Marxism, Socialism and the New Millenium (in Vietnamese)

This is the Vietnamese version of Marxism, Socialism and the New Millenium, Ted Grant and Rob Sewell, January 2000

"ít nhất, những căng thẳng này có thể gây nên sự sụp đổ về tài chính và tiếp theo sẽ là sự sụp đổ tiền tệ và thị trường chứng khoán; tồi tệ nhất, như chúng ta đã từng chứng kiến trong thế kỷ qua, hậu quả là chiến tranh và hỗn loạn"

Xã luận trên tờ The Observer (Người Quan Sát), 2/1/00

"Sứ mệnh lịch sử của thời đại chúng ta là thay thế, rèn luyện lực lượng sản xuất, buộc họ phải cùng nhau làm việc trong sự hoà hợp và đáp ứng một cách phục tùng nhu cầu của nhân loại. Chỉ trên nền tảng của xã hội mới này con người mới có thể vươn rộng cánh tay và - mọi người, không phải chỉ một số ít những người được lựa chọn - sẽ trở thành một công dân với đầy đủ sức mạnh lý trí.

"Nhưng đây cha phải là cái đích cuối cùng. Không, đây mới chỉ là điểm xuất phát."

Leon Trotsky *.

 

Bước vào bình minh của một thiên niên kỷ mới, trước mắt chúng ta là cả tiềm năng về một viễn cảnh của những tiến bộ nhân loại hay là những tai hoạ kinh hoàng và khủng khiếp nhất. Tiềm năng của nhân loại, với những công nghệ mới đang mở ra, cho phép chúng ta xây dựng một xã hội không có giai cấp dựa trên sự hợp tác, hài hoà và sung túc. Chúng ta đã có thể có một thiên đường thực sự trên trái đất này, một thiên đường mà những thế hệ trước đây chỉ giám mơ ước đến. Với những tiềm năng thừa hưởng từ lực lượng sản xuất đã được tích luỹ hơn 300 năm qua, thì điều này không hề là Không tưởng hay chỉ là một sự hình dung đầy hoài nghi. Thế nhưng, hàng rào cản trở kết cục này - hệ thống tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ tư hữu và nhà nước dân tộc - vẫn còn chặn đứng trước con đường của chúng ta. Nếu cho phép nó tiếp tục, thì sẽ là sự suy sụp về kinh tế, sự hỗn loạn và những cuộc chiến tranh cục bộ kinh hoàng, như ở Nam Tư cũ.

Suốt thế kỷ qua, giai cấp công nhân đã liên tiếp đứng lên đấu tranh để cải biến xã hội, đặc biệt là sau cuộc đấu tranh anh dũng của giai cấp công nhân Nga Tháng Mười, 1917. Mặc dù chủ nghĩa anh hùng của quần chúng nhân dân đã đủ để tiến hành cải tạo lại xã hội nhiều lần, nhưng những cố gắng của họ đã kết thúc trong thất bại. Nguyên nhân cơ bản của thất bại này là sự thất bại của giới lãnh đạo trong những tổ chức cũ nát.

Những chương trình, chiến lược, sách lược và học thuyết để xoá bỏ chủ nghĩa tư bản nằm trong kho tàng vô giá chứa đựng những tác phẩm của Marx, Engels, Lenin và Trotsky. Thế nhưng đối với những kẻ cải cách và giới lãnh đạo theo Stalin trong những tổ chức của công nhân, những tư tưởng này đã - và vẫn đang - là một cuốn sách bị niêm phong. Hậu quả là, tiếp theo cuộc cách mạng Nga, những sự kiện cách mạng ở Đức, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Pháp, cũng như những cuộc cách mạng khác trong thời kỳ sau chiến tranh, đã bị phá hoại và bị phản bội bởi cả những kẻ cải cách và những kẻ theo đường lối Stalin.

Chủ nghĩa tư bản đã từng bị lật đổ ở Đông Âu và Trung Quốc, mặc dù dựa trên hình thức quốc hữu, những chế độ mới xuất hiện lại được hình thành trong sự tưởng tượng của bọn cực quyền Stalin Nga. Những chế độ này, không hề có dân chủ cho giai cấp công nhân - mà dân chủ cho giai cấp công nhân lại là một điều kiện tiên quyết để tiến lên chủ nghĩa xã hội - đã kết thúc bởi sự bế tắc vì quan liêu và tiến đến cuộc phản - cách mạng khôi phục chủ nghĩa tư bản. Như Trotsky đã tiên đoán một cách tài tình, bộ máy quan liêu Stalin cuối cùng sẽ tìm cách bảo vệ quyền lực và đặc quyền của nó bằng cách khôi phục lại chủ nghĩa tư bản.

Toàn cầu hoá

Bước vào một thế kỷ mới và một thiên niên kỷ mới, chủ nghĩa tư bản đã từng phần vượt qua những khủng hoảng cơ bản của nó mà đã được Marx giải thích. Hệ thống tư bản có thể làm được điều này là do phát triển một thị trường thế giới - cái gọi là "toàn cầu hoá" - nhưng với cái giá là càng nhiều mâu thuẫn mới và sâu sắc hơn. Toàn cầu hoá có nghĩa là định mệnh của các quốc gia gắn chặt lại với nhau hơn bao giờ hết. "Các nền kinh tế càng phụ thuộc lẫn nhau hơn như một kết qủa của những luồng tài chính và thương mại khổng lồ" tờ The Observer(2/1/00). Đặc biệt là những lĩnh vực công nghiệp mới có liên quan đến công nghệ thông tin, vốn đã làm gia tăng cuộc khủng hoảng về dư thừa sản phẩm giờ đây đang tác động đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Như đã được dự đoán 150 năm trước trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, chủ nghĩa tư bản đã đạt tới mức độ tích tụ và tập trung tư bản chưa từng thấy. "Nếu tính tổng tư bản thị trường của chỉ 5 cổ phiếu - Microsoft, Dell, Intel, Cisco and SBC Communications - ta sẽ được một con số giá trị hơn cả sản xuất hàng năm của Vương quốc Liên hiệp Anh. Nói cách khác, nó tương đương với nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới. Riêng Microsoft có thể là một nền kinh tế đứng thứ 11 trên thế giới", tờ The Guardian (tờ Người Bảo vệ)( 20/ 12/ 99).

Khủng hoảng ở một nước sẽ có hậu quả gián tiếp đến toàn bộ thế giới. Cuộc khủng hoảng tại châu A' nhanh chóng lan sang Nga rồi tới Mỹ La tinh. Mặc cho những phấn khích trống rỗng về một kiểu mẫu kinh tế mới, cuộc khủng hoảng này còn lâu mới kết thúc.

Giá trị cổ phiếu trong các nghành công nghiệp thuộc công nghệ cao đã vọt tới tận mây xanh, nơi thậm chí chúng vẫn còn tìm kiếm từng xu lợi nhuận. Trong vòng ba tháng cổ phiếu của Colt tăng 125%, của Logical là 100%, của Sema là 54%. Sự điên cuồng trong đầu cơ này đã tạo ra bong bóng giống trong thị trường chứng khoán (TTCK) cổ điển - nhất định sẽ vỡ tung trong thời gian tới.

Tờ The Guardian phân tích tiếp "Wall Street và City có vẻ như vững chắc nhất, với các chỉ số Dow Jones và Nasdaq đang đạt tới những đỉnh cao mới. Nhưng thành tích kỳ lạ của những kẻ đầy tham vọng đã che dấu một thực tế là thị trường đầu cơ làm sụt giá chứng khoán một cách tàn bạo đang diễn ra tại New York và Luân-đôn. Trong năm nay, hơn một nửa của 500 cổ phiếu S&P tụt giá

"Một vài nhà phân tích đã bắt đầu tỏ ra lo ngại trước xu thế trên. Thực sự không bình thường khi các chỉ số của TTCK tăng vọt tại thời điểm mà có nhiều cổ phiếu tụt giá hơn là tăng giá. Thậm chí còn không bình thường hơn khi khoảng cách giữa một số lượng nhỏ các TTCK tư bản hoá cao và một loạt các TTCK hoạt động kém lại lớn như hiện nay. Thực sự, xu hướng gần đây có những điều tương tự rất rõ ràng như thời kỳ dẫn tới sự sụp đổ năm 1929...như chúng ta đã biết kể từ Thời kỳ Đại Suy thoái có một nguy cơ thực sự là đầu cơ một cách điên dại và hậu quả tai hại không thể tránh khỏi của nó có thể gây nên sự phá hoại ghê gớm tới nền kinh tế."

Mặc cho tất cả những cái gọi là kỳ diệu của toàn cầu hoá và của cách mạng công nghệ mới, chúng không hề làm thay đổi những quy luật chi phối chủ nghĩa tư bản mà đã được Marx giải thích trong bộ Tư bản. Có một sự thật là chủ nghĩa tư bản sau chiến tranh đã trải qua một cơ may sống sót lâu hơn. Có được điều này chủ yếu là do sự mở rộng thương mại thế giới sau 1945, và sự bóc lột chưa từng thấy tại các nước thuộc Thế giới Thứ ba. Nhưng nó đang đạt tới giới hạn, như có thể nhận thấy ở tình trạng tranh giành một cách tuyệt vọng vì thị trường. Thế giới cựu thuộc địa đã bị những thế lực G7 vắt cạn kiệt - ép buộc họ phải hạ thấp hàng rào thuế quan, mở cửa thị trường, tư hữu hoá các ngành dịch vụ công cộng, và tuân theo những mệnh lệnh của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và của Ngân hàng Thế giới.

