có thể nêu rằng đặc biệt trong những thời kỳ tín dụng phồn thịnh, tốc độ luân chuyển của tiền tệ tăng nhanh hơn giá cả hàng hoá; còn như khi tín dụng giảm đi, thì giá cả các hàng hoá giảm xuống chậm hơn tốc độ lưu thông. Tính chất bề ngoài và hình thức của sự lưu thông tiền tệ giản đơn bộc lộ chính ngay ở sự việc là: tất cả các nhân tố quyết định số lượng của phương tiện lưu thông như: khối lượng hàng hoá đang lưu thông, giá cả, sự tăng lên hay hạ xuống của giá cả, số lượng những việc mua và bán tiến hành cùng một lúc, tốc độ luân chuyển của tiền tệ, — đều tùy thuộc vào quá trình chuyển hoá hình thái của thế giới hàng hoá; quá trình này lại tuỳ thuộc vào tính chất chung của phương thức sản xuất, vào dân số, vào mối quan hệ giữa thành thị và nông thôn, vào sự phát triển của phương tiện vận tải, vào trình độ phân công lao động cao hay thấp, vào tín dụng v. v. — tóm lại, vào những hoàn cảnh nằm ở ngoài sự lưu thông tiền tệ giản đơn và chỉ phản ánh sự lưu thông đó mà thôi.

Như vậy, với một tốc độ lưu thông nhất định, thì khối lượng phương tiện lưu thông chỉ do giá cả của hàng hoá quyết định. Cho nên giá cả cao hay hạ, không phải vì trong lưu thông có một lượng tiền nhiều hay ít, mà trái lại trong lưu thông có một lượng tiền nhiều hay ít là vì giá cả cao hay hạ. Đó là một trong những quy luật kinh tế quan trọng nhất, và có lẽ thành tích duy nhất của phái kinh tế chính trị học Anh sau Ricardo là đã lấy lịch sử giá cả hàng hóa để chứng minh điều đó một cách chi tiết. Nếu kinh nghiệm chỉ ra rằng, trong một nước nào đó, mức lưu thông tiền kim khí, hay khối lượng vàng hay bạc trong lưu thông, tuy có những sự lên xuống nhất thời, đôi khi có những hiện tượng dồn vào hay rút ra rất mạnh10), nhưng nếu xét trên những thời gian khá dài, thì khối lượng đó vẫn như thế, và những sự chênh lệch với mức trung bình chỉ là những biến động rất nhỏ, — thì hiện tượng đó chỉ là do tính chất mâu thuẫn của những điều kiện quyết định khối lượng tiền tệ trong lưu thông gây nên mà thôi. Sự biến đổi song song của những điều kiện đó triệt tiêu ảnh hưởng của chúng và khiến cho sự vật giữ nguyên tình trạng cũ.

Quy luật: với một tốc độ luân chuyển của tiền tệ và tổng số giá cả các hàng hoá nhất định, thì số lượng phương tiện lưu thông là một đại lượng xác định, - quy luật đó còn có thể nêu như sau: khi giá trị trao đổi của hàng hoá và tốc độ trung bình của những sự chuyển hoá hình thái của chúng là những số xác định, thì số lượng vàng lưu thông do giá trị của bản thân nó quyết định. Vì vậy, nếu giá trị của vàng — nghĩa là thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra vàng — tăng lên hay giảm xuống, thì giá cả hàng hóa sẽ lên hay xuống theo tỷ lệ ngược lại, và trong khi tốc độ lưu thông vẫn y nguyên như cũ, thì tương ứng với việc các giá cả tăng lên hay giảm xuống một cách phổ biến như thế, khối lượng vàng cần thiết để lưu thông cùng một khối lượng hàng hoá như thế cũng sẽ tăng lên hay giảm xuống. Nếu thước đo giá trị cũ được thay thế bằng một kim loại khác có giá trị cao hơn hay thấp hơn, thì cũng sẽ xảy ra sự thay đổi như trên. Ví dụ, khi Hà Lan vì ân cần quan tâm đến các chủ nợ của nhà nước và vì sợ những hậu quả của việc phát hiện ra các mỏ vàng ở California và ở Australia, nên đã thay tiền vàng bằng tiền bạc, thì lúc đó nó đã phải cần một số bạc nhiều gấp 14, 15 lần số vàng mà trước kia nó phải cần đến để lưu thông cũng một khối lượng hàng hoá như thế.