"Thế giới Thứ ba"

Tại châu Phi, bất chấp tất cả những tuyên bố về một "châu Phi Phục hưng", hai thập kỷ cuối đã chứng kiến sự khủng khoảng trầm trọng hơn trên khắp lục địa này. 600 triệu dân của một nửa khu vực sống dưới mức nghèo khổ. Các nền kinh tế bị IMF bóp chặt - phúc lợi bị cắt giảm và nợ nần thì quay vòng. Số tiền trang trải nợ gấp đôi số tiền trang trải cho giáo dục cơ bản. Từ năm 1980 kinh phí giành cho giáo dục giảm một phần ba trên mỗi học sinh. Trong những năm 1990, 13 quốc gia châu Phi cắt giảm ngân sách giành cho giáo dục để đáp ứng những chương trình của IMF. Tại Mali, Zambia, Burkina, và Chad chi tiêu cho giáo dục giảm xuống còn 1% GDP hoặc ít hơn nữa. Một trong những ảnh hưởng là quá trình tư nhân hoá trong giáo dục; hậu quả là trẻ em tới trường ngày càng ít hơn. Cùng lúc đó, thật là một thứ đạo đức tư bản, các quốc gia châu Phi tiêu khoảng 7 tỷ đô-la mỗi năm cho vũ khí để chiến đấu trong những cuộc triến tranh uỷ nhiệm bẩn thỉu của các thế lực đế quốc.

Hiện nay, Thế giới Thứ ba đang bị cướp bóc triền miên. Trong kỷ nguyên tới, thế giới cựu thuộc địa sẽ trải qua hết biến động này đến biến động khác. Trong quá khứ, cách mạng thuộc địa đã bị làm chệch đường bởi học thuyết "hai giai đoạn" của Stalin, học thuyết này hạ thấp cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội thành cái gọi là cách mạng "dân tộc dân chủ". Bế tắc này, dẫn đến một loạt thất bại và thụt lùi từ châu A' cho tới Trung Đông, đã mở đường cho sự nổi dậy của chủ nghĩa hồi giáo chính thống kỳ quái. Thế nhưng, sự sụp đổ của chủ nghĩa Stalin, và sự khủng hoảng của những trào lưu chính thống, như được chứng kiến ở Iran, sẽ một lần nữa mở đường cho những tư tưởng thiên tài của Lenin, Trotsky và của lý luận về Cánh mạng Không Ngừng. Chỉ với cách mạng xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo bởi giai cấp công nhân và liên minh với những nông dân nghèo khổ, mới có thể tìm được lối thoát cho thế giới cựu thuộc địa.

Sự ra đời của thị trường thế giới, cùng với quá trình tập trung tư bản đã tạo ra một thế giới bị thống trị bởi một nhóm những công ty khổng lồ tàn nhẫn. Chúng giành được nhiều quyền lực hơn cả một quốc gia. Trong lòng các quốc gia bọn tư bản nắm quyền kiểm soát quá trình phân cực thu nhập và phân cực sự giàu có chưa từng thấy kể từ Thời kỳ Đại Suy thoái của thập kỷ 30. Tại Mỹ, Bill Gate giàu hơn 120 triệu người dân Bắc Mỹ cộng lại. Trên khắp hành tinh, hơn một tỉ người sống trong nghèo túng xác xơ, thu nhập của họ không bằng 400 người giàu nhất trên trái đất này. Cho dù có những lời nói suông về một "sự phục hồi", trong lòng các thành phố vẫn là trung tâm của tội phạm, bạo lực và ma tuý, và cũng không có tương lai hứa hẹn gì cho những thế hệ mới. Sử dụng từ vựng mới, ở đây sự "biệt lập xã hội" đã đến tình trạng cực kỳ gay gắt. Gần đây trên tờ The Los Angeles Times (Thời báo Los Angeles) có đăng một bài với dòng tít "Thành phố Nỗi Thất vọng Lớn", trong đó thứ trưởng Ngân khố Mỹ, Lawrence Summers, người ủng hộ cho mô hình kinh tế Mỹ, phải thừa nhận "những trớ trêu của sự bùng nổ tăng trưởng kinh tế hiện nay". Trong lần phát biểu với ban quản trị xuất sắc của công ty Thung lũng Silicon, ông nói "một đứa trẻ sinh ra ở New York ít có cơ hội sống sót tới 5 tuổi hơn một đứa trẻ được sinh ra ở Thượng Hải." (29/4/98). Với thực trạng này, tại một đất nước giàu mạnh nhất hành tinh, chúng đang ta bước vào một thiên niên kỷ mới.

Chủ Nghĩa Stalin

Đúng như Trotsky dự đoán, chủ nghĩa Stalin ở Liên bang Xô viết trở nên thối nát đến mức nó kết thúc bằng cuộc phản cách mạng khôi phục lại chủ nghĩa tư bản. Bọn quan liêu theo đường lối Stalin đã phản bội Cách mạng Tháng Mười, và tìm cách biến bản thân chúng thành bọn tư bản. Thế nhưng, việc áp dụng những điều kỳ diệu của nền kinh tế thị trường và với một nền kinh tế có kế hoạch đã bị đập tan, đã đẻ ra một chế độ chìm đắm trong sự suy thoái, dẫn đến việc phá hoại lực lượng sản xuất, bần cùng hoá số đông dân chúng, nạn thất nghiệp trầm trọng, tuổi thọ tụt xuống chóng mặt. Thậm chí theo Ngân hàng Thế giới, 50% người Nga sống dưới mức nghèo khổ, năm 1989 là trên 2%. Trong không đầy một thập kỷ tuổi thọ nhanh chóng giảm từ 72 xuống còn có 59. Dù cho bản chất của chủ nghĩa Stalin là cực quyền và thối nát nhưng một nền kinh tế có kế hoạch đã có khả năng đem lại việc làm cho tất cả mọi người, một dịch vụ y tế miễn phí và một mái nhà (dù rẻ tiền) trên đầu họ. Liên Xô cũng đã từng là siêu cường quốc đứng thứ hai trên thế giới. Chế độ Tư bản-ma-phi-a, cấu kết với những kẻ quan liêu cựu Stalin, đã phá hoại những thành tựu trên và xô đẩy dân chúng chìm ngập trong ác mộng. Nào hãy chào mừng những điều kỳ diệu của chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ 21!

Tại các nước trung tâm của phương Tây (đặc biệt tại Anh ) cũng có những xu hướng tư hữu hoá, tự do kinh doanh và dốc sức tấn công công nhân. "Cuộc phản cách mạng" tại nơi làm việc đã chứng kiến cảnh gia tăng cường độ lao động, tăng tốc độ sản xuất, và áp dụng một chế độ bóc lột tàn nhẫn. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới những công nhân áo xanh mà tới cả khu vực thuộc văn phòng bàn giấy. Giai cấp được gọi là trung lưu đang bị vô sản hoá trong một thế giới mới có sức sản xuất yếu kém. Như Marx đã giải thích trước đây, dưới chế độ tư bản, việc áp dụng máy móc, chẳng những không làm giảm ngày làm việc, mà có xu hướng kéo dài ngày làm việc. Công nhân ở Anh - trong cảnh bị tấn công dữ dội - làm việc nhiều giờ hơn, có ngày nghỉ ngắn hơn và được trả lương ít hơn so với công nhân ở các nước khác tại châu Âu. Kết quả là sự gia tăng stress và tình trạng ốm yếu trong giai cấp công nhân và cả trong số những nhà "chuyên nghiệp". Tại Anh, một cuộc Điều tra Lực lượng Lao động gần đây đã cho thấy một nhân viên quầy bar với công việc không ổn định có mức độ đảm bảo việc làm hơn cả một giáo sư đại học cao cấp! Chúng ta chứng kiến áp lực tàn nhẫn lên những công nhân ép buộc họ làm việc nhiều giờ hơn với tiền lương ít hơn cốt để tăng lượng lao động không được trả lương - giá trị thặng dư - cho những ông chủ. Liên đoàn làm việc-quá giờ đứng đầu là ở Hoa Kỳ, thành trì của chủ nghĩa tư bản.

Trong nền kinh tế thị trường điều này không thể khác đi được. Và còn nữa, chìa khoá cho một cuộc cách mạng văn hoá cho quần chúng nhân dân, với việc mở đường cho văn hoá, nghệ thuật và giáo dục là chính ở chỗ giảm giờ làm việc. Đây chính là tiền đề để quần chúng tham gia vào vận hành nền công nghiệp, xã hội và nhà nước. Như Ăng-ghen giải thích, khi nào còn một nhóm thiểu số đặc quyền sử dụng địa vị của nó để bảo vệ sự độc quyền về văn hoá, chính quyền, và khoa học, thì nó sẽ lạm dụng địa vị để duy trì sự thống trị giai cấp của nó. Trotsky giải thích "Ai nắm giữ sản phẩm-thặng dư, kẻ đó làm chủ tình thế - có sự giàu có, có nhà nước, có chìa khoá vào nhà thờ, vào toà án, vào khoa học và nghệ thuật."

Bóc lột lao động của giai cấp công nhân là động lực thúc đẩy của chủ nghĩa tư bản. Đó chính là nguồn gốc của bất bình đẳng. Chúng ta bước vào một Thiên niên kỷ Mới, với sự gia tăng cường độ lao động, tình trạng bấp bênh, lo âu, và bệnh tật liên quan tới stress ảnh hưởng tới những tầng lớp dân cư rộng lớn. Đã xuất hiện sự quay trở lại thời kỳ phát triển "bình thường" hơn của chủ nghĩa tư bản - nó tàn nhẫn hơn, giống như thời kỳ giữa hai cuộc chiến và phó mặc cho tư nhân kinh doanh ở thế kỷ 19. Marx đã giải thích, hoàn cảnh quyết định nhận thức. Những hoàn cảnh mới của chế độ tư bản đang chuẩn bị trong lòng xã hội một phong trào cách mạng mới.

Khủng hoảng sự lãnh đạo

Sự hồi phục của chủ nghĩa tư bản tiếp theo Chiến tranh Thế giới lần thứ II, nảy sinh từ sự thất bại của làn sóng cánh mạng sau chiến tranh, một cách biện chứng là để phục vụ cho việc hàn gắn vết sẹo của thập kỷ 30. Nó đã cho thấy sự lớn mạnh và đoàn kết của giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Giai cấp công nhân đã trở nên vũng mạnh hơn rất nhiều, thậm chí cả ở Thế giới Thứ ba, đó là nước Nga năm 1917. Thất bại trong việc tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa hơn 80 năm qua không hề liên quan tới sự yếu kém của giai cấp công nhân. Trách nhiệm này trực tiếp nằm ở tập thể lãnh đạo phong trào, mà theo thuật ngữ Mác-xít gọi là nhân tố chủ quan. Chính điều này là nguyên nhân cho sự tiếp diễn của chế độ tư bản. Năm 1938, Trotsky đã viết "Cuộc khủng hoảng mà nhân loại đối mặt, là cuộc khủng hoảng sự lãnh đạo."

Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản trải rộng trên phạm vi toàn cầu sẽ một lần nữa mở ra những cơ hội cho cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng những thất bại của giới lãnh đạo của chủ nghĩa cải cách và chủ nghĩa Stalin đã gây nên những nỗi thất vọng và chán nản. Tại Anh, chính chủ Blair thực hiện những chính sách tư bản và trở thành một bản sao của Đảng Bảo thủ. Điều này đã làm lan rộng tình trạng vỡ mộng, phản ánh qua kết quả bầu cử cuối tháng năm và tháng sáu. Trong giai đoạn tới cuộc nổi dậy của giai cấp công nhân chống lại những chính sách tư sản-cấp tiến là không thể tránh khỏi. Tương tự như ở Tây Âu và Nhật Bản, khi chủ nghĩa tư bản lâm vào khủng hoảng sâu sắc, những kẻ theo đường lối dân chủ xã hội đã chấp nhận chính sách tư sản-cấp tiến, trong khi đó các Đảng "Cộng sản" tiếp tục con đường cải cách tai hại. Tại Nga, những kẻ lãnh đạo cựu Stalin trong Đảng Cộng sản Liên bang Nga (CPRF) làm chỗ dựa cho chế độ Yeltsin/Putin. Dù cho Yeltsin bất ngờ từ chức, đây là một canh bạc để đưa Putin lên làm tổng thống vào tháng ba, việc này vẫn không thể cứu vãn được chế độ này trong một thời gian lâu dài. Một cuộc cách mạng Nga mới là không thể tránh khỏi, và có thể được dẫn dắt bởi sự xuất hiện của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang đến gần.

Thiên niên kỷ Mới sẽ tạo cơ hội cho giai cấp công nhân một triển vọng để làm đổi thay xã hội. Chủ nghĩa tư bản đã rơi vào đường cùng. Không giống như thời kỳ 1914-1939, chiến tranh thế giới có vẻ như bị loại trừ, bởi vẫn tiếp tục đó mối đe doạ huỷ diệt hạt nhân treo lơ lửng trên hành tinh này. Dẫu vậy, chỉ có 17 ngày "hoà bình" kể từ năm 1945, chiến tranh luôn diễn ra ở đâu đó trên thế giới. Với sự sụp đổ của chế độ Stalin, quan hệ thế giới chưa bao giờ bất ổn như hiện nay. Trước mặt chúng ta là cả một thời kỳ bất ổn sâu sắc. Nó đã kích động chạy đua vũ trang, hiện nay Liên minh châu Âu (EU) đã thoả thuận thành lập một lực lượng phản-ứng-nhanh gồm 60.000 quân tinh nhuệ, độc lập với NATO, để sẵn sàng can thiệp quân sự chống cách mạng thuộc địa. Chủ nghĩa đế quốc tàn ác đã phơi bày ở việc ném bom và cấm vận Iraq nơi có hàng triệu trẻ em tử vong, cùng với những cuộc ném bom phá hoại hàng loạt cơ sở hạ tầng của Nam Tư. Quân đội Nga giờ đây noi gương phương Tây bằng việc chinh phục Chechnya một cách tàn bạo. Mặc dù có những tiếng than vãn giả nhân giả nghĩa của bọn đế quốc, chúng buộc phải làm dịu bè lũ Yeltsin/Putin bằng hàng nghìn đô-la để ngăn chặn một cuộc cách mạng mới, kèm theo nó sẽ là tất cả những tiềm ẩn chứa đựng tính chất quốc tế và cách mạng.

Một kỷ nguyên cách mạng mới sẽ phát triển ở phương Tây, ở thế giới cựu thuộc địa và xuyên suốt toàn bộ hành tinh này. Cuộc cách mạng Nga năm 1917 chủ yếu được mở đầu bởi cách mạng tại châu Âu, mặc dù vậy nó có kết quả dưới một thế giới kém phát triển. Giờ đây chúng ta đã tiến vào một kỷ nguyên quyết định của cách mạng thế giới. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mới, có thể bước đầu chỉ làm choáng váng giai cấp công nhân trong một thời gian, có thể làm xuất hiện việc nối lại hoạt động của một phần giai cấp công nhân giống như những tình thế của cuộc cách mạng Tây Ban Nha vào thập kỷ 30. Trong thời kỳ hỗn loạn này, những sự kiện sẽ thử thách các đảng theo đường lối Stalin và đường lối cải cách. Đông đảo công nhân, những người sẽ bị đẩy nhanh vào các hoạt động chính trị, đầu tiên sẽ gia nhập các tổ chức quần chúng truyền thống, biến đổi và lại biến đổi chúng. Một tiến trình thể hiện khuynh hướng của chúng tôi đã được giải thích rất nhiều năm trước đây nhưng đã bị thờ ơ hoàn toàn bởi những kẻ theo chủ nghĩa bè phái. Một cuộc cách mạng thành công ở một đất nước đóng vai trò quan trọng, sẽ làm biến đổi cả thế giới này.

Khủng hoảng thừa

Chủ nghĩa tư bản đã lâm vào ngõ cụt, phản ánh ở sự bất lực trong việc khai thác và sử dụng đầy đủ khả năng sản xuất trong công nghệ thông tin và máy tính. Điều đó có nghĩa là sự lan rộng của cuộc khủng hoảng thừa như đã được Marx giải thích. Sản suất thừa ("quá năng suất") đang ảnh hưởng tới tất cả các khu vực kinh tế: xe hơi, thép, nông nghiệp, chíp máy tính, và các khu vực khác. Đặc biệt là ở Đông Nam A', nơi hai nền kinh tế thống trị là Trung Quốc và Nhật Bản đang lâm vào những khó khăn giảm phát nghiêm trọng. Nhật Bản đã rơi vào suy thoái trong thập kỷ qua sau khi thị trường chứng khoán của nước này đổ vỡ vào năm 1989. Liên tiếp những cố gắng nhằm làm hồi sinh nền kinh tế đều thất bại, dù cho 124 nghìn tỉ yên được chi tiêu trong suốt 7 năm qua. Mức độ nợ của Nhật Bản đã lên tới 120% GDP một cách chóng vánh. Trung Quốc đang trải qua thời kỳ suy giảm kinh tế với sự tụt giảm mức độ tăng trưởng diễn ra hằng năm kể từ năm 1992. Tăng trưởng kinh tế của nước này giảm xuống nhanh chóng trong năm vừa qua và mới chỉ được chống đỡ bằng nguồn chi tiêu khổng lồ của chính phủ. Một cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo sẽ có một ảnh hưởng làm tàn phá Nam A' về kinh tế, xã hội và chính trị.