Vì số lượng vàng lưu thông tùy thuộc vào tổng số giá cả luôn luôn biến đổi của các hàng hoá và vào tốc độ lưu thông luôn luôn biến đổi cho nên khối lượng phương tiện lưu thông bằng tiền kim khí phải có khả năng rút bớt hay tăng thêm, nghĩa là tuỳ theo nhu cầu của quá trình lưu thông mà vàng phải, khi thì đi vào quá trình đó với tư cách là phương tiện lưu thông, khi thì rút ra khỏi quá trình đó. Quá trình lưu thông, tự nó thực hiện những điều kiện ấy như thế nào, sau đây chúng ta sẽ thấy.


*Chú thích:

1. Chú thích thuộc chính văn

1) "Có hai thứ tiền tệ, tiền tệ trên ý niệm và tiền tệ thực tế; và tiền tệ được dùng theo hai cách: để đánh giá các vật và để mua các vật. Dùng để đánh giá, thì thứ tiền tệ trên ý niệm cũng thích dụng như tiền tệ thực tế vậy và có lẽ còn thích dụng hơn nữa… Cách sử dụng nữa của tiền tệ là để mua những vật mà nó đã đánh giá... Các giá cả được xác định và các khế ước được ký kết trên cơ sở tiền tệ trên ý niệm, và đều thực hiện bằng tiền thực tế". (Galiani, Sách đã dẫn [Galiani, "Della Moneta", vol. III, trong "Scrittori classici italiani di economia politica" (do Custodi xuất bản), Parte Moderna, Milano, 1803 (Galiani, "Về tiền tệ", trong Văn tập Custodi, "Các nhà kinh tế chính trị học cổ điển Ý. Các nhà kinh tế học hiện nay", t. III, Milan, 1803) B. T.], tr. 112 và tiếp theo).

2) Đương nhiên, không phải vì thế mà giá cả thị trường của các hàng hóa không thể cao hơn hay thấp hơn giá trị của chúng. Nhưng nhận xét đó không dính dáng đến lưu thông giản đơn và thuộc về một lĩnh vực hoàn toàn khác lĩnh vực sau này chúng ta sẽ xét đến khi nghiên cứu mối quan hệ giữa giá trị và giá cả thị trường.

3) Đoạn văn bản sau đây, trích trong cuốn "Lecons sur l'industrie et les finances", Paris, 1832 ["Những bài giảng về công nghiệp và tài chính", Paris, 1832] của ông Isaac Pereire cho ta thấy rằng ngay cả cái hình thức rất hời hợt của tính đối kháng biểu hiện trong việc mua bán cũng đã làm cho những con người có tâm hồn cao thượng bị tổn thương sâu sắc biết chừng nào. Với cương vị là người sáng lập ra "Crédit Mobilier"[1] và là người nắm mọi quyền hành định đoạt trong nhà tín dụng ấy, chính ông Isaac này đã mang cái tiếng đáng buồn là con cáo già của Sở giao dịch Paris, sự việc đó cũng cho ta thấy rằng lời phê bình kinh tế chính trị học một cách đầy tình cảm của ông có một ý nghĩa như thế nào. Ông Pereire, lúc đó là đồ đệ của Saint Simon, đã nói: "Vì mọi người, trong lao động của họ, hay trong sự tiêu dùng của họ, đều sống riêng rẽ, cách biệt nhau, nên giữa họ với nhau có sự trao đổi sản phẩm do mỗi người làm ra. Từ sự cần thiết phải trao đổi đẻ ra sự cần thiết phải quy định giá trị tương đối của các vật phẩm. Cho nên ý niệm giá trị và ý niệm trao đổi gắn liền với nhau, và trong cái hình thức thực tế của chúng, hai ý niệm đó biểu hiện chủ nghĩa cá nhân và tính đối kháng... Chỉ vì có việc mua bán, nói cách khác, chỉ vì có đối kháng giữa các thành viên khác nhau của xã hội, nên mới cần phải xác định giá trị của các sản phẩm. Chỉ ở đâu có việc mua bán, nghĩa là chỉ ở đâu mỗi cá nhân phải đấu tranh để có được những vật cần thiết cho việc duy trì sự sống của mình, thì ở đó mới cần phải quan tâm đến giá cả, đến giá trị" (Sách đã dẫn ["Lecons sur l'industrie et les finances", Paris, 1832 B. T.], tr. 2, 3 và những trang tiếp theo).