Theo một bài báo gần đây của tờ The Financial Times( Thời Báo Tài chính), Trung Quốc đã trải qua "26 tháng liên tiếp giảm phát, đây là một tai ách kinh tế trọng yếu dẫn tới những cuộc chiến về giá cả, làm giảm sút lợi nhuận biên của các doanh nghiệp nhà nước vốn dĩ đang trong tình trạng cực kỳ khó khăn và tác động tới thu nhập của khoảng 900 triệu dân cư ở vùng nông thôn. Trình trạng suy yếu của các doanh nghiệp nhà nước làm cho họ ít còn khả năng trả lãi các món nợ, gây thêm áp lực lên hệ thống ngân hàng nhà nước. Hệ thống ngân hàng này lại đang bị ngập chìm bởi những khoản cho vay tồi tệ lên tới khoảng 25% tổng tài sản"(29/12/99). Bài báo phân tích tiếp:" Một nguyên nhân giảm phát khác - giá bán lẻ giảm 2,8% vào tháng mười một - tình trạng khủng hoảng thừa và quá cung. Những cổ chai này sẽ rất khó dỡ bỏ bởi những phản đối chính trị chống lại việc đóng cửa nhà máy - đặc biệt ở cấp độ thành phố và thị trấn. "Ngân hàng Thế giới ước tính có tới hơn 35% trong 140 triệu công nhân ở khu vực nhà nước là "thặng dư so với yêu cầu". Với đội quân thất nghiệp đã lên tới 100 triệu ở nông thôn và 18 triệu ở thành phố, rõ ràng Bắc Kinh rất khiếp sợ về những biến động xã hội đang sẵn sàng bùng phát. Đã có những báo cáo về những cuộc bãi công và phản đối lẻ tẻ của công nhân ở một vài thành phố công nghiệp trong những tháng gần đây. Cố gắng tuyệt vọng của Bắc Kinh nhằm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ sớm mang lại những kết quả trái với mong đợi bởi chúng sẽ buộc phải mở của thị trường cho cạnh tranh nước ngoài. Cuộc khủng hoảng ở Nam A' chưa hề kết thúc. Nó mới chỉ bắt đầu.

Công nghệ mới, dưới một nền kinh tế có kế hoạch có thể hoàn toàn biến đổi thế giới này và bảo đảm mức sống được nâng cao cho tất cả mọi người, lại chỉ làm gia tăng những khó khăn cho thế giới tư bản. Toàn cầu hoá không có nghĩa là giảm nhẹ những khó khăn mà trái lại là sự tăng cường hơn những mâu thuẫn. Tình trạng thả nổi trong thị trường thế giới và của các trung tâm tài chính làm cho hệ thống càng thêm bất ổn và dễ bay hơi. Bọn tư bản càng trở nên ăn bám hơn khi chúng đầu tư ít hơn vào công nghiệp, đầu tư nhiều hơn vào dịch vụ và giao dịch tài chính. Trò cờ bạc trong thị trường chứng khoán và tiền bạc đã trở thành mối bận tâm chính, với những nguồn tài chính lên tới 25 nghìn tỉ đô-la luân chuyển khắp nền kinh tế thế giới. Giai cấp thống trị đã mất hết cảm giác về sự cân đối cũng như sứ mệnh lịch sử của chúng. Chúng đã trở thành một cái phanh với mãnh lực ghê gớm kìm hãm xã hội, đúng như bọn quý tộc phong kiến trong quá khứ.

Sự bế tắc của chủ nghĩa tư bản được phản ảnh ở cuộc khủng hoảng trong bản thân giai cấp lãnh đạo, bị ám ảnh bởi những bất ổn trong hệ thống của chúng. Chúng nói về một cuộc cách mạng công nghiệp mới, nhưng lại đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp ở tất cả các nước tư bản trọng yếu. Đây không phải là sự thất nghiệp có tích chất "chu kỳ", mà là sự thất nghiệp có tính chất "cấu trúc" hữu cơ đang gặm nhấm trong tận ruột lõi xã hội. Hàng triệu người buộc phải làm việc lâu hơn và cực nhọc hơn, trong khi đó cũng có hàng triệu người đang bị khoản trợ cấp thất nghiệp làm cho chết dần chết mòn. Lòng tin tưởng về thời kỳ tăng trưởng của giai đoạn 1948-1974 đã biến mất. Dưới sức ép của giai cấp công nhân, chủ nghĩa tư bản đã từng bảo đảm cải cách và việc làm đầy đủ một cách tạm thời. Giờ đây tất cả những điều trên đã kết thúc.

Những nhà chiến lược lo xa nhất cũng đang bị thiêu đốt bởi sự nghi hoặc và thậm chí cả sự hoảng hốt. Những người như Georg Soros, KJ Galbraith, và thậm chí cả Milton Friedman, đều cảnh báo về sự gia tăng khủng hoảng có thể phá huỷ cả hệ thống trừ phi khẩn trương thực hiện ngay một điều gì đó. Họ cảm nhận được sự bất ổn chung trong hệ thống tư bản và nhìn về tương lai với tâm trạng lo âu đang tăng dần. Họ nhận thức được hệ thống của họ đang trong tình trạng khó khăn trầm trọng, nhưng bất lực trong việc tránh một thảm hoạ đang lơ lửng trên đầu. Vào thời gian khủng hoảng ở nước Nga mùa thu năm 1998, Soros đã cảnh báo rằng tư bản đã rơi vào cảnh "ngàn cân treo trên sợi tóc." Chúng chỉ vừa mới tạm thời thoát khỏi hoàn cảnh này. Nhưng chỉ tạm thời mà thôi. Lãnh đạo tờ The Observer đánh giá: "Chỉ cần nhìn lại đầu thế kỷ qua chúng ta sẽ thấy những tình huống tương tự - thị trường thế giới xuất hiện, một kỷ nguyên của hàng loạt phát kiến công nghệ và việc sáng tạo ra một hệ thống tài chính thế giới - mang lại sự bất bình đẳng có hậu quả đã được chứng minh là không thể kiểm soát nổi và còn đặt nền móng cho chiến tranh và suy thoái." (2/1/00). Có một bóng ma đang ám ảnh chủ nghĩa tư bản, bóng ma của cách mạng.

Khủng hoảng ý thức hệ

Sự khủng hoảng kéo dài phản ánh ở sự khủng hoảng ý thức hệ, thể hiện ở cuộc khủng hoảng trong các đảng và kết cấu chính trị, trong nhà thờ, đạo đức, gia đình tư sản và thậm chí cả trong khoa học và triết học. Hoạt động chính trị trở nên tham nhũng khủng khiếp. Những vụ bê bối quanh tổng thống Clinton, Đảng Bảo thủ Anh, Đảng Dân chủ Thiên chúa Giáo Đức và I-ta-li-a, cũng như ở những nơi khác nữa, đã phản ánh bản chất thối nát của chủ nghĩa tư bản. Sự bất ổn này tràn xuống từ trên nóc của toàn xã hội, nơi ngập chìm một nỗi lo âu về tương lai. "Tính hợp lý về kinh tế đến lạnh lùng của chủ nghĩa tư bản, trong đó mọi cơ quan đều lệ thuộc vào những toan tính về lỗ lãi, không trả lời vấn đề đặt ra cho mỗi con người và cho mỗi xã hội rằng có nhiều điều cần cho cuộc sống hơn là chạy theo hiệu quả kinh tế. Chúng ta vừa là những sinh vật có tính chất xã hội và vừa những sinh vật có tính chất kinh tế." Tờ The Observer.

Sau 20 năm chính sách tiền tệ phản động được nuôi dưỡng bởi những kẻ như Thát-chơ và Ri-gân, sự thối nát của chủ nghĩa tư bản còn phản ánh ở sự quay trở lại của chủ nghĩa vật chất thô bạo trong một xã hội tranh giành cấu xé lẫn nhau. Marx đã một lần giải thích trong những trang đầu tiên của bộ Tư bản, rằng hình thức sản xuất tư bản thể hiện bản thân nó như một sự "tích luỹ hàng hoá khổng lồ". Ông giải thích rằng hệ thống này, dựa trên sự bóc lột lao động con người dưới hình thức bị che dấu, quan hệ thực sự giữa người với người bị biến thành quan hệ giữa những đồ vật. Công nhân bị coi một cách giản đơn như những " hàng hoá", bị những ông chủ tư bản vứt bỏ như những hàng hoá khác. Những hàng hoá này là gì, nhà tư bản không hề quan tâm, nhà tư bản chỉ quan tâm tới việc làm sao mau chóng biến chúng thành tiền. Nhà sản xuất xe hơi Lord Stokes tuyên bố "Tôi không quan tâm tới việc sản xuất xe hơi, tôi quan tâm tới việc làm ra tiền."

Trotsky đã có lần lưu ý về quan hệ ở Mỹ - thành trì của thế giới tư bản - rằng quan hệ tiền bạc đã ngập sâu vào trong ý thức dân tộc đến mức con người được xem như đáng giá bao nhiêu đô-la. Ngày nay, những quan hệ thị trường và ý thức hệ lan tràn khắp lĩnh lực cuộc sống, từ trường học cũng vận hành như việc kinh doanh, tới bệnh viện và tất cả các hình thức dịch vụ công cộng. Tất cả mọi thứ phải được tư nhân hoá và trao cho những công ty lớn. Bạn không còn là "hành khách" của một mạng lới đường sắt tư nhân nữa, mà là một "khách hàng". Có nghĩa bạn là một người nào đó có tiền để trả. Mọi thứ bị quy thành mối giao dịch kinh doanh. Quan hệ con người bị hạ thấp và lệ thuộc vào kinh tế thị trường. Con người bị coi như những đồ vật, trong khi đó đồ vật, đặc biệt là tiền lại được cân nhắc với nỗi kính sợ, bởi nó chứa đựng sức mạnh siêu nhiên to lớn. Marx mô tả đây là chủ nghĩa sùng bái vật chất gắn liền với xã hội dựa trên nền tảng những quan hệ tư bản.

Như chúng tôi đã giải thích trong cuốn sách "Reason in Revolt"(tạm dịch là Lý trí đang Nổi dậy), được phát hành để tưởng nhớ 100 năm ngày mất của Frederick Engels. "Trong xã hội tư bản, con người bị coi như những hàng hoá không thể thiếu được. Một thứ hàng hoá mà nếu không thể bán sẽ nằm ì cho đến khi chúng chết dần chết mòn. Do nỗi khiếp sợ về những hậu quả xã hội, chúng không được phép chết đói hàng loạt. Do vậy, trong mối mâu thuẫn tới cùng cực của chủ nghĩa tư bản, bọn tư sản buộc phải nuôi sống những người thất nghiệp, thay vì phải được họ nuôi sống. Có một tình trạng thực sự ngu xuẩn, con người mong muốn làm việc, để đem lại của cải cho xã hội, thì lại bị ngăn cản làm điều đó bởi "những quy luật thị trường".

"Đây là một xã hội vô nhân đạo, nơi con người bị lệ thuộc vào đồ vật. Liệu có điều gì đáng ngạc nhiên không khi một số người này cư xử một cách vô nhân đạo? Hằng ngày những tờ báo lá cải ngập tràn những câu truyện ghê rợn về những vụ ngược đãi kinh hoàng chống lại kẻ yếu, đó là bộ phận ít có khả năng tự vệ nhất trong cộng đồng - phụ nữ, trẻ em, và người già. Đây là thước đo chính xác cho đạo đức xã hội. Luật pháp đôi lúc cũng trừng phạt những vi phạm này, mặc dù nhìn chung tội phạm chống lại những kẻ giàu có thì thường bị cảnh sát săn đuổi hăng hái hơn là những tội ác chống lại những con người bình thường. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, gốc rễ xã hội sâu xa của tội phạm nằm ngoài sức mạnh của toà án và cảnh sát. Thấp nghiệp đẻ ra tất cả các loại tội phạm. Nhưng còn có những yếu tố khác nữa, những yếu tố tinh vi hơn nhiều.

"Đang tràn ngập một thứ văn hoá ích kỷ, tham lam và dửng dng trước những đau khổ của người khác, đặc biệt trong hai thập kỷ qua, từ khi thứ văn hoá này lại mang dấu ấn của Thatcher và Reagan, không còn nghi ngờ gì nữa đã đóng một vai trò quyết định, dù thật khó định lượng. Đây là bộ mặt thực sự của chủ nghĩa tư bản, chính xác hơn là của tư bản tài chính và độc quyền - tàn nhẫn, thô bạo, tham lam và độc ác. Đây là chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn thối nát suy tàn, gắng gượng làm hồi sinh lại sức sống mạnh mẽ của nó thời trai trẻ. Chủ nghĩa tư bản ăn bám, giành ưu tiêu rõ ràng cho những xoong thịt tài chính và đầu cơ tiền tệ, thay vì cho việc sản xuất ra của cải thực sự. Nó thích 'dịch vụ' hơn là công nghiệp. Nó đóng cửa các nhà máy như đóng những hộp diêm, phá huỷ một cách nhẫn tâm toàn bộ sở hữu tập thể và các nghành công nghiệp, và khuyên nhủ thợ mỏ và thợ luyện kim tìm việc làm ở những quầy bán bánh hăm-bơ-gơ. Thế kỷ 20 này tương đương với 'Hãy để chúng ăn bánh' "(Woods & Grant, trang 409)

Giờ đây những kẻ lãnh đạo theo đường lối cải cách, như Tony Blair, bận bịu với việc nhại lại những ảnh hưởng về đạo đức này. Chúng yêu cầu công nhân phủ phục trước Tư bản bằng cách chấp nhận những phương pháp làm việc "linh hoạt". Họ phải trở thành công cụ kinh doanh mềm dẻo dưới cái tên "hiện đại hoá", "năng suất", "toàn cầu hoá", và "cạnh tranh". Đúng theo phong cách Victoria, chúng giảng giải cho những người thất nghiệp rằng phải đi tìm việc làm - cứ như là họ có lỗi cho cảnh khốn khổ của họ. Trợ cấp Nhà nước phải được "hiện đại hoá", nghĩa là phải bị cắt giảm đến tận xương tuỷ và được bổ sung bởi khu vực tư nhân "tuyệt vời", giống như hồi thế kỷ 19. Các nhà cải cách cánh hữu giờ đây đi lễ tại ngôi đền của nền kinh tế thị trường, cứ làm như thể nó sắp chết đến nơi rồi. Blair tuyên bố "Chúng ta là đảng của kinh doanh." Trong lúc đó Stephan Byers, thư ký thương mại, thúc giục các ông chủ công ty ban thưởng bản thân họ "lương hạng thế giới", trong khi đó công nhân nên biểu hiện "sự kiềm chế". Giống hệt bọn mới phất, chúng phải chứng tỏ lòng trung thành bất diệt đối với giai cấp thống trị một cách thô bỉ nhất. Giống như, Urial Heap** cầm Kinh thánh trong tay, chúng tự đổ sụp xuống nằm phục dưới đất trước ông chủ tư sản mới của chúng. Chúng làm ta liên tưởng tới những con lợn trong chương cuối của cuốn Trang trại Súc vật.

Những kẻ cải cách này, tự hoạ chân dung chúng như những người "thực tế", phải chịu trách nhiệm về sự gia tăng chia rẽ giai cấp. Các thành phố trung tâm, như Glasgow, đang bị hành hạ bởi nghèo đói và tuyệt vọng. Kèm theo nghèo đói là bệnh tật. Một nghiên cứu gần đây ở Trường Đại học Bristol cho thấy một khoảng cách về tuổi thọ giữa người giàu và người nghèo gây sửng sốt - và khoảng cách này vẫn đang rộng thêm. Nếu bạn càng nghèo hơn thì bạn càng có nhiều cơ hội hơn để chết trước tuổi 65, chịu đựng bệnh tật suy nhược hoặc có con chết trước lúc nó lên 1 tuổi. Uỷ ban Lao động Quốc gia về vấn đề công bằng xã hội trong những năm 1990 đã ghi nhận sự chênh lệch về tuổi thọ tới 8 năm giữa khu giàu có phía ngoài Sheffield và khu đô thị vô cùng túng quẫn trong trung tâm. Báo cáo gần đây nhất đã cho thấy khoảng cách về tuổi thọ tới 9,5 năm giữa những người có trình độ chuyên môn và những người lao động chân tay không có chuyên môn.

"Giờ đây sự khác biệt về tỷ lệ tử vong giữa khu vực giàu và nghèo ở mức tồi tệ nhất trong châu Âu. Thậm chí cái hố ngăn cách này đang ngày càng rộng ra này đã đẩy Vương quốc Liên hiệp Anh xuống thấp hơn trong bảng tuổi thọ của những quốc gia phát triển. Nghiên cứu mới đây cho thấy 10 khu vực bầu cử với những ghi nhận về tình trạng sức khoẻ tồi tệ nhất có tỉ lệ tử vong gấp đôi so với 10 khu vực có tình trạng sức khoẻ tốt nhất. Giữa khu vực bầu cử đứng đầu (Wokingham) và khu vực đứng cuối(Glasgow Shettleston) có hiện tượng chênh lệch về tỷ lệ tử vong tới 4 lần. Nhưng không chỉ dừng lại ở tỷ lệ tử vong. Các biểu đồ thống kê về bệnh tật đã chỉ ra rằng có một sự phân bố không đều tương tự đối với tình trạng đau yếu, bệnh tật, nỗi thống khổ và lo âu... trong 100 khu vực bầu cử có tình trạng sức khoẻ tồi tệ nhất, 97 thuộc về Công Đảng, trong 100 khu vực bầu cử có tình trạng sức khoẻ tốt nhất 81 thuộc về Đảng Bảo thủ."(tờ The Guardian, 3/12/99 ). Tương lai không có gì sáng sủa hơn. "Nếu chúng ta nghĩ rằng bất bình đẳng giờ đây trở nên không thể chấp nhận được thì những gì hứa hẹn mở ra trong những năm tới sẽ đưa chúng ta tới những bất bình đẳng mới." tờ The Guardian(2/1/2000).