4) "Tiền tệ chỉ là phương tiện và phương thức, trong lúc đó các hàng hóa có ích cho đời sống lại là mục đích cuối cùng." (Boisguillebert, Thương nghiệp bán lẻ của nước Pháp [Le déteil de la France B. T.], 1697, trong cuốn "Các nhà kinh tế học tài chính của thế kỷ XVIII" ["Economistes financiers du XVIIIe siècle" B. T.] của Eugene Daires, q. I, Paris, 1843, tr. 210).

5) Hồi tháng Mười một 1807, ở Anh, ta thấy xuất bản một tác phẩm của William Spence nhan đề là "Britain independent of commerce" ["Nước Anh không phụ thuộc vào thương nghiệp"], mà tư tưởng chủ yếu đã được William Cobbett, trong "Political register" ["Tạp chí chính trị"], phát triển dưới một tên gọi kịch liệt hơn; "Perish commerce" ["Đả đảo thương nghiệp"]. Để đáp lại, năm 1808, James Mill đã xuất bản cuốn "Defence of Commerce"[2] ["Bảo vệ thương nghiệp"] trong đó đã có nêu cái lý lẽ trình bày trên đây mà chúng tôi đã trích trong cuốn "Elements of Political Economy" ["Nguyên lý kinh tế chính trị học"] của ông J. B. Say, khi bút chiến với Sismondi và Malthus, về các cuộc khủng hoảng thương nghiệp, đã vớ ngay lấy cái biện pháp thông minh đó; và vì không thể nói được rằng "prince de la science" ["ông hoàng khoa học"] đáng tức cười này đã làm cho khoa kinh tế chính trị học giàu thêm được một tư tưởng gì mới, cho nên những kẻ sùng bái ông ta ở trên lục địa đã ầm ĩ ca tụng ông ta là người đã tìm được cái kho tàng quý báu là thuyết thăng bằng siêu hình giữa mua và bán; nhưng công lao của ông chỉ là cái tính chất cũng vô tư như nhau khi ông xuyên tạc những người đương thời của ông: Malthus, Sismondi và Ricardo.

6) Những thí dụ sau đây giúp chúng ta thấy được các nhà kinh tế học đã biểu hiện các tính quy định khác nhau về mặt hình thức của hàng hóa như thế nào:

"Có tiền trong tay, chúng ta chỉ cần làm một việc trao đổi là có được cái vật mà chúng ta muốn có; còn như các sản phẩm thừa khác trong tay, thì chúng ta phải làm hai việc trao đổi, mà việc trao đổi thứ nhất (để có tiền) thì vô cùng khó khăn hơn việc trao đổi thứ hai." (G. Opdyke, "A treatise on political economy", New York, 1851, p. 287-288 [G. Opdyke, "Bàn về kinh tế chính trị học", New York, 1851, tr. 287-288]).