Hai thập kỷ của phản công ôn hoà đã mang lại những hậu quả rộng khắp. Cối xay guồng của tiến bộ kinh tế đã buộc công nhân phải tìm lối thoát khỏi những giam hãm của chủ nghĩa tư bản, bằng cách làm việc quá giờ, làm việc gấp đôi, và bằng những cách khác tương tự như vậy. Điều này nhằm cản trở công nhân khỏi sự lôi kéo vào phong trào công nhân. Việc thiếu sự tham gia của giai cấp công nhân trong các tổ chức truyền thống đã để cho cánh hữu áp đặt sự thống trị - ít nhất là tại thời điểm này. Giống như ở trong một cái ao tù đọng, bọt bẩn nổi lên trên cùng. Nhưng các sự kiện sẽ làm vỡ tan tình trạng trì trệ hiện nay. Sự thống trị của cánh hữu sẽ sụp đổ. Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản sẽ làm ảnh hưởng sâu sắc tới cách nhìn nhận của tất cả các giai cấp, đặc biệt là giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân sẽ không có cách nào khác ngoài việc tìm cách thoát khỏi tai hoạ mà nó sẽ nhận chìm cuộc sống của họ. Giai cấp thống trị sẽ thấy chúng không thể cai trị theo phương cách cũ được nữa, và sẽ tìm kiếm các phương pháp độc đoán hơn để củng cố quyền lực của chúng. Các tổ chức lao động truyền thống cũng sẽ rơi vào khủng hoảng, khi mà đông đảo công nhân ngả về phía cánh tả. Cánh hữu sẽ bị vỡ tung, đẩy sâu các tổ chức quần chúng về phía cánh tả, thậm chí theo hướng chủ trương ôn hoà, giữa phe cải cách và Mác-xít. Sẽ có cơ hội, rồi cơ hội để giai cấp công nhân đổi thay xã hội. Thế nhưng, chìa khoá cho tình thế này vẫn là nhân tố chủ quan, lãnh đạo của giai cấp công nhân.

Các nhà cải cách cánh tả, dưới sức ép của công nhân sẵn sàng nói về sự ủng hộ cải cách triệt để về chính trị và xã hội, không hề có quan điểm hay hiểu biết gì về việc làm thế nào thể xoá bỏ chủ nghĩa tư bản. Những chương trình theo trường phái Keynes của chúng tìm mọi cách để hoạt động được trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản, nhiều nhất, chỉ đem lại những biện pháp phần nào cho hệ thống. Điều này chỉ đáp ứng cho việc phản kháng lại bọn tư bản, mà không hề giải quyết được những vấn đề của giai cấp công nhân. Mặt khác, những kẻ theo Stalin đã từ lâu ruồng bỏ mọi yêu sách dựa trên tư tưởng của Lenin và Trotsky và của Cách mạng Nga. Chúng phải chịu đựng sự thoái hoá dân tộc và thoái hoá cải cách. Để giải quyết vấn đề lịch sử này đòi hỏi những người lãnh đạo phải học hỏi được những bài học của thời đại. Cần phải có một xu hướng Mác-xít được thiết lập ở tận gốc rễ sâu thẳm trong giai cấp công nhân và trong các tổ chức của công nhân. Không thể tạo ra xu hướng này chỉ trong một đêm, mà phải xây dựng một cách cần mẫn trong một giai đoạn kéo dài dựa trên cơ sở những tư tưởng, sách lược và chiến lược đúng đắn. Ngày nay đó vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta.

"Chế độ tư bản có thể làm tổn hại sức khoẻ của bạn một cách nghiêm trọng"

Sự thống trị của các công ty độc quyền là sự kìm hãm khổng lồ đối với xã hội, đe doạ làm đầu độc cả hành tinh trong quá trình chúng mở rộng quyền lực và sự giàu có. Nền kinh tế, môi trường, không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống, thực phẩm chúng ta ăn - tất cả đều đang bị đe doạ. Quá trình nóng lên toàn cầu và mức nước biển tăng, sẽ có hậu quả thảm khốc tới môi trường, đang đe doạ phá huỷ hành tinh này. Tại Anh, nơi mà trong khi tìm kiếm lợi nhuận, người ta cho gia súc ăn xác súc vật, gây nên vụ bê bối BSE ( Bệnh Bò Điên), và bị chính phủ Đảng Bảo thủ bưng bít. Gần đây, các báo cáo đưa tin về tai nạn tại trung tâm xử lý hạt nhân, có tích chất nguy hiểm đến tính mạng của dân chúng, nhưng một lần nữa lại bị bịt kín. Vụ tai nạn mới nhất tại Nhật Bản càng làm nổi bật mối nguy hiểm của năng lượng hạt nhân khi có sự liên quan tới lợi ích của bọn tư bản. Tại khu vực xử lý uranium của công ty JCO cách Tokyo 70 dặm một phản ứng dây chuyền không kiểm soát được đã tắm những công nhân trong phóng xạ và lan ra cả ngoài khu vực với mức độ gấp 4400 lần, buộc dân cư trong vùng phải bỏ chạy. Nếu như những công nhân đó rót vào thùng lắng đọng 40kg uranium ôxít thay vì chỉ rót nhầm 16kg, thì họ sẽ tạo ra không phải một phản ứng dây chuyền "nhỏ", mà là một quả bom nguyên tử có thể phá huỷ cả thủ đô Tokyo.

Trước đó, một vụ bê bối tại Nhiên liệu Hạt nhân Anh nơi các nhà thanh tra bỏ qua các thủ tục an toàn và làm sai lệch dữ liệu về những lô nguyên liệu uranium-plutonium ôxít cho Nhật Bản. Để tìm kiếm lợi nhuận, trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân các nhà tư bản đã chọn phương pháp rẻ nhất và nguy hiểm nhất - phân hạch hạt nhân. Tổng hợp hạt nhân là một phương pháp sạch hơn và an toàn hơn nhiều nhưng đã bị bỏ qua vì lý do giá thành. Qua những hậu quả của những thảm hoạ trên, chính phủ Blair vẫn có kế hoạch tư hữu hoá phần còn lại trong công nghiệp hạt nhân! Tất cả hành động này để nhằm xoa dịu các doanh nghiệp lớn và khu City của Luân-đôn (khu Trung tâm Tài chính Thương mại Luân-đôn), mặc cho dân chúng phản đối kịch liệt. Còn nữa, gần đây vụ dầu tràn từ tầu chở dầu Maltese vào dọc bờ biển nước Anh đã phá huỷ môi trường biển. Những công ty dầu lửa như TotalFina thuê tầu chở dầu và chẳng hề quan tâm tới môi trường. Hàng hoá có thể được chuyên trở bằng tầu thân kép, nhưng nó quá đắt. Mối quan tâm đầu tiên của chúng là làm tiền - trả giá bằng môi trường và sức khoẻ con người - cái có thể tiêu được như tư bản mới là cái đáng quan tâm.

Những tiến bộ to lớn trong khoa học và công nghệ đang ngày càng chuyển thành mối đe doạ cho nhân loại bởi những công ty lớn. Sự phát triển của công nghệ gen mang lại những tiềm năng cực kỳ to lớn cho xã hội. Nó có thể giúp chúng ta thủ tiêu tận gốc một số bệnh tật và làm một cuộc cách mạng trong phương pháp bào chế thuốc men. Các nhà khoa học sinh-y-học tin rằng có tới 4.000 bệnh di truyền gây ra bởi những khuyết tật trên những gen đơn nhất có thể được khắc phục đúng lúc. Việc sớm giải mã được nhiễm sắc thể 22, bằng sự hợp tác quốc tế, sẽ đem lại cho các nhà khoa học phương pháp chữa và điều trị không thể hình dung nổi cho một số bệch tật mà giờ đây vẫn còn được hiểu biết rất ít. Thế nhưng, khi di truyền học nằm trong tay các công ty đa quốc gia, trong cuộc chạy đua vì lợi nhuận độc quyền, có thể dẫn tới đủ loại thảm hoạ do chính con người tạo nên.

Các nhà công nghiệp đang nghiên cứu gen, như công ty Mỹ Celera Genomics, đã xin cấp bằng sáng chế cho 6.500 đoạn ADN. Các nhà nghiên cứu của công ty đang tập trung vào những gen có nhiều "lợi nhuận" hơn, dữ liệu của gen này có thể được tiết lộ cho những người đã trả tiền. Điều này hoàn toàn trái ngược với dữ liệu của Dự án Gen Loài người, hợp tác giữa Anh và Mỹ, được tài trợ từ nguồn từ thiện và từ những người trả thuế, công bố các dữ liệu ngay khi nó được hoàn thành mà không hề mất tiền. Một điều tất yếu là, các công ty dược phẩm và công nghệ sinh học, muốn bảo đảm chắc chắn việc kiểm soát thị trường, sẽ xin cấp bằng sáng chế về việc sử dụng những thông tin mới. Trong cuộc săn tìm những món lời tài chính khổng lồ, những công ty độc quyền gắng sức đe doạ cộng đồng xã hội phải nhượng bộ.