"Nếu tiền tệ có thể dễ bán hơn, thì đó chính là kết quả trực tiếp hay hậu quả tự nhiên của sự thật là hàng hóa khó bán hơn." (Thomas Corbet, "An inquiry into the causes and modes of the Wealth of individuals etc", London, 1841, p. 117. [Thomas Corbet, "Nghiên cứu về những nguyên nhân và hình thái của cải của cá nhân, v. v..", London, 1841, tr.117].

"Tiền có khả năng là bao giờ cũng có thể đổi được lấy cái mà nó đo." (Bosanquet, "Metallic, paper and credit currency etc", London, 1842, p. 100 [Bosanquet, "Tiền kim khí, tiền giấy và tiền tín dụng, v. v..", London, 1842, tr. 100]).

"Tiền bao giờ cũng có thể mua được các hàng hóa khác, còn các hàng hóa khác thì không phải bao giờ cũng có thể mua được tiền." (Thomas Tooke, "An Inquiry into the currency principle", 2 ed., London, 1844, p. 10 [Thomas Tooke, "Nghiên cứu về nguyên tắc lưu thông tiền tệ", xuất bản lần thứ 2, London, 1841, tr. 10]).

7) Cùng một hàng hoá có thể được mua đi bán lại nhiều lần. Như vậy, nó lưu thông không phải với tư cách là một hàng hoá đơn thuần, mà nó lưu thông trong một tính quy định còn chưa có nếu xét trên góc độ phương tiện lưu thông giản đơn, về phương diện sự đối lập đơn thuần giữa hàng hóa và tiền.

8) Khối lượng tiền không quan trọng, "miễn sao có đủ tiền để duy trì giá cả thích ứng với các hàng hoá" (Boisguillebert, Sách đã dẫn ["Le détail de la France", 1697, Nhà xuất bản Eugène Daire, "Economistes financiers du XVIII siecle", Paris, 1843, vol. I ("Thương nghiệp bán lẻ của nước Pháp", 1697, Nhà xuất bản Eugène Daire: "Các nhà kinh tế tài chính thế kỷ XVIII", Paris, 1842, t. 1) B. T.], tr. 209). "Nếu việc lưu thông 400tr. pao xtéc-linh hàng hoá đòi hỏi phải có một khối lượng vàng là 40tr. pao, và nếu tỷ lệ 1/10 này là cái mức phù hợp, thì trong trường hợp đó, nếu vì những nguyên nhân tự nhiên mà giá trị của hàng hoá trong lưu thông tăng lên đến 450tr., thì khối lượng vàng tất phải tăng lên đến 45tr. để có thể giữ vững được cái mức phù hợp đó." (W. Blake, "Observations on the effects, produced by the expenditure of government, etc", London, 1823, p. 80 [W. Blake, "Bàn về ảnh hưởng của việc chi tiêu của chính phủ, v. v.", London, 1823, tr. 80]).

9) "Chính tốc độ luân chuyển của tiền, chứ không phải số lượng kim khí, làm cho người ta có cảm tưởng là có nhiều hay có ít tiền." (Galiani, Sách đã dẫn [Galiani, "Della Moneta", vol. III, trong "Scrittori classici italiani di economia politica" (do Custodi xuất bản), Parte Moderna, Milano, 1803 (Galiani, "Về tiền tệ", trong Văn tập Custodi, "Các nhà kinh tế chính trị học cổ điển Ý. Các nhà kinh tế học hiện nay", t. III, Milan, 1803) B. T.], tr. 99).