Sự phát triển của công nghệ biến đổi gen trong thực phẩm có thể mang lại những tiềm năng to lớn trong việc phát triển thực phẩm trong tương lai. Thế nhưng, trong tay của những công ty đa quốc gia, hám lợi và quyền lực, sẽ có rất nhiều nguy cơ khủng khiếp. Vụ bê bối Bệnh Bò Điên thực sự là một lời cảnh báo khủng khiếp. Các phương pháp quá-tăng-cường trong trồng trọt, có sử dụng hoóc-môn và kháng sinh đã làm đầu độc chuỗi thức ăn. Monsanto, một công ty công nghệ sinh học khổng lồ, sản xuất rbst, đây là một hoóc-môn tăng trưởng ở bò đã được biến đổi gen, được tiêm vào 30% gia súc cho sữa ở Mỹ. Mặc dù đã có những chấp thuận chính thức về mặt sức khoẻ, những phản đối kịch liệt đang dâng lên từ phía những nhóm người tiêu dùng và thậm chí cả từ chính phủ. Theo những nghiên cứu của các chuyên gia về thú y, động vật điều trị bằng hoóc-môn phải chịu đựng những tác động không mong muốn, bao gồm những vấn đề như què quặt và khả năng sinh sản. Kháng sinh, từ con đường vào sữa rồi vào cơ thể con người, sẽ làm nảy sinh những phản ứng dị ứng và kháng kháng sinh.

Hậu quả của việc đưa các loại hoóc-môn và các loại cây trồng nông nghiệp đã được biến đổi gen vào chuỗi thực phẩm mà không nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ mang lại tai tiếng thực sự. Đối với các công ty độc quyền thì hậu quả xã hội chỉ đáng giá bằng những đồng xu lẻ. Bất chấp những ảnh hưởng tới sức khoẻ con người vẫn chưa hề được biết, thì các công ty nông sản đã bơm các sản phẩm biến đổi gen vào thị trường thế giới với số lượng lớn chưa từng thấy. Công ty Monsanto đã sản xuất một gen gọi là "kẻ huỷ diệt", gen này trực tiếp ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của cây trồng. Mặc dù cây trồng được xem là "khoẻ mạnh hơn", nhưng biến đổi gen có nghĩa là hạt giống mà công ty này sản xuất là không còn khả năng sinh sản. Với vũ khí này, Monsanto hy vọng sẽ bán hạt giống cho nông dân của những nước kém phát triển, những người sẽ trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào những công ty này cho mùa vụ hằng năm. Sau khi dân chúng la hét phản đối, Monsanto đã hứa sẽ không thương mại hoá dự án này. Thế nhưng, những công ty khác, như Zeneca, vẫn đang tiếp tục theo đuổi những nghiên cứu tương tự đối với cây ngô. Chắc chắn những công nghệ này sẽ có tiềm năng to lớn trong nông nghiệp, nhưng chỉ với điều kiện nó phải được giật ra khỏi tay những kẻ tìm kiếm lợi nhuận riêng.

Chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa man rợ

Marx và Engels đã cảnh báo rằng sự lựa chọn mà xã hội phải đối mặt là sự lựa chọn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa man rợ. Những chính trị gia theo đường lối cải cách đã gạt bỏ những cảnh cáo này như thể nó chỉ là điều tưởng tượng. Chúng không có khả năng thấu hiểu hoặc thậm chí nhận ra động cơ giai cấp dưới chế độ tư bản. Chúng xem chủ nghĩa phát-xít tàn bạo của Hitler, Mussolini và Franco, không phải là biểu hiện của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn thối nát, mà chỉ là những đặc trưng ngẫu nhiên trong quá khứ. Nhưng chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ qua đã mang lại những ác mộng về sự suy thoái và khủng hoảng kinh tế thế giới, chủ nghĩa phát-xít tàn bạo, thất nghiệp trầm trọng và hai cuộc đại chiến thế giới, đã gần như tiêu huỷ cả nhân loại. Thậm chí ngay cả trong thời kỳ sau chiến tranh, chủ nghĩa tư bản phần nào vượt qua những khó khăn, nhưng hiếm có một ngày nào có hoà bình. Nhân loại đã chứng kiến sự chạy đua vũ trang tạo dựng một thùng thuốc nổ hạt nhân và những vũ khí giết người thông thường có thể phá huỷ hành tinh này nhiều lần. Con người đã phát triển tới mức đủ kiến thức để phá huỷ đồng loại bằng phương tiện Đảm bảo Huỷ diệt Lẫn nhau. Mặc dù Liên bang Xô-viết đã sụp đổ, ngày nay những vũ khí giết người này tiếp tục quăng lên một bóng đen bao trùm khắp hành tinh.

Thậm chí các nhà chiến lược tư sản không phải không nhận thức được những nguy cơ. Một bài xã luận trên tờ The Observer trong khi phân tích một triển vọng tương lai bi quan của hệ thống tư bản, đã buộc phải chú ý đến những khả năng về một "chủ nghĩa man rợ mới" trong tương lai, trong đó Chechnya và Kosovo là những nhắc nhở bổ ích. "Rất đáng tin cậy khi cho rằng chúng ta đang ở bên lề của chủ nghĩa man rợ mới, nơi những thành tựu về kinh tế và xã hội chúng ta đang hưởng thụ sẽ biến mất trong những mớ hỗn độn của chủ nghĩa dân tộc, chiến tranh cục bộ, khủng hoảng tài chính và bảo vệ mậu dịch, bởi vì người ta cho rằng thập kỷ tới sẽ tạo dựng lên và kéo dài cái quá trình mà chúng ta đã trải qua 55 năm trước...

"Hơn thế nữa, hệ thống tư bản toàn cầu hiện nay được xây trên cát. Tài chính quốc tế đã phá vỡ biên giới quốc gia và trở thành toàn cầu với quy mô khả năng đầu cơ nhanh chóng chưa từng thấy trước nay. Tiền tệ của những nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ và Nhật Bản - có thể lên xuống dữ dội trong vài tháng; đối với các nền kinh tế nhỏ sự dao động thậm chí còn độc hại hơn. Những cảnh báo rằng Wall Street là một thị trường chứng khoán bong bóng, với giá cả lạm phát khổng lồ và thiên về đầu cơ liên tiếp, có thể trở thành thường lệ nhưng chúng vẫn không hề bớt đi tính nghiêm trọng; sự lây lan, qua việc đầu cơ vào các công ty Internet thua lỗ, đang trải rộng tới Luân-đôn. Điều này sẽ làm một ngân hàng đang trong tình trạng quá căng hoặc một tai hoạ kinh tế không mong muốn gây sốc cho tất cả các ngân hàng, với sự dính kết quốc tế hiện nay, toàn bộ hệ thống tài chính sẽ quay cuồng."(2/1/00)

Bất chấp vẻ bề ngoài của diện mạo văn hoá của phương Tây văn minh, sự phản động mang tích chất tư bản có thể mau chóng phát triển trong cặn bã của kinh tế, chính trị và khủng hoảng xã hội. Trước khi Hitler xuất hiện, Đức là một đất nước có văn hoá nhất châu Âu. Phong trào công nhân Đức là phong trào mạnh mẽ nhất trên thế giới. Cho đến tận năm 1933, thời điểm mà giới lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội và lãnh đạo công đoàn Đức vẫn gạt bỏ nguy cơ phát-xít phản động. Chúng tuyên bố "Nó sẽ không bao giờ diễn ra ở đây" cốt để cố gắng ru ngủ giai cấp công nhân.

Trong khi có một sự thật là bọn tư sản không hề muốn liều lĩnh một lần nữa giao quyền lực cho những kẻ phát-xít điên cuồng, khi quyền lực của chúng bị lâm nguy, chúng có thể dễ dàng giao tất cả cho một chế độ chính-trị-quân-sự, như ở Chile năm 1973. Có một điều thú vị rằng trước Pinochet, Chile đã được coi là "nước Anh của Mỹ La-tinh". Tầng lớp công chức đặc quyền còn đáng tin cậy hơn nhiều so với bọn phát-xít mới phất lên. Quan điểm, nhân cách, giáo dục, và v.v. làm cho họ trở thành sự lựa chọn hợp lý hơn nhiều. Và khi Tướng Pinochet biểu dương lực lượng, quân đội có thể chấp nhận những biện pháp tàn nhẫn nhất nếu cần. Sự thực là hiện tại bọn tư bản thích cai trị bằng "dân chủ", vì những đại biểu dân chủ dễ uốn nắn hơn nhiều so với các vị tướng, đặc biệt là trường hợp Noriega ở Panama và Zia ở Pakistan. Thế nhưng, trong thời kỳ khủng hoảng xã hội, những chế độ kiểu Bôn-na-pác này lại là phương tiện cai trị tư sản phù hợp hơn - ít nhất là cũng trong một thời thời gian nào đó. Nhưng với sức mạnh của giai cấp công công nhân ở Mỹ và châu Âu, chế độ này, như ở Hy Lạp vào cuối những năm 1960, không cần tồn tại trong một thời gian dài, sẽ dẫn tới những biến động cách mạng. Đó là lý do tại sao giai cấp thống trị buộc phải đắn đo trước khi lao vào cuộc mạo hiểm đến như vậy.

Ngày nay, những yếu tố man rợ có mặt ở những vụ thảm sát tại Rwanda Uganda và Somalia và tại nhiều nơi khác trên thế giới. Nhưng đây không chỉ là vấn đề ở những nước "lạc hậu". Tại Châu Âu "văn minh", cuộc thanh trừng sắc tộc khủng khiếp đang diễn ra ở Balkans ngay trước mắt quân đội của NATO. Những vụ ném bom Liên bang Nam tư và Iraq cho thấy sự tàn ác lạnh lùng của các thế lực đế quốc. Tại Nga, chế độ tư bản đang tiến hành một cuộc chiến tranh đẫm máu chống những người dân Chechen. Những diễn biến này đang răn đe những phong trào công nhân. Giai cấp công nhân không có thời gian vô hạn để xoá bỏ chủ nghĩa tư bản. Nếu không có lối thoát, bọn tư bản sẽ tất yếu chuyển sang chủ nghĩa Bôn-na-pác để giữ vững quyền lực của chúng.

Sức mạnh của gai cấp công nhân

Tình thế thật vô cùng khó khăn. Nhưng thế đứng của giai cấp công nhân không hề tuyệt vọng. Trái lại, chưa bao giờ giai cấp công nhân lại lớn mạnh cả về số lượng và về tính đoàn kết. Có một sự cân bằng về lực lượng giai cấp cho vô sản quốc tế. Trong quá khứ, không hề diễn ra sự cạn kiệt những cơ hội cách mạng. Và điều này cũng sẽ diễn ra cả trong tương lai nữa. Gần đây tại Indonesia sự kiện lật đổ tên độc tài đáng ghét Suharto, kẻ cai trị suốt 35 năm và giết hại hàng triệu người cộng sản và những người thuộc tổ chức công đoàn, cho thấy sự cương quyết của quần chúng. Thật đáng tiếc, sự yếu kém của giới lãnh đạo làm cho cách mạng còn lâu mới có thể được hoàn thành, và với yếu kém này, thực trạng này sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa. Nhưng điều đó thể hiện một điều: không gì có thể đập tan ý chí làm đổi thay xã hội của giai cấp công nhân. Giai cấp vô sản giống như vị thần Hy Lạp Anteus; mỗi khi ông bị ném xuống đất, ông lại được tiếp thêm sức mạnh từ người mẹ là thần đất.

Sử dụng cách diễn đạt của Marx, chuột chũi của cách mạng đang đào sâu trong nền móng của xã hội tư bản. Những tổ chức cố gắng kìm chế công nhân lại sẽ bị phá vỡ bởi khủng hoảng bên trong hàng ngũ của chúng. Một cách biện chứng, những sự kiện sẽ làm rung chuyển tới tận nền tảng xã hội, và cùng với nó là giai cấp công nhân và các tổ chức công nhân. Từ những cuộc đấu tranh của những lực lượng sống động, những tầng lớp tỉnh ngộ nhất của giai cấp vô sản sẽ tìm tới con đường của chủ nghĩa Marx. Tất cả những người thầy vĩ đại của chủ nghĩa Marx đã đặt niềm tin tưởng to lớn vào khả năng làm đổi thay xã hội của giai cấp công nhân. Trotsky đã nói "chủ nghĩa xã hội khoa học là biểu hiện có ý thức của quá trình lịch sử vô ý thức; ấy là, sự thúc đẩy bản năng và mãnh liệt của giai cấp vô sản để xây dựng lại xã hội từ khởi điểm cộng sản. Ngày nay trong kỷ nguyên của khủng hoảng và chiến tranh, trong tâm lý của công nhân những xu thế hữu cơ này đột nhiên trở nên cực kỳ sống động."

Sự kiện, sự kiện, rồi sự kiện sẽ làm chuyển biến toàn bộ tình thế. Giai cấp công nhân sẽ học được từ những kinh nghiệm đau đớn từ cuộc sống mà chủ nghĩa tư bản không hề mở ra lối thoát. Lenin nói "một gam kinh nghiệm bằng một tấn lý thuyết." Tư tưởng Mác-xít và chủ nghĩa xã hội sẽ giành được mối quan tâm đông đảo khi cánh tả đoạt lại các tổ chức của công nhân. Xu thế Mác-xít phải tự bản thân nó dựa trên khả năng của giai cấp công nhân để chiến đấu. Công nhân đang gánh vác trên vai định mệnh của xã hội và tương lai của nhân loại. Từ quốc gia này tới quốc gia khác giai cấp công nhân sẽ bị đẩy vào con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa. Được vũ trang với sách lược và chiến lược đúng đắn, việc giai cấp vô sản ở một quốc gia quan trọng giành được quyền lực sẽ làm chuyển biến toàn bộ tình hình thế giới. Nó sẽ thắp sáng cả thế giới, mang lại sự thiết lập một Liên bang Xã hội Chủ nghĩa châu Âu và tiến tới một Liên bang Thế giới các Nước Xã hội Chủ nghĩa.

Điều này sẽ mở ra con đường phát triển không có giới hạn cho xã hội, khoa học, kỹ thuật và văn hoá. Nói một cách văn vẻ nó sẽ mở đường tới tận các vì sao. Lần đầu tiên, nhân loại có thể bắt đầu làm chủ thiên nhiên. Nếu kể đến tất cả các nhà khoa học từ trước cho tới nay thì chín mơi lăm phần trăm trong số đó đang sống trong thời đại của chúng ta. Có rất nhiều điều để nói về cuộc cách mạng Internet, nó sẽ mang lại những tiềm năng kinh ngạc cho một nền kinh tế có kế hoạch trong tương lai, nhưng ngày nay ba phần tư dân số thế giới không có điện thoại để truy nhập mạng. Lĩnh vực khoa học này vẫn còn trong thời kỳ trứng nước. Tiềm năng là vô hạn. Nhưng chỉ trên nền tảng của một thế giới có kế hoạch, một thế giới hợp tác, và một chính phủ thế giới. Một hệ thống như vậy chỉ có thể dựa trên nền tảng xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới, và sự giải thể nhà nước, bạo lực, và tất cả các hình thức áp bức.

"Con người sẽ buộc mục đích của bản thân phải làm chủ được cảm xúc, nâng bản năng lên tầm cao của ý thức, làm cho bản năng trở nên trong sáng, vươn rộng ý chí đến tận những nơi sâu kín, và đưa bản thân con người tới một trình độ mới, để sáng tạo nên một thực thể sinh vật xã hội cao hơn, hay, nếu bạn muốn, một siêu nhân.

"Thật khó tiên đoán giới hạn của chế độ tự quản nơi mà con người của tương lai có thể vươn tới, cũng thật khó tiên đoán những tầm cao mà con người có thể làm chủ kỹ năng của mình. Xây dựng xã hội và tự giáo dục cả về thể chất lẫn tinh thần sẽ trở thành hai khía cạnh của một và cùng một quá trình. Tất cả lĩnh vực nghệ thuật - văn học, sân khấu, hội hoạ, âm nhạc và kiến trúc sẽ mang lại cho quá trình này thêm một hình thức đẹp đẽ. Chính xác hơn, một hình thức trong đó chứa đựng cả nhiệm vụ xây dựng văn hoá và tự giáo dục của con người Cộng sản, sẽ làm phát triển tất cả yếu tố cuộc sống của nghệ thuật đương thời tới đỉnh cao nhất. Không thể hình dung ra được con người sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn và tinh tế hơn đến nhường nào; cơ thể con người sẽ trở nên hoàn thiện hơn, chuyển động nhịp nhàng hơn, giọng nói du dương hơn. Các hình thức của cuộc sống sẽ trở nên sôi nổi đầy ấn tượng. Một con người bình thường sẽ đạt đến những tầm cao cỡ Aristotle, Goethe, hay Marx. Và trên những đỉnh cao mới lại sẽ mọc lên những đỉnh cao mới."(Leon Trotsky, Văn học và Cách mạng)

Ted Grant và Rob Sewell

Mùng 3, tháng 1, 2000

----

* Hầu hết người Việt Nam, đặc biệt là lớp trẻ, không hề biết đến Trotsky là ai, hoặc chỉ biết đến Trotsky một cách méo mó và xuyên tạc đến kỳ quái. Thực tế, Trotsky và Lenin là hai vị lãnh tụ vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Mười, 1917. Để biết thêm về con người và những đóng góp không thể phủ nhận của Trotsky, cả về mặt lý luận và thực tiễn, đối với chủ nghĩa Marx, các bạn hãy xem chi tiết thêm tại các trang web www.trotsky.netwww.marxists.org.

** Một nhân vật đạo đức giả sùng đạo trong tiểu thuyết ` David Copperfield' của Charles Dickens