10) Nước Anh, hồi năm 1858, đã cho ta một thí dụ về sự giảm sút phi thường của khối lượng tiền kim khí trong lưu thông xuống dưới mức trung bình, như ta sẽ thấy qua đoạn trích dưới đây trong tờ "Economist"[3] ở London "Do ngay bản chất của hiện tượng" (tức là tính chất xé nhỏ của lưu thông giản đơn) "nên không thể xác định chính xác số lượng tiền mặt nằm trong lưu thông trên thị trường và trong tay các giai cấp không dính dáng với ngân hàng. Nhưng có lẽ sự hoạt động hay không hoạt động của các sở đúc tiền của các nước buôn bán lớn là một trong những dấu hiệu đáng tin cậy nhất chứng tỏ những sự lên xuống của số lượng tiền đó. Người ta sẽ đúc ra nhiều tiền khi cần đến nhiều tiền, và sẽ đúc ra ít tiền khi chỉ cần đến ít tiền... Ở Sở đúc tiền ở Anh số tiền đúc ra hồi năm 1855 là 9245000 p.xt; năm 1856 là 6476000 p.xt; năm 1857 là 5293858 p.xt; Năm 1858, Sở đúc tiền hầu như chả có công việc gì để làm cả." ("Economist" ngày 10 tháng Bảy 1858). Đồng thời trong hầm của Ngân hàng có chừng 18 triệu pao xtéc-linh vàng.

2. Chú thích không thuộc chính văn

[1] Ý nói đến "Société générale du Crédit Mobilier" công ty cổ phần lớn ở Pháp do anh em Pereire lập ra vào năm 1852 và được hợp pháp hóa bằng sắc lệnh ngày 18 tháng Mười một 1852. Mục đích cơ bản của Crédit Mobilier là làm môi giới trong lĩnh vực tín dụng và tham gia việc thành lập những xí nghiệp công nghiệp và các xí nghiệp khác. Công ty đã tham gia rộng khắp vào công việc xây dựng đường sắt ở Pháp, Áo, Hungary, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, và ở Nga. Nguồn thu nhập chính của công ty là đầu cơ trên thị trường chứng khoán. Crédit Mobilier đã dùng những khoản tiền có được do phát hành những cổ phiếu của nó chỉ được bảo đảm bằng những chứng phiếu của các xí nghiệp khác mà nó có trong tay để mua vét những cổ phần của các công ty khác nhau được bảo đảm bằng giá trị tài sản của những công ty đó. Như vậy là cùng một tài sản thực ấy thôi đã đẻ ra một tư bản giả gấp đôi. Crédit Mobilier gắn rất chặt với chính phủ của Napoleon III và được sự bảo trợ của chính phủ đó. Vào năm 1867 công ty bị phá sản và đến năm 1871 thì bị tan vỡ. Việc xuất hiện Crédit Mobilier vào những năm 50 của thế kỷ XIX, với tư cách là xí nghiệp tài chính kiểu mới, là do những đặc điểm đặc thù của thời kỳ thế lực phản động hoành hành, thời kỳ đó được đặc trưng bởi sự đầu cơ và buôn bán chứng khoán trên thị trường chứng khoán diễn ra hết sức điên loạn. Theo hình mẫu của Crédit Mobilier ở Pháp, nhiều tổ chức tương tự được thành lập ở một loạt nước ở Trung Âu. Mác đã vạch trần thực chất của Crédit Mobilier trong nhiều bài của ông đăng trên báo "New-York Daily Tribune" (xem Karl Marx và Frederick Engels: Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1993, t. 12, tr. 31-52, 257-266, 368-372, v. v.).

[2] Ý nói đến cuốn sách: J. Mill, "Commerce defended. An Answer to the Arguments by which Mr. Spence, Mr. Cobbett, and others, have attempted to prove that Commerce is not a source of National Wealth", London, 1808 (J. Mill, "Bảo hộ thương nghiệp. Trả lời những luận cứ mà ông Spence, ông Cobbett và những người khác dựa vào đó để chứng minh rằng thương nghiệp không phải là nguồn gốc tạo ra của cải quốc dân", London, 1808).

[3] "The Economist" ("Nhà kinh tế học") — tạp chí ra hàng tuần của Anh về các vấn đề kinh tế và chính trị, xuất bản ở Luân Đôn từ năm 1843; là cơ quan của giai cấp đại tư sản công nghiệp

Join us

If you want more information about joining the IMT, fill in this form. We will get back to you as soon as possible